Chi tiết bài viết

Lễ hội trỉa lúa Nét văn hóa đọc đáo của người Bru - Vân Kiều Trường Sơn

16:48, Thứ Sáu, 5-8-2022

(Quang Binh Portal) - Hàng năm, cứ đến ngày 12 tháng 7 âm lịch, bà con đồng bào dân tộc Vân Kiều ở bản Khe Cát, xã Trường Sơn vẫn thường tụ về đông đủ dưới chân núi Chồng để tổ chức lễ hội cổ truyền - Lễ hội trỉa lúa. Ngày nay, Lễ hội đã được nâng tâm và phát triển.  

Nằm về phía Tây Bắc xã Trường Sơn, bản Khe Cát có 101 hộ với 438 nhân khẩu, sinh sống dọc hai bên bờ suối, giữa thung lũng của hai ngọn núi mà người dân bản địa gọi là núi Vợ và núi Chồng. Người dân nơi đây có nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất rừng, nương rẫy và tận thu các sản phẩm phụ từ rừng nên cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, vất vã. 

Cuộc sống mưu sinh trước đây của cộng đồng người người Bru - Vân Kiều với tập tục chặt, đốt, cốt, trỉa đã hình thành nên những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống rất riêng của người Vân Kiều trong đó có Lễ hội trỉa lúa hay còn gọi là Lễ hội lấp lỗ, đã được bà con duy trì, phát triển từ hàng chục năm qua và đến hôm nay đã trở thành lễ hội truyền thống. Ông Nguyễn Văn Nhì, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết “Thực hiện kế hoạch của UBND huyện về việc chuẩn bị cho Lễ hội năm nay, UBND xã Trường Sơn đã chỉ đạo bản Khe Cát phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện các công đoạn cần thiết đảm bảo cho Lễ hội diễn ra thành công tốt đẹp. Chúng tôi đã chỉ đạo bà con dân bản tiến hành dọn dẹp vệ sinh tại địa điểm tổ chức lễ hội ở bản Khe Cát, xây dựng các khám thờ và đan lát hình thù những con vật bằng tre, nứa như con ve, con chim… để trang trí trong lễ cúng. 

Về chương trình văn nghệ, chúng tôi cũng đã hợp đồng với các đơn vị chuẩn bị các điều kiện cần thiết. Bên cạnh đó, UBND xã phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện chú trọng công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trong của Lễ hội nhằm nâng cao nhận thức cho người dân”.  

Lấp lỗ là một công đoạn cuối của quy trình làm nương làm rẫy, với tập tục trước đây của cộng đồng người Bru - Vân Kiều: Chặt, đốt, cốt, trỉa nhưng đã được dân bản nâng lên thành lễ hội với ý nghĩa là trước khi đem hạt giống cất giữ trong gùi kín đáo hàng năm ra, trỉa xuống đất cầu mong thần trời, thần nước, thần rừng, thần núi giữ gìn bảo hộ cho sự sinh sôi nảy nở chắc hạt, nặng bông có ngày thu hoạch. Dân bản xin thần ban cho hạt giống được mọc lên cây lúa, cây ngô, cây đỗ... khỏe mạnh, xanh tươi, không cho chim chóc, muông thú phá hoại để có mùa màng bội thu, dân bản no ấm. Già làng Hồ Ai, bản Khe Cát, xã Trường Sơn cho biết: “Lễ hội được tổ chức ở nơi gò cao dưới chân núi Chồng, nơi đó có nhiều cây cổ thụ, trên đỉnh có 03 ngọn núi cao vút. Khám thờ được dựng bằng tre nứa, đặt tựa lưng vào hướng núi Chồng, mặt hướng qua núi Khe Cát mà dân gian bản xứ gọi là núi Vợ. Khi mặt trời chiếu xuống vùng đất lễ, bà con dân bản đã tập trung đông đủ để làm lễ tế sống (hiến sinh) bằng lợn trắng tuyền. Các lễ vật sau khi hiến sinh, được nấu chín xếp vào mâm bưng đặt lên hai tầng của khám thờ. Tầng trên thờ thần trời, thần núi, tầng dưới thờ thần đất, thần sông. Hai bên khám thờ không có lư hương, chỉ thắp 02 ngọn đèn bằng thứ sáp ong. Hai bên khám thờ treo hai chiếc gươm đẽo bằng gỗ tạo nên vẻ oai linh”.
 

Lễ vật đã được chuẩn bị xong, bà con dân bản đứng tập trung, già làng Hồ Ai làm chủ lễ, chịu trách nhiệm cúng khấn cầu mong các vị thần phù hộ dân bản sức khỏe, may mắn; bày tỏ sự biết ơn trời đất, thần lúa đã ban cho bà con dân bản mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, cuộc sống ấm no. 

Sau khi cúng xong tất cả dân bản cùng nhau quây quần bên các mâm cỗ, với những món ăn dân dã; mọi người vừa ăn, vừa uống rượu, vừa nói chuyện vui vẻ, giao lưu, chia sẻ với nhau về niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống cũng như về tình hình, kết quả thu hoạch sau một vụ mùa làm nương rẫy và những kế hoạch, dự tính cho mùa vụ sắp tới. Tiếp đến, bà con dân bản cùng hòa mình vào không gian của phần hội với các trò chơi dân gian như chơi xà hùa, chi cà da, bóng má, cháy xà rì… Cùng với đó, trong lễ hội còn xuất hiện nhiều giọng hát của các nghệ nhân là những chàng trai cô gái như hát tỏ tình khi đi sim với lời hát rất tình tứ, giai điệu ngọt ngào, ý nghĩa. 

Lấp lỗ là lễ hội quan trọng nhất trong đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng người Bru - Vân Kiều để cầu xin thần linh ban cho cuộc sống ấm no, mùa màng tốt tươi, con chim, con chuột không phá hoại cây lúa, cây ngô của dân làng. Người Vân Kiều tôn thờ thần lúa và xem đây là vị thần quan trọng nhất mang lại ấm no, hạnh phúc. 

Nhằm lưu giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng Vân Kiều, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ngày 03/02/2021, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 608/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với Lễ hội truyền thống “Lễ hội trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều”. 

Trong xu thế hội nhập và phát triển những luồng văn hóa khác nhau xâm nhập vào đời sống xã hội từng ngày nhưng bà con dân bản Khe Cát, xã Trường Sơn vẫn còn giữ bản gốc về Lễ hội lấp lỗ, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều.

CTV - Ngọc Khang (Đài TTTH Quảng Ninh)

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập