Chi tiết bài viết

Kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023

8:38, Thứ Ba, 10-1-2023

(Quang Binh Portal) - Ngày 04/01/2023, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng chủ trì. 

Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các đồng chí Phó Chủ tịch và Ủy viên UBND tỉnh; có các đồng chí Thủ trưởng, Giám đốc các sở, ngành, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; đại diện Thường vụ Liên đoàn lao động tỉnh, Hội LH Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Tỉnh đoàn; Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; đại diện lãnh đạo các ban của HĐND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và các ban, ngành, đơn vị có liên quan.

Sau khi nghe đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tóm tắt Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; ý kiến tham gia của các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh, các đại biểu dự họp, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kết luận:

I. Về đánh giá thực hiện tình hình kinh tế - xã hội năm 2022

Năm 2022, tỉnh Quảng Bình triển khai thực hiện nhiệm vụ, bên cạnh những thuận lợi thì cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo những nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả kế hoạch phát triển KT-XH, đặc biệt là các giải pháp phục hồi, phát triển KT-XH theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ; cùng với sự ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong toàn tỉnh nên tình hình KT-XH năm 2022 của tỉnh đạt những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Về tổng quan, có 18/21 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra; đời sống nhân dân cơ bản ổn định và từng bước được nâng cao; quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cụ thể một số kết quả nổi bật như sau:

(1). Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,96% so với năm 2021, vượt kế hoạch, là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2010 đến nay. 

(2). Tổng thu NSNN cả năm thực hiện hơn 8.000 tỷ đồng, vượt 2.000 tỷ đồng so với kế hoạch. 

(3). Giá trị sản xuất các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp đều tăng so với cùng kỳ. Trong đó, sản xuất công nghiệp tăng cao với mức tăng 12%, vượt kế hoạch. Các doanh nghiệp đã thích ứng với trạng thái bình thường mới; nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ cho doanh nghiệp được triển khai. 

(4). Du lịch Quảng Bình đã có những tín hiệu khởi sắc sau khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát (đặc biệt là sau khi Việt Nam mở cửa từ ngày 15/3/2022). Doanh thu lưu trú năm và dịch vụ lữ hành tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ; tổng lượng khách du lịch dự ước hơn 2 triệu lượt khách, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ và đạt kế hoạch đề ra.

(5). Tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Quảng Bình - Thích ứng – Đồng hành – Phát triển” tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 3/2022 và tích cực triển khai hỗ trợ các nhà đầu tư nhằm thúc đẩy lĩnh vực đầu tư của tỉnh. Năm 2022, Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện hơn 26.900 tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm 2021.

(6). Tỉnh đã tập trung chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng và đã tổ chức khởi công đối với Dự án thành phần 1 - Đường ven biển thuộc dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình; trong năm 2022, đã tổ chức khánh thành Nhà máy điện mặt trời Dowha, Nhà máy nước sạch Quảng Châu và nhiều dự án khác.

(7). Công tác tài nguyên và môi trường chuyển biến tích cực. Đã hoàn thành báo cáo về chỉ tiêu sử dụng đất trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện so với chỉ tiêu Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Công tác xây dựng Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đạt được những kết quả quan trọng. Quảng Bình là một trong 3 tỉnh trong toàn quốc hoàn thành việc thẩm định. Đến nay đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

(8). Lĩnh vực văn hóa – xã hội  đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ngành Y tế đã kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, tạo điều kiện cho cuộc sống người dân trở về trạng thái “bình thường mới”, đồng thời tiếp tục khống chế các loại dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ…; có các giải pháp giải quyết tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

Giáo dục và Đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục của tỉnh tiếp tục được nâng lên. Hiện nay, Quảng Bình duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS mức độ 3 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; là tỉnh thứ 5 trên toàn quốc đạt được kết quả này. 

Các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn ngày càng được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Trong năm, tỉnh đã tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình; Lễ tưởng niệm 50 năm Ngày hy sinh của 13 cán bộ, chiến sỹ Trạm Thông tin A69; 50 năm ngày hy sinh của các liệt sỹ tại Hang Tám Thanh niên xung phong, đường 20 Quyết Thắng và nhiều sự kiện quan trọng khác. Các hoạt động thể dục, thể thao diễn ra sôi nổi, góp phần đáng kể vào việc duy trì và nâng cao thể chất cho nhân dân. Tại SEA Games 31, các VĐV Quảng Bình đã xuất sắc giành được 8 HCV, 1 HCB. Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9, đoàn thể thao Quảng Bình đã xuất sắc dành 5 huy chương vàng, 9 huy chương bạc và 3 huy chương đồng. Vận động viên Nguyễn Huy Hoàng vinh dự là một trong bốn vận động viên xuất sắc SEA Games 31 và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Nhì.

Năm 2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 21.000 lao động, vượt 3.000 lao động so với kế hoạch đề ra, trong đó có khoảng 4.000 lao động được tuyển chọn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Quảng Bình là 01 trong 17 địa phương đầu tiên giải ngân 100% số tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho người lao động theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 

(9). Công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được chỉ đạo toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Cùng với đó, các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được triển khai tích cực. 

(10). Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, đã góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong năm qua.

Tuy nhiên, tình hình KT-XH của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế: có 03/21 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch; doanh nghiệp sản xuất khó tiếp cận nguồn vốn trong bối cảnh lãi suất huy động tăng, room tín dụng thắt chặt, việc tuyển dụng lao động còn gặp khó khăn... Hạ tầng và năng lực phục vụ du lịch vẫn còn hạn chế; tiến độ triển khai và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; công tác GPMB còn nhiều vướng mắc....

II. Về chỉ tiêu phấn đấu năm 2023

-    Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 7,5%;

-    Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,0%; 

-    Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,0%; 

-    Giá trị sản xuất dịch vụ tăng 7,0%;

-    Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản: 20%; Công nghiệp - xây dựng: 30,9%; Dịch vụ: 49,1%;

-    Thu ngân sách trên địa bàn đạt 7.000 tỷ đồng; 

-    Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 28.500 tỷ đồng;

-    GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 61 triệu đồng;

-    Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 73%.

-    Giải quyết việc làm cho 18.500 lao động; 

-    Tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,8% theo chuẩn nghèo đa chiều;

-    Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 56,8%;

-    Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế trên 92%; 

-    Số giường bệnh bình quân trên 1 vạn dân đạt 36,6 giường;

-    Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 92%; 

-    Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68,7%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29,5%. 

-    Tỷ lệ dân số thành thị được sử dụng nước sạch đạt 97,2%;

-    Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch và hợp vệ sinh đạt 98%;

-    Tỷ lệ che phủ rừng trên 68%;

-    Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đạt 81%; Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%.

III. Về nhiệm vụ chủ yếu năm 2023

Để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện tốt chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Kế hoạch hành động của UBND tỉnh. Trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đồng bộ một số nhiệm vụ sau:

1. Tiếp tục tập trung tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá giai đoạn 2021-2025 về phát triển du lịch, xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và các Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII). 

2. Đẩy nhanh tiến độ, tập trung công tác giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tối đa việc triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch, Dự án Cảng tổng hợp Quốc tế Hòn La, các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các dự án du lịch nghỉ dưỡng, khu đô thị, một số dự án đầu tư công trọng điểm của tỉnh. 

3. Tổ chức công bố và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư; quản lý chặt chẽ, có hiệu quả đối với các dự án đầu tư; thường xuyên rà soát, kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công đáp ứng nguồn lực cho đầu tư phát triển; tranh thủ tối đa nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách để cùng với nguồn lực Nhà nước sớm hoàn thành nhiệm vụ đột phá “Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại”. 

4. Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với 03 trụ cột chính là xã hội số, kinh tế số và chính quyền số. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Chuyển đổi số, Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022-2025; tiến độ thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

5. Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt đối với các dự án đầu tư và giải ngân đầu tư công, sớm đưa các công trình, dự án vào sử dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

6. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá, xã hội; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, sắp xếp kiện toàn bộ máy gắn với chủ trương tinh giản biên chế, nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng cán bộ.

7. Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, công tác phòng, chống tội phạm; đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo môi trường yên bình và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

8. Tiếp tục giữ vững sự đoàn kết, thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phát huy sức mạnh tập thể, đề cao vai trò, trách nhiệm của từng thành viên UBND tỉnh và các cấp, các ngành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được giao. 

9. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp thu, hoàn chỉnh Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và Nghị quyết của HĐND tỉnh để UBND tỉnh sớm ban hành triển khai thực hiện.

10. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương căn cứ Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và Nghị quyết của HĐND tỉnh, Chương trình công tác năm 2023 của Ban cán sự đảng UBND tỉnh và của UBND tỉnh khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện sát với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan, đơn vị, địa phương mình để thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2023.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

IV. Về nhiệm vụ tháng 01/2023 và chuẩn bị các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022, Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy số 24-CT/TU ngày 07/12/2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 21/12/2022 về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và nhiều văn bản chỉ đạo liên quan khác. Yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện bảo đảm hiệu quả, trong đó chú ý một số một số nội dung:

- Chủ động tổng kết và triển khai nhiệm vụ ngay từ đầu năm (hoàn thành trước 15/01/2023).

- Bảo đảm nguồn cung cấp hàng hóa, bình ổn giá cả, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây sốt giá dịp Tết; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhưng không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; chú trọng các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán.

- Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các chính sách đối với người có công với Cách mạng, người hưởng các chính sách trợ giúp xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở các vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ, lụt…. theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, có biện pháp phù hợp bảo đảm đủ lực lượng lao động cho các doanh nghiệp sau kỳ nghỉ Tết.

- Chủ động các giải pháp phòng ngừa, xử lý những tranh chấp có thể xảy ra trong dịp Tết; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động có các phương án phòng, chống thiên tai, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, không để bùng phát trở lại của dịch tả lợn Châu Phi; bảo đảm ổn định sản xuất, phòng, chống rét đậm, rét hại; không để tình trạng dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông - Xuân, dịch sốt xuất huyết. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc chữa bệnh, bảo đảm sơ cứu, cấp cứu kịp thời bệnh nhân đặc biệt là các trường hợp thương tích, tai nạn giao thông; phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán.

- Không để xảy ra tình trạng người dân không được về quê ăn Tết do không có tàu, xe; đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường các điều kiện để bảo đảm cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố.

- Tập trung đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và đối tượng chống đối. Triển khai có hiệu quả cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, truy nã tội phạm; xử lý nghiêm các loại tội phạm cướp giật, trộm cắp, đánh bạc, hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê, ma túy, buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, mua bán, tàng trữ pháo và các đối tượng chống phá Đảng.

- Thực hiện nghiêm việc không tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp; không dùng ngân sách nhà nước, không sử dụng phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết...

- Tập trung chỉ đạo công tác đảm bảo môi trường trong dịp Tết, không để ùn ứ rác ảnh hưởng đến đời sống người dân. 

- Chuẩn bị và tổ chức thực hiện tốt phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.

- Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương tập trung vào công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

UBND tỉnh thông báo để các sở, ban, ngành, địa phương liên quan biết và triển khai thực hiện.

Nguồn: Thông báo kết luận số 40/TB-UBND ngày 09/01/2023

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập