Quảng Bình nỗ lực phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của miền trung

Trải qua 420 năm xây dựng và phát triển (1604-2024), dù phải đương đầu với muôn vàn khó khăn thử thách, nhưng ở thời kỳ nào, vùng đất và con người Quảng Bình luôn tỏ rõ hào khí kiên cường và sức vươn lên mạnh mẽ. Những thành tựu mà Quảng Bình đạt được trong chiều dài lịch sử, nhất là từ khi có Ðảng đến nay là hết sức to lớn, được hun đúc từ trong những tháng năm máu lửa của chiến tranh, là hành trang lớn để Ðảng bộ và nhân dân Quảng Bình vươn lên, trở thành địa phương giàu mạnh.


Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 ở tỉnh Quảng Bình đang được triển khai xây dựng.

Theo thư tịch cũ và truyền thuyết, đất nước thời Văn Lang, Quảng Bình thuộc bộ Việt Thường (có sách chép là Việt Thường Thị) một tổ chức hành chính nhà nước sơ khai có địa vực tương đồng với tọa độ địa lý của Bắc Trung Bộ hiện nay. Tháng 10 năm Mậu Ngọ (1558), sau khi được Vua Lê Anh Tông đồng ý cho vào trấn thủ Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng đem theo những người tâm phúc, chiêu tập hiền tài với khoảng 1.000 người, theo đường biển vào Thuận Hóa xây dựng thế lực cát cứ lâu dài. Sau khi vượt biển vào đến Thuận Hóa, Ðoan Quận công Nguyễn Hoàng và đoàn tùy tùng đổ bộ vào Cửa Việt, đóng dinh tại làng Ái Tử (Quảng Trị) bắt đầu sự nghiệp ở vùng đất phía nam.

Từ sau khi được bổ chức Tổng trấn cai quản hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, Nguyễn Hoàng bắt đầu thực thi nhiều chính sách nhằm ổn định vùng đất vốn có nhiều khó khăn lúc bấy giờ. Sau khi hoàn thành việc mở cõi đến mảnh đất Hà Tiên (phía nam), năm Hoằng Ðịnh thứ 5, Giáp Thìn (1604), Chúa Nguyễn Hoàng đã đổi tên vùng đất này từ phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình. Lần đầu tiên, danh xưng Quảng Bình xuất hiện và từ đó gắn liền với lịch sử vùng đất này cho đến ngày nay.

Ðầu thời kỳ Gia Long, khi thắng được nhà Tây Sơn, tại miền trung, khu vực phụ cận kinh đô, nhà Nguyễn đặt bốn dinh trực lệ là Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ðức và Quảng Nam. Năm Minh Mạng thứ hai (1821) đổi dinh Quảng Bình làm trấn Quảng Bình bỏ hai chữ trực lệ. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) đổi trấn Quảng Bình thành tỉnh Quảng Bình. Ðến đây, Quảng Bình có thiết chế hành chính cấp tỉnh...

Ngày 23/8/1945 là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Bình. Chỉ trong vòng chưa đầy một ngày đêm, quần chúng nhân dân trong tỉnh nhất tề nổi dậy lật đổ ách thống trị của đế quốc, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Cuộc khởi nghĩa diễn ra nhanh gọn và thu được thắng lợi to lớn. Ngày 2/9/1945, lần đầu trong lịch sử, quân và dân Quảng Bình với đủ mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, từ các vùng, miền đã tập trung về tỉnh lỵ và huyện lỵ dự cuộc mít-tinh lớn mừng ngày nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đã phát huy truyền thống quê hương “Hai giỏi”, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và thu được những kết quả rất đáng tự hào. Ngày 27/3/1947, thực dân Pháp huy động một lực lượng lớn hải, lục, không quân đánh chiếm Quảng Bình, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Ðảng, Liên khu IV, Ðảng bộ và nhân dân Quảng Bình đã vận dụng một cách sáng tạo trước mọi tình huống của chiến tranh và tổ chức, động viên toàn dân tham gia kháng chiến, tạo nên sức mạnh to lớn để chiến thắng kẻ thù.

Phát huy truyền thống “Quảng Bình quật khởi” trong kháng chiến chống thực dân Pháp và “Quảng Bình hai giỏi” trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, từ ngày tái lập tỉnh (năm 1989) đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, Chính phủ, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, đưa tỉnh phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Thành tựu nổi bật sau 35 năm tái lập tỉnh, Quảng Bình đã khắc phục được tình trạng trì trệ, đưa nền kinh tế phát triển và đi vào thế ổn định, tốc độ tăng trưởng GRDP khá, quy mô nền kinh tế không ngừng được nâng lên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Trong giai đoạn 2010-2020, do ảnh hưởng của thiên tai và suy thoái kinh tế toàn cầu, sự cố môi trường biển, dịch Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn đạt hơn 6,0%; năm 2023 đạt 7,21%, đây là sự nỗ lực lớn của Ðảng bộ và nhân dân trong tỉnh. GRDP bình quân đầu người năm 1990 là 0,46 triệu đồng, đến năm 2023 tăng lên 60 triệu đồng; tỷ trọng công nghiệp-xây dựng và dịch vụ tăng; nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm nhờ tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp, dịch vụ luôn duy trì ở mức cao. Thương hiệu du lịch Quảng Bình được khẳng định ở tầm quốc gia, khu vực và thế giới, là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng và đạt được kết quả tích cực. Ðến năm 2023, có 93/128 xã đạt nông thôn mới, đạt 73% tổng số xã. 10 năm gần đây, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của tỉnh được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại, góp phần làm thay đổi bộ mặt từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Một số công trình hạ tầng giao thông quan trọng được đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả đã tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Thắng cho biết, quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định rõ bốn trụ cột phát triển kinh tế, hai trung tâm động lực tăng trưởng, ba trung tâm đô thị và ba hành lang kinh tế, đây chính là công thức, là cơ sở quan trọng tạo bước đột phá cho kinh tế Quảng Bình. Cụ thể, bốn trụ cột trong phát triển kinh tế là: du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Hai trung tâm động lực tăng trưởng cho Quảng Bình là khu du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, với mục tiêu trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Ðông Nam Á và khu kinh tế Hòn La, với mục tiêu trở thành khu kinh tế động lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Ðể đạt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền trung, tỉnh đề ra các bước đột phá phát triển. Trước hết, tỉnh huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên những lĩnh vực, dự án quan trọng tạo sự đột phá và có sức lan tỏa lớn: hệ thống giao thông bảo đảm kết nối thông suốt, hoàn thành đường cao tốc bắc-nam phía đông trước năm 2025; hạ tầng du lịch; hạ tầng thiết yếu, quan trọng trong khu công nghiệp, khu kinh tế; hạ tầng công nghệ thông tin để hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, chính quyền số. Các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề trọng điểm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong một số lĩnh vực then chốt như du lịch, công nghiệp, năng lượng tái tạo.

Quảng Bình đổi mới hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách bảo đảm cho huy động, phát huy hiệu quả các nguồn lực, tháo bỏ các rào cản, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường vai trò kiến tạo của các cơ quan quản lý nhà nước; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực chuyển đổi số nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút nhân tài; tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu các ngành công nghiệp mới, du lịch giá trị cao; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo; liên kết giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp trong dạy nghề, giải quyết việc làm để phù hợp nhu cầu của thị trường lao động; từng bước hoàn thiện và nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Tin rằng, quê hương Quảng Bình “Hai giỏi” anh hùng sẽ biến những thách thức trở thành khát vọng phát triển, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành một tỉnh phát triển khá trong khu vực miền trung và đến năm 2050, Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.

Theo Báo Nhân dân

Các tin khác