Chi tiết bài viết

Tìm giải pháp phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững

15:14, Thứ Tư, 15-11-2023

(Quang Binh Portal) - Sáng ngày 15/11/2023, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương. Tại điểm cầu Quảng Bình, đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh du lịch được xác định một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời góp phần quan trọng vào tạo việc làm, sinh kế cho người dân, xóa đói, giảm nghèo, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Bên cạnh đó, du lịch là cầu nối giao lưu quốc tế thiết thực, hiệu quả, để khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến thăm, trải nghiệm, hiểu hơn, chia sẻ hơn, yêu quý hơn đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. 

Điểm cầu các tỉnh tham dự hội nghị

Từ đầu năm 2023, hoạt động du lịch đã dần khôi phục trở lại, đặc biệt là du lịch nội địa và đạt được một số kết quả tích cực. Lượng khách du lịch quốc tế tính đến hết tháng 10/2023 đã vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Nhiều sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác đã làm tăng sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch được quan tâm, đầu tư, nâng cấp. Trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam hơn 9,97 triệu lượt, vượt kế hoạch năm 2023, khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 582 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó ngành Du lịch nhận 54 giải thưởng tại Lễ trao Giải thưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương năm 2023 của Giải thưởng World Travel Awards, tiếp tục khẳng định thương hiệu, vị thế của du lịch Việt Nam trên trên bản đồ du lịch thế giới.

Tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ thêm những kết quả đạt được, đồng thời phân tích tồn tại, hạn chế như: Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn còn chưa như kỳ vọng, phục hồi còn chậm so với một số nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thị trường truyền thống mở cửa chậm; xu hướng khách lựa chọn điểm đến gần thay vì điểm đến xa; các yếu tố lạm phát ảnh hưởng đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian qua; sau Covid-19, sự mất liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương làm du lịch, xảy ra thực trạng cạnh tranh giá; nhiều sản phẩm giá cao khiến lượng khách sụt giảm; ngành Du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là việc đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, cạnh tranh của các nước trong khu vực, quốc tế...

 Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình 

Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ngành Du lịch đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch; hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, đến năm 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa; ngành Du lịch cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả; thực hiện liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận tại hội nghị  

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấm mạnh, nhằm tranh thủ tốt thời cơ, hóa giải khó khăn, thách thức, tạo ra đột phá trong phục hồi, phát triển du lịch nhanh, bền vững, ngành Du lịch cần tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp trọng tâm và những định hướng lớn. Trong đó tiếp tục thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch; đẩy mạnh phối hợp liên vùng, liên địa phương, hình thành chuỗi giá trị, sản phẩm du lịch, xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện; tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho việc phục hồi, phát triển du lịch; đẩy nhanh cơ cấu lại thị trường, tập trung triển khai quyết liệt về hoạt động xúc tiến du lịch, tăng tốc độ phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế; phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch có thương hiệu, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh cao; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực du lịch với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”…

PV ĐHà

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình