Những cổ vật nghìn năm 'kể chuyện' lịch sử Quảng Bình

Trải qua 420 năm hình thành và phát triển, Quảng Bình luôn là một phần đất thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam. Những cổ vật, hình ảnh là minh chứng cho sự phát triển của Quảng Bình qua từng giai đoạn lịch sử.

Đầu tháng 6/2024, tỉnh Quảng Bình tổ chức Lễ kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024), 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949-15/7/2024) và 35 năm Ngày tái lập tỉnh (1/7/1989-1/7/2024). Vùng đất Quảng Bình hiện nay trải qua nhiều lần thay đổi cương vực (địa giới lãnh thổ) và tên gọi.

Theo thông tin tư liệu trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Quảng Bình, theo sự phân chia bộ lạc dưới thời Văn Lang, Quảng Bình thuộc bộ Việt Thường, vốn dĩ tồn tại trong khu vực đã từng có sách chép là Việt Thường Thị - một tổ chức hành chính Nhà nước sơ khai có địa vực tương đồng với tọa độ địa lý của Bắc Trung Bộ hiện nay.

Bước vào thời kỳ văn hóa Đông Sơn, ở Quảng Bình tìm thấy nhiều loại vũ khí như mũi tên, rìu, lưỡi giáp, dao găm bằng đồng. Nhiều loại công cụ đồ dùng sinh hoạt như thạp đồng, thố đồng và cả trống đồng ở nhiều di chỉ khảo cổ khác nhau như Cồn Nền, Phù Lưu, Hóa Hợp...

Khi đất nước ta bị phong kiến phương Bắc đô hộ, vùng đất Quảng Bình khi thì nằm trong quận Tượng Lâm, khi thì nằm trong quận Nhật Nam. Năm 192 triều đại Đông Hán bị đánh bại phải rút quân về nước, Quảng Bình nằm trong lãnh thổ Lâm Ấp. Đến năm 758 Lâm Ấp đổi tên là Chiêm Thành, Quảng Bình nằm trong 2 châu: Châu Bố Chính và Châu Địa Lý.

Năm 1069, để phá tan âm mưu cấu kết giữa quân xâm lược nhà Tống và Chiêm Thành, một đạo quân Đại Việt do vua Lý Thánh Tông cầm đầu và tướng Lý Thường Kiệt chỉ huy tiến đánh vào tận kinh thành Chăm-pa, bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Để chuộc tội, vua Chiêm cắt dâng 3 châu: Bố Chính, Ma Linh, Địa Lý (gồm Quảng Bình - Quảng Trị) cho nhà Lý. Năm 1075, Lý Thường Kiệt đổi tên Châu Bố Chinh thành Châu Bố Chính, Châu Địa Lý thành Châu Lâm Bình. Mảnh đất Quảng Bình từ đó chính thức được đưa vào bản đồ nước ta. Sau thời Lý Thường Kiệt, cương vực và tên vùng đất này lại có nhiều thay đổi.

Đến thời Nguyễn Hoàng (1558 đến 1604) vùng đất Bắc sông Gianh gọi là xứ Đàng Ngoài, vùng Nam sông Gianh gọi là xứ Đàng Trong. Năm 1604 Nguyễn Hoàng đổi Châu Bố Chính thành phủ Quảng Bình, cái tên Quảng Bình có từ đó. Sau nhiều lần đổi tên, đến năm 1832, đời vua Minh Mạng vùng đất này trở về tên gọi là tỉnh Quảng Bình.

Từ ngày 20/9/1975 Trung ương quyết định nhập Quảng Bình với Quảng Trị và Thừa Thiên thành tỉnh Bình - Trị - Thiên, lấy thành phố Huế làm tỉnh lị. Đến ngày 1/7/1989 Trung ương Đảng có quyết định tách 3 tỉnh này về địa giới cũ.

Một số hình ảnh khác của Quảng Bình:

Thẻ bài chỉ dùng thu thuế thân của thực dân Pháp tại Quảng Bình từ năm 1933-1942 được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Quảng Bình.

Bộ sưu tập gốm sứ thời phong kiến được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Quảng Bình.

Nhân dân xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch tháo cột nhà góp vật liệu xây làng chiến đấu trong kháng chiến chống Pháp.


Nhân dân Đồng Hới biểu tình chống tàn dư phát xít năm 1946.


Bác Hồ đứng trên lễ đài Sân vận động Đồng Hới nói chuyện với đồng bào, chiến sĩ nhân dịp Người về thăm Quảng Bình ngày 16/6/1957.


Anh hùng Nguyễn Thị Suốt (mẹ Suốt), người dũng cảm chèo đò đưa bộ đội sang sông Nhật Lệ dưới làn mưa bom của đế quốc Mỹ.

Những kỷ vật chiến tranh được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Quảng Bình.




Những hình ảnh ghi lại từng chặng đường phát triển của Quảng Bình.


Các thế hệ luôn tìm cách gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa đậm nét của quê hương Quảng Bình.

Theo Báo Sức khỏe & Đời sống

Các tin khác