Chi tiết bài viết

Sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ liên tiếp, kéo dài

17:19, Thứ Sáu, 23-9-2022

(Quang Binh Portal) - Theo Bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến tháng 3/2023, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng từ 05 - 07 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta từ 02 - 04 cơn; đề phòng xảy ra bão và mưa lớn dồn dập tại khu vực Miền Trung trong các tháng cuối năm 2022; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có khả năng xảy ra 02 - 03 đợt lũ vừa, lớn, ở mức báo động 2 - 3, có sông trên báo động 3.

Để chủ động sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai, nhất là bão mạnh, lũ lớn có thể xảy ra liên tiếp, kéo dài trong thời gian tới, ngày 22/9/2022, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1742/UBND-KT về việc chủ động sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ liên tiếp, kéo dài. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCTT và TKCN; Công văn số 116/UBND-KT ngày 01/7/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; quán triệt và tổ chức thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, nhất là ở cấp cơ sở; nâng cao trách nhiệm chỉ huy, chỉ đạo, tổ chức lực lượng TKCN có nghiệp vụ chuyên môn, trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng yêu cầu cứu hộ, cứu nạn (CHCN), chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt trong tình huống thiên tai xảy ra liên tiếp, kéo dài.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh rà soát phương án PCTT năm 2022; triển khai kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và CHCN trong mọi tình huống, đảm bảo phù hợp với thực tế địa phương, không để bị động, bất ngờ, tuyệt đối không chủ quan, lơ là; rà soát kế hoạch, địa điểm, khu vực sơ tán dân đối với dân cư, khách du lịch ở khu vực thấp, trũng, ven biển, cửa sông, nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu vực có các sông, suối xuyên biên giới; báo cáo kết quả rà soát kế hoạch sơ tán dân về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm Phòng thủ dân tỉnh.  

Mặt khác, các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu bảo đảm đủ phục vụ người dân khi có yêu cầu, có tính đến khả năng mưa lũ, ngập úng, chia cắt kéo dài, chú trọng những khu vực vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc ít người sinh sống; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân về công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai; chủ động phương án, kế hoạch dạy học đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên trước, trong, sau thiên tai, đồng thời hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập.

Khi có tình huống bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra, các sở, ngành, địa phương cần kiểm đếm chặt chẽ, kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn hoặc di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; hướng dẫn neo đậu, không để xảy ra thiệt hại do va đập, cháy nổ trong khu neo đậu; kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn với các cấp gió bão; tổ chức chặt tỉa cành cây, hướng dẫn chằng chống, gia cố nhà cửa, bảo vệ công trình cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trường học, cơ sở y tế, tháp cao, hệ thống lưới điện, khu công nghiệp... để giảm thiểu thiệt hại; triển khai phương án sơ tán người dân ở những nơi nguy hiểm đến nơi an toàn theo từng kịch bản, cấp độ thiên tai trước khi bão đổ bộ.

Khi có mưa lũ xảy ra, theo từng cấp độ thiên tai, huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ở khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt, trong đó chú ý phương án có thể phải sơ tán dài ngày, đồng thời đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19; triển khai phương án bảo vệ các ao hồ, lồng bè nuôi trồng thủy sản, khơi thông các vườn cây lâu năm, cây ăn quả...; sẵn sàng di dời tài sản, gia súc, gia cầm tại các khu vực có nguy cơ ngập sâu đến nơi an toàn; rà soát lại các trạm, chốt trực sản xuất, chiến đấu, chủ động di dời, tránh xa các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét; nắm thông tin về người dân đang còn ở trong rừng, yêu cầu ra khỏi rừng hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Ngoài ra, các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần kiểm tra rà soát sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa, công trình bị hư hỏng, đang thi công; chỉ đạo vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn đập, hồ chứa và vùng hạ du; bố trí lực lượng, phương tiện tại các địa bàn trọng điểm, sẵn sàng CHCN và khắc phục hậu quả mưa, lũ; chủ động tạm dừng hoạt động đối với các cầu phao, đò ngang khi có mưa lũ lớn; không để người dân vớt củi, đánh bắt thủy sản trên sông, suối khi xảy ra mưa lũ. 

UBND tỉnh cũng yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát các kế hoạch, phương án hiệp đồng, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư liên vùng, liên xã khi có tình huống xảy ra, xác định lực lượng vũ trang làm nòng cốt, công tác CHCN là hoạt động quan trọng, “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”; tổ chức, bố trí lực lượng để kịp thời xử lý đảm bảo thông tin liên lạc, giao thông trên các trục chính, điện, nước sản xuất, sinh hoạt; tăng cường dự báo, cảnh báo, đưa ra nhận định sớm, đảm bảo độ tin cậy để các sở, ngành, địa phương triển khai biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả.

PV:NQ

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập