Chi tiết tin
Chàng sinh viên Bru-Vân Kiều và khát vọng khởi nghiệp
Tham gia cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Quảng Bình lần thứ III năm 2024 và đoạt giải khuyến khích, dự án khởi nghiệp “Sản xuất tinh dầu cỏ hôi” của nhóm tác giả là sinh viên người dân tộc Bru-Vân Kiều đã mở ra cơ hội phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở xã Kim Thủy (Lệ Thủy)…
“Ươm mầm” khởi nghiệp
Lọt vào 12 dự án, ý tưởng được xếp giải trong cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh lần thứ III, dự án khởi nghiệp “Sản xuất tinh dầu cỏ hôi” của nhóm sinh viên người DTTS đang học tại Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình được đánh giá là có ý tưởng sáng tạo hướng đến việc phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng người Bru-Vân Kiều tại xã Kim Thủy.
Lần theo câu chuyện, chúng tôi biết thêm về động lực khởi nghiệp của những người trẻ trong hành trình tìm “ánh sáng” tương lai, mở ra cơ hội làm giàu; góp phần giải quyết việc làm cho ĐBDTTS ở vùng miền núi.
Tác giả của dự án khởi nghiệp “Sản xuất tinh dầu cỏ hôi”, gồm: Hồ Bảy, Hoàng An, Hồ Văn Rai cùng 2 giảng viên hướng dẫn, hỗ trợ là Đoàn Nam Thành và Lê Thị Thanh Thủy.
Hồ Bảy (SN 1986, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận bản Mít, xã Kim Thủy, Lệ Thủy), hiện là sinh viên năm thứ nhất ngành Quản lý tài nguyên rừng, chủ nhiệm đề tài vừa trực tiếp phụ trách quy trình sản xuất.
Hồ Bảy cùng nhóm tác giả giới thiệu sản phẩm tinh dầu cỏ hôi.
“Sở dĩ năm nay tôi đang là sinh viên năm thứ nhất vì trước đây tôi từng làm việc ở xã nhưng chưa có bằng cấp chuyên môn. Hiện nay, một số đơn vị, dự án đầu tư trên địa bàn cần nhân lực đúng chuyên môn mà tôi đang theo học. Vì vậy, tôi cố gắng học tập, rèn luyện để đóng góp sức mình xây dựng quê hương, bản làng. Ngoài việc học, tôi cũng luôn trăn trở, làm sao để tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có ở vùng miền núi và lao động khá nhiều ở bản làng, tạo ra sản phẩm, giải quyết việc làm cho đồng bào, giúp bà con có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo...”, Hồ Bảy tâm sự.
Quá trình tìm hiểu, Hồ Bảy nhận thấy, hiện nay, tỷ lệ người bị viêm xoang, viêm mũi ngày càng tăng do ô nhiễm môi trường hoặc thay đổi thời tiết; còn tinh dầu cỏ hôi đã được khoa học và thực tiễn chứng minh có khả năng điều trị bệnh viêm xoang, viêm mũi. Trong khi đó, nguyên liệu cỏ hôi mọc tự nhiên rất lớn, đặc biệt là trên địa bàn xã Kim Thủy-nơi Hồ Bảy sinh ra và lớn lên.
“Mặt khác, Quảng Bình đang có nhiều ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng giúp người Bru-Vân Kiều thoát nghèo và tinh dầu cỏ hôi là sản phẩm có tiềm năng để bán cho khách du lịch… Từ đó, chúng tôi hình thành mục tiêu phát triển, đó là: Khai thác tối đa nguồn nguyên liệu cỏ hôi tự nhiên sẵn có tại chỗ; tạo ra sản phẩm an toàn hỗ trợ điều trị bệnh viêm xoang, viêm mũi; trở thành sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch cộng đồng tại địa phương, có vị trí trong thị trường tiêu dùng”, Hồ Bảy lý giải thêm.
... Và hiện thực khả quan
Nói là làm, sau khi được nhà trường chọn đề tài khởi nghiệp “Sản xuất tinh dầu cỏ hôi” để dự thi, sinh viên Hồ Bảy đầu tư trang thiết bị, huy động các cộng sự cùng tìm kiếm nguyên liệu, bắt tay vào sản xuất.
Cây cỏ hôi được tìm thấy nhiều ở xã miền núi Kim Thủy (Lệ Thủy).
“Để hiện thực ý tưởng, với trên 60 triệu đồng (trong đó vay mượn 50 triệu đồng và 10 triệu đồng của cá nhân), tôi đã mua sắm một số vật dụng cần thiết để chưng cất dầu. Mọi việc diễn ra thuận lợi vì nguyên liệu có sẵn trên địa bàn xã Kim Thủy và các cộng sự nhiệt tình hỗ trợ. Hơn nữa, trước đó, tôi đã từng sản xuất nhiều loại tinh dầu từ cây đại bi (cây cỏ), ưng bất bạc (cây lá), thiên niên kiện (cây củ)… Sau khi tìm kiếm được khoảng 3 tạ cỏ hôi, qua quá trình chế biến, gồm: Xử lý nguyên liệu (rửa sạch, băm nhỏ), cho lên nồi chưng cất hơi nước chiết xuất được tinh dầu loại 2 (gồm tinh dầu và nước), tách lọc sẽ cho thành phẩm chính khoảng 300ml tinh dầu nguyên chất. Sản phẩm được đóng với 2 quy cách, gồm: Chai tinh dầu 10ml và ống hít tinh dầu 2ml”, Hồ Bảy chia sẻ.
Dự án của Hồ Bảy và cộng sự được Ban Tổ chức, Ban Giám khảo cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh đánh giá cao về phương diện đổi mới, sáng tạo, như: Tinh dầu cỏ hôi chưa có ai sản xuất trên địa bàn tỉnh; nguyên liệu mọc tự nhiên 100% và nước nấu tinh dầu là nước suối đầu nguồn tự nhiên; trong khâu xử lý nguyên liệu có trộn thêm 0,3kg muối ăn/10kg nguyên liệu tạo ra sự co héo của tế bào giúp giải phóng tinh dầu tốt hơn; hai sản phẩm chai và ống hít có công dụng bổ trợ cho nhau đáp ứng nhu cầu tối đa của khách hàng và tối ưu về mặt thương mại; hiện chưa có ống hít tinh dầu cỏ hôi trên thị trường.
Tiềm năng của mô hình sản xuất từ dự án khởi nghiệp “Sản xuất tinh dầu cỏ hôi”: Tăng số lượng, chất lượng sản phẩm dược liệu chiết xuất tự nhiên tại địa phương; tạo động lực khích lệ sinh viên và thế hệ trẻ người DTTS đứng lên khởi nghiệp; phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng người Bru-Vân Kiều tại Kim Thủy.
Từ thành công ban đầu, nhóm thực hiện dự án đã xây dựng chiến lược kinh doanh từ nay cho đến năm 2030, đó là: Đầu tư trang thiết bị, sử dụng nguyên liệu sẵn có tại chỗ để sản xuất; xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ 5-10ha; thành lập hợp tác xã, hoàn thiện thủ tục xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; mở rộng thị trường ở phạm vi trong nước, đa dạng hóa sản phẩm (chai treo xe, túi lọc thông xoang,...) phục vụ khách hàng.
Đứng trước một số khó khăn về vốn và công nghệ áp dụng, nhóm thực hiện đề tài mong muốn tìm được nhà đầu tư để có thể sản xuất đại trà sớm đưa sản phẩm ra thị trường. Hiện, nhóm thực hiện dự án đang áp dụng công nghệ truyền thống lò hơi nước để ép tinh dầu. Vì vậy, nhóm rất mong được sự hỗ trợ, tạo điều kiện nguồn vốn để đầu tư công nghệ hiện đại hơn... Từ đây, mở ra cơ hội việc làm cho ĐBDTTS tại xã Kim Thủy và các địa phương tương tự.
“Trước mắt, chúng tôi sẽ hoàn thiện các thủ tục đăng ký cơ sở kinh doanh, tiếp đến sẽ tiến hành lấy mẫu đi kiểm định chất lượng để có thể bán sản phẩm ra thị trường tiêu thụ”, Hồ Bảy hồ hởi thông tin thêm.
Theo Báo Quảng Bình