Không ngừng khơi dậy hào khí quê hương Quảng Bình

Hàng trăm năm qua, các thế hệ cha anh và con cháu nối tiếp nhau trên hành trình dựng xây quê hương với bao khó khăn, thử thách nhưng luôn ngời lên tinh thần bất khuất, bản lĩnh, vững vàng để tên gọi Quảng Bình luôn tự hào đồng hành với các sự kiện lịch sử lớn của đất nước và hào khí non sông.

Trong giai đoạn phát triển hiện nay, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình không ngừng phát huy truyền thống, khơi dậy tình yêu quê hương, tích cực đẩy mạnh thi đua, sản xuất nhằm xây dựng Quảng Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh...

Bề dày văn hóa, lịch sử lâu đời

Theo ghi chép từ các thư tịch cũ, truyền thuyết, những nghiên cứu của các nhà sử học, mặc dù vùng đất này đã hiện diện những trung tâm văn hóa tiền sử và sơ sử rất sớm, khá nổi tiếng, nhưng vì những biến động xã hội diễn ra thường xuyên, liên tục trong suốt tiến trình hàng ngàn năm qua đã làm cho dòng chảy lịch sử Quảng Bình không phải lúc nào cũng thuận chiều, thậm chí có lúc gián đoạn. Chính vì lẽ đó, từ sau hơn một thiên niên kỷ khai thiết và tạo dựng, mãi đến đầu thiên niên kỷ thứ hai, vùng đất Quảng Bình mới có danh xưng để hội nhập đầy đủ vào tiến trình lịch sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Theo Tiến sỹ Sử học Nguyễn Khắc Thái, đó là thời điểm Lý Thường Kiệt mang gươm đi mở cõi phương Nam để thu về, sáp nhập ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh vào Đại Việt (năm 1069). Sau đó, mảnh đất này lại tiếp tục hứng chịu nhiều tác động ngoại cảnh và những biến động tự thân để rồi lại phân chia, tách nhập với các tên gọi khác như châu Bố Chính, Lâm Bình, Minh Linh (năm 1075), phủ Tân Bình (năm 1375), trấn Tân Bình (năm 1397), phủ Tây Bình (năm 1402), phủ Tiên Bình (năm 1600)...

Và rồi mãi đến năm 1604, sau khi thiết lập chính quyền, dựng nghiệp phương Nam, Chúa Nguyễn Hoàng thống nhất lại các đơn vị hành chính thuộc quyền và chính thức đặt tên mới cho vùng đất này là phủ Quảng Bình. Danh xưng Quảng Bình được Chúa Nguyễn Hoàng dùng với khát vọng lớn lao, Quảng có nghĩa là bao la, Bình có nghĩa là thái bình, yên ổn với một nền "thái bình rộng lớn bền lâu”...

Năm 1604 đánh dấu mốc tỉnh bắt đầu có danh xưng "Quảng Bình" và là đơn vị hành chính cấp phủ, tương đồng cấp tỉnh, trực thuộc chính quyền Trung ương nước Đại Việt; toàn bộ không gian lãnh thổ và địa giới hành chính phủ Quảng Bình bấy giờ bảo đảm tính toàn vẹn tương đối đến ngày nay.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam

Cùng với tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, 420 năm qua, Quảng Bình trở thành nơi hội tụ giữa các trung tâm văn hóa lớn của dân tộc như Văn hóa Việt Mường-Chămpa, Đông Sơn-Sa Huỳnh, Đàng Trong-Đàng Ngoài, Thăng Long-Phú Xuân... Đây là vùng đất có nhiều tài nguyên, thiên nhiên, nơi sản sinh ra những tài năng kiệt xuất, có dấu ấn lịch sử to lớn không thể phai mờ như Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh-người mở cõi phương Nam; Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Tổng tư lệnh của Quân đội Việt Nam anh hùng với nhiều chiến công vang dội “bốn biển, năm châu, chấn động địa cầu”...

420 năm qua, trên hành trình phát triển, Quảng Bình phải đương đầu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách với sự khắc nghiệt của thiên tai, nhiều cuộc chiến tranh. Vượt qua tất cả, bao thế hệ người dân Quảng Bình can trường, kiên cường, dũng cảm, vượt qua khó khăn, thử thách để bảo vệ cuộc sống bình yên cũng như từng tấc đất thiêng liêng của quê hương, đất nước...

Đặc biệt, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình tiếp tục viết nên những trang sử hào hùng, bất diệt, trở thành biểu tượng của Chủ nghĩa anh hùng Cách mạng với nhiều phong trào được cả nước ngợi ca như: “Quảng Bình quật khởi”; Quảng Bình “ Hai giỏi”; tinh thần “Rào làng chiến đấu”; “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”; “Đường chưa thông, không tiếc máu tiếc xương” để cùng Đất nước, Tổ quốc khải ca thống nhất, non sông thu về một mối...

Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, Quảng Bình với khí thế “Hai giỏi” đã cùng Quảng Trị, khu vực Vĩnh Linh và Thừa Thiên - Huế hợp nhất nên tỉnh Bình Trị Thiên, cùng chung tay khắc phục hậu quả chiến tranh, đoàn kết xây dựng quê hương phát triển.

Năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên hoàn thành sứ mệnh lịch sử, Quảng Bình được chia tách, trở về mang đúng tên gọi vốn có để bắt đầu cho hành trình đổi mới và vươn lên của mình.


Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đón Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez tại sân bay Đồng Hới. Ảnh: Tá Chuyên - TTTXVN

Hành trình khơi dậy hào khí quê hương


Hình ảnh hồ "lơ lửng" trong hang Thung vừa được phát hiện. Ảnh: TTXVN phát

Ông Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Năm 1989, nền kinh tế tỉnh Quảng Bình còn lạc hậu, cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, tài nguyên, thiên nhiên chưa được khai thác tốt để phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống, tinh thần cho người dân. Trước muôn vàn khó khăn và thử thách đó, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Quảng Bình đã đoàn kết, chung tay, quyết tâm khơi dậy hào khí cha ông, xây dựng quê hương ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn theo đúng tinh thần của Bác Hồ kính yêu mong muốn...

Trong những năm qua, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã không ngừng đổi mới, tìm tòi, sáng tạo, đưa ra được nhiều quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân để thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội tại địa phương.

Trong hành trình 35 năm tái lập tỉnh và gần 40 năm đổi mới, từ một nền kinh tế lạc hậu, chậm phát triển, đời sống nhân dân nhiều khó khăn, thiếu thốn, đến nay, tỉnh Quảng Bình luôn năng động trong phát triển, có tốc độ tăng trưởng GDP khá, năm sau cao hơn năm trước.

Nổi bật là giai đoạn 1991-2010, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân từ 8,1% đến 11%/năm. Từ năm 2020 đến nay, cũng như cả nước, mặc dù chịu nhiều tác động của COVID-19, suy thoái kinh tế nhưng tốc độ tăng trưởng của tỉnh vẫn đạt kế hoạch đề ra.

Cùng với đó, cơ cấu kinh tế ở tỉnh luôn chuyển dịch đúng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ sở vật chất-kỹ thuật, hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn ngày càng phát triển, chính trị-xã hội ổn định, an ninh-quốc phòng ngày càng được củng cố vững chắc. Ðời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu theo thời gian, đến nay, chỉ còn hơn 4%.

Hệ thống trường học, bệnh viện, trạm y tế, điện lưới quốc gia, trung tâm thương mại, dịch vụ được đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, phục vụ nhân dân.


Diêm dân Quảng Phú trên ruộng muối. Ảnh: Đức Thọ - TTXVN

Đáng quan tâm, trong nhiều lĩnh vực như phát triển du lịch, trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, khai thác thế mạnh vùng biển, tỉnh Quảng Bình đang từng ngày khẳng định được vị thế. Trong đó, với gần 70% độ che phủ rừng, trong nhiều năm liền, Quảng Bình luôn đứng thứ 2 toàn quốc; tốc độ tăng trưởng du lịch hằng năm luôn đạt trên 2 con số, chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm nay, tổng lượt khách du lịch đến Quảng Bình đạt khoảng trên 1,4 triệu lượt khách, tăng 37,4% so với cùng kỳ. Doanh thu từ khách du lịch đạt 1.578,188 tỷ đồng, tăng 73,7% so với cùng kỳ.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Bình cũng là mảnh đất có nhiều lợi thế, được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Từ năm 2021 đến nay, Quảng Bình đã thu hút được gần 150 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký gần 3.000 tỷ đồng; 1 dự án FDI với tổng vốn đầu tư lên đến 55 triệu USD cùng hàng chục dự án phi chính phủ với tổng số vốn đầu tư lên đến hàng triệu USD....

Tiếp tục hành trình khơi dậy hào khí quê hương để đổi mới và đi lên, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Bình không ngừng đẩy nhanh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 và Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu sớm đưa tỉnh trở thành khu vực năng động của miền Trung, là điểm kết nối quan trọng trên trục Bắc-Nam, Đông-Tây với 4 trụ cột phát triển kinh tế, 2 trung tâm động lực tăng trưởng, 3 trung tâm đô thị và 3 hành lang kinh tế...

“Trải qua 420 năm hình thành và phát triển, dù phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, nhưng ở thời kỳ lịch sử nào, vùng đất và con người Quảng Bình luôn thể hiện bản lĩnh kiên cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Mỗi bước phát triển của Quảng Bình hôm nay đều mang trong mình hào khí ngàn xưa của ông cha và bản sắc, văn hóa, truyền thống của vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Chặng đường phía trước mở ra cho Quảng Bình nhiều cơ hội phát triển và những thách thức, song những thành tựu đạt được sau 420 năm hình thành tỉnh, 35 năm tái lập tỉnh và những kinh nghiệm quý báu qua gần 40 năm đổi mới sẽ là tiền đề vững chắc, động lực quan trọng để Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình vững tin trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển”- ông Trần Hải Châu khẳng định./.


Theo  TTXVN