Chi tiết tin
Trên 39.400 cán bộ, đảng viên Quảng Bình tham dự hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW
(Quang Binh Portal) - Sáng ngày 18/5/2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong tiến trình phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Hội nghị diễn ra trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 37.000 điểm cầu trên toàn quốc.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt nội dung Nghị quyết số 68-NQ/TW
Tại điểm cầu Trung ương, có sự tham gia chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo cấp cao: Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng đại diện các Bộ, ban, ngành trung ương.
Tại điểm cầu Tỉnh ủy Quảng Bình gồm: Đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trần Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban ngành, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn. Toàn tỉnh tổ chức 785 điểm cầu với trên 39.400 cán bộ, đảng viên tham dự.
Quán triệt Nghị quyết số 68-NQ/TW: Phát triển kinh tế tư nhân
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết xác định đến năm 2030, kinh tế tư nhân sẽ trở thành một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò tiên phong trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Trung ương
Các chỉ tiêu chủ yếu đặt ra: Có 02 triệu doanh nghiệp hoạt động, đạt 20 doanh nghiệp/1.000 dân; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tốc độ tăng trưởng kinh tế tư nhân đạt 10 - 12%/năm; năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nằm trong top 3 ASEAN và top 5 châu Á.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình
Tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có năng lực cạnh tranh quốc tế cao.
Nghị quyết đưa ra 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đột phá với tinh thần đổi mới, cải cách mạnh mẽ, tập trung vào thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày nội dung Nghị quyết số 66-NQ/TW
Nghị quyết số 66-NQ/TW: Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025, nhằm đổi mới căn bản công tác xây dựng, thi hành pháp luật để phục vụ sự phát triển bền vững.
Mục tiêu đến năm 2030: Xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, thống nhất, minh bạch, khả thi; bảo đảm cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, đồng bộ, thông suốt; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của bộ máy nhà nước sau sắp xếp tổ chức, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Nghị quyết đề ra 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn, trong đó nhấn mạnh rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định pháp luật bất cập; hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm chất lượng và hiệu lực thi hành.
Tổng Bí thư phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Chỉ đạo của Tổng Bí thư: Hành động quyết liệt, đồng bộ
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo, khẳng định hai Nghị quyết là trụ cột thể chế nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy đất nước phát triển. Tổng Bí thư nhấn mạnh tinh thần đột phá: Từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “bảo hộ” sang “cạnh tranh sáng tạo”, từ “hội nhập bị động” sang “hội nhập chủ động”, hướng đến phát triển toàn diện, sâu sắc và bền vững.
Các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025: Hoàn thiện, ban hành chương trình hành động Quốc gia thực hiện 04 Nghị quyết; rà soát toàn diện hệ thống pháp luật, xử lý các bất cập theo tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW; khởi động chương trình khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; cải thiện môi trường đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, huy động trí tuệ toàn dân.
Tổng Bí thư yêu cầu toàn hệ thống chính trị phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu; xác định người dân và doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể sáng tạo; đồng thời, cần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp Quốc gia, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao.
Hội nghị toàn quốc triển khai hai Nghị quyết 66-NQ/TW và 68-NQ/TW là bước khởi đầu mang tính chiến lược nhằm tạo lập môi trường phát triển bền vững, đổi mới toàn diện, xây dựng nền pháp lý hiện đại và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ. Sự đồng lòng từ Trung ương đến địa phương, từ cán bộ đến người dân và doanh nghiệp sẽ là yếu tố then chốt biến khát vọng “Việt Nam hùng cường” thành hiện thực trong những thập niên tới.
Một số hình ảnh tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình:
Đặng Hà