Ngày vui trên quê hương

Những ngày tháng 6, trời Quảng Bình như xanh hơn, lòng người cũng rưng rưng niềm xúc động, tự hào bởi mốc son 420 năm quê hương mang tên gọi Quảng Bình. Những sự kiện, câu chuyện, hành động của mỗi một người dân nơi vùng đất “thái bình rộng lớn” đã góp phần cho ngày trọng đại của quê nhà trở thành một dấu ấn không thể nào quên.

Trăm sông đổ về biển cả
 
Nhiều lần được chứng kiến và tham gia vào các sự kiện kỷ niệm của quê hương, nhưng với riêng tôi và rất nhiều người, tháng 6/2024 là những thời khắc rất đặc biệt. Mọi người hồi hộp chờ đợi, đếm ngược mỗi ngày để được thưởng thức chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh vào tối 2/6 tại Quảng trường Hồ Chí Minh.
 
Và thực tế đã chứng minh, không chỉ đơn thuần là chương trình nghệ thuật, đó là một chặng đường lịch sử của quê hương được tái hiện bằng âm nhạc, giai điệu, ca từ, vũ điệu, là sự chắt chiu những giá trị tinh túy của vùng đất “địa linh nhân kiệt”, sự chung tay góp sức, một lòng vì quê hương như trăm dòng sông đổ về biển cả của cán bộ, nhân dân, con em Quảng Bình.
 
Bên cạnh vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trách nhiệm và sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo các ngày lễ lớn tỉnh, tác giả của những màn múa đầy xúc cảm và hoành tráng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt là một người con Quảng Bình, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Nguyễn Hữu Từ. Sinh năm 1977 tại TP. Đồng Hới, Nguyễn Hữu Từ là người có công lớn trong việc tạo nên những dấu son trên “bản đồ múa” Việt Nam.


Đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự lễ kỷ niệm.

Sau những tháng năm dài khổ luyện và cống hiến, năm 2015, biên đạo Nguyễn Hữu Từ được phong tặng danh hiệu NSND, là nghệ sĩ trẻ nhất ngành múa được phong tặng danh hiệu cao quý này. Năm 2023, anh tiếp tục được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, là giải thưởng cao quý mà những người làm nghệ thuật đều nỗ lực hướng tới.
 
Trong hành trình của mình, dù tham gia hàng trăm chương trình nghệ thuật, nhưng với NSND Hữu Từ thì “Lần đầu tiên tôi thực hiện chương trình trong cảm xúc dạt dào đến vậy và tôi luôn trăn trở để đạt hiệu quả cao nhất. Mặc dù dàn dựng trong thời gian ngắn nhưng là một người con quê hương Quảng Bình nên trong tôi luôn sẵn có “vốn liếng” về quê hương, đặc biệt là những ca khúc rất hay về đất và người Quảng Bình”.
 
Cùng với “vốn liếng” và tình yêu dành cho quê hương, NSND Hữu Từ đã góp sức mình để chương trình thành công rực rỡ. Để một “dòng sông” khác là nhạc trưởng Lê Phi Phi, con trai của cố nhạc sĩ Hoàng Vân đã nghẹn ngào trước sự trân trọng, tình yêu thương và quý mến của tỉnh Quảng Bình đối với ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi”. Được dùng để mở đầu và kết thúc chương trình, ca khúc thân thuộc với nhân dân Quảng Bình và cả nước như dấu son vừa hào hùng, vừa lắng đọng trong lòng khán giả.
 
Đồng chí Cao Văn Định, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: “Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024), 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949-15/7/2024) và 35 năm Ngày tái lập tỉnh (1/7/1989-1/7/2024) là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong năm 2024. Trong đó, chương trình lễ kỷ niệm tối 2/6 là một trong những nội dung quan trọng, được Ban Chỉ đạo các ngày lễ lớn tỉnh cân nhắc, xây dựng kỹ lưỡng. Chương trình là “tiếng lòng” của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà nhằm tri ân các bậc tiền nhân, các thế hệ ông cha, đồng thời khẳng định quyết tâm trên hành trình mới của quê hương”.

Đóng góp cùng chương trình là nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của Quảng Bình và nghệ sĩ là con em Quảng Bình đang sinh sống xa quê, như: Viết Danh, Thy Phượng và Hồ Ngọc Hà với hai bài hát đầy sôi động trên nền những màn vũ điệu cuốn hút, trẻ trung. Được biết, số tiền thù lao của đêm diễn, Hồ Ngọc Hà dành làm từ thiện ngay tại quê hương mình như một sự tri ân vùng đất đã nuôi cô khôn lớn, trưởng thành.

Và có những “dòng sông” thật giản dị, đó là những đoàn viên, thanh niên nán lại sau chương trình, thu dọn rác thải, trả lại sự phong quang, sạch đẹp vốn có của Quảng trường Hồ Chí Minh. Ông Đỗ Trọng Thái, nguyên là cán bộ Báo Quảng Bình cảm động chia sẻ: “Trong quá trình công tác, tôi từng được tham gia và chứng kiến nhiều chương trình kỷ niệm của tỉnh, nhưng có lẽ đây là chương trình để lại nhiều cảm xúc sâu đậm nhất trong lòng tôi. Tôi đang ở TP. Hồ Chí Minh nên xem chương trình trực tiếp trên truyền hình, lòng vô cùng tự hào về quê hương. Chúc mừng và cảm ơn những người có trách nhiệm đã tổ chức thành công chương trình đầy ý nghĩa này”.
 
Những đoạn rap được trình diễn với phong cách trẻ trung, hiện đại, nội dung cô đọng, thú vị, mộc mạc giới thiệu những danh lam, thắng cảnh, giá trị văn hóa, lịch sử của Quảng Bình và ẩn chứa tình yêu quê hương sâu sắc đã thu hút sự chú ý quan tâm của nhiều khán giả. Và rất nhiều những “dòng sông” nữa, là tấm lòng của con em quê hương từ mọi miền đất nước và ở nước ngoài với nỗi niềm rưng rưng xúc động khi được chứng kiến trang mới đầy hào khí và hân hoan, rực rỡ của quê nhà.


Quảng Trường Hồ Chí Minh rực rỡ trong đêm kỷ niệm.

Quảng Bình: Thẳng hướng tương lai
 
Đó là phần kết của chương trình nghệ thuật đặc biệt, cũng là âm hưởng, khí thế của Quảng Bình trên hành trình mới. Diễn văn lễ kỷ niệm do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng trình bày đã khẳng định: “Trải qua 420 năm hình thành và phát triển, dù phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, song ở thời kỳ lịch sử nào, vùng đất và con người Quảng Bình cũng đã luôn thể hiện bản lĩnh kiên cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Mỗi bước phát triển của Quảng Bình hôm nay mang trong mình hào khí ngàn xưa của ông cha để lại, của lớp lớp bao thế hệ người dân Quảng Bình dày công vun đắp, xây dựng và bảo vệ.
 
Chặng đường phía trước đang mở ra cho Quảng Bình nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít gian nan, thử thách, song chúng ta tin tưởng rằng, những thành tựu đạt được sau 420 năm đổi mới là tiền đề vững chắc, là động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Bình vững tin trên con đường mới, hội nhập và phát triển”.


Nhân dân theo dõi chương trình nghệ thuật.

Đó cũng chính là quyết tâm, khát vọng, là tiếng lòng của gần 1 triệu người dân Quảng Bình. Quyết tâm ấy, khát vọng ấy cùng những thành tựu của quê hương đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao.
 
Trong bài phát biểu chào mừng tại lễ kỷ niệm, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: “Sau gần 50 năm đất nước được thống nhất, nhất là giai đoạn 35 năm tái lập tỉnh-một chặng đường ngắn trong lịch sử 420 năm của Quảng Bình-nhưng đó là thời kỳ đạt được nhiều kết quả to lớn, những thành tựu đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa đối với sự phát triển của tỉnh. Quảng Bình ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước, được minh chứng qua những con số ấn tượng trên nhiều lĩnh vực”.
 
Đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng mong muốn Quảng Bình phát huy hơn nữa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là các giá trị văn hóa, lịch sử, con người Quảng Bình; các giá trị tốt đẹp trong phong trào “Gió Đại Phong”, phong trào “Hai giỏi”, khí phách “Quảng Bình quật khởi”-coi đây là cốt cách, bản sắc riêng và là nguồn lực to lớn để Quảng Bình phát triển thịnh vượng, bền vững.
 
“Với lịch sử 420 năm, khí phách tinh thần quật khởi, giá trị của phong trào “Hai giỏi” và những thành tựu của 35 năm tái lập tỉnh, Quảng Bình đang có vận hội phát triển tươi sáng!”, đồng chí Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh!
 
 
Minh họa sống động cho quyết tâm, khát vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân và niềm tin của Đảng, Nhà nước dành cho Quảng Bình là những đổi thay tích cực, tươi mới mỗi ngày. Hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư đồng bộ, từng bước hiện đại. Đời sống nhân dân từ thành thị đến nông thôn, miền ngược hay miền xuôi khởi sắc mạnh mẽ. Đảng bộ ổn định, nhân dân đồng thuận và luôn mang theo mình hào khí ngàn xưa của ông cha để lại, của lớp lớp bao thế hệ người dân Quảng Bình dày công vun đắp, dựng xây, bảo vệ, vững tin thẳng hướng tương lai.

Theo Báo Quảng Bình