Chi tiết bài viết

Chiêu Quận công văn võ song toàn – Nguyễn Hữu Dật (1603 - 1681)

15:42, Thứ Năm, 9-2-2012

Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật sinh năm 1603 tại Thăng Long, con của vị quan Tham chiến Nguyễn Triều Văn, được phong tước hầu (Triều Văn hầu) dưới triều vua Lê Anh Tông (1557-1573). Do bất mãn với chúa Trịnh, Nguyễn Triều Văn đã đem gia đình vào Đàng Trong theo chúa Nguyễn, nhập tịch ở huyện Phong Lộc (Quảng Ninh ngày nay) lúc Nguyễn Hữu Dật mới 6 tuổi.

Thuở đi học Nguyễn Hữu Dật rất thông minh, trí nhớ hơn người. Càng lớn lên ông càng giỏi văn chương, lại thích võ nghệ. Cha ông thấy năng khiếu của con muốn được phát huy, ông mời thầy về dạy học. Ông được võ sư tận tâm truyền thụ các binh thư, binh pháp cũng như võ nghệ. Lúc ông 16 tuổi đã lừng danh văn chương, võ lược nên được Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) bổ nhiệm làm chức quan văn trong triều. Do có tài, được bổ nhiệm giữ chức vụ sớm nên ông nảy sinh tính tự cao, Chúa Sãi cho nghỉ việc rời Triều. Nhưng sau xét thấy tài năng của ông cần được sử dụng, nên Chúa vời lại Triều và cho giữ chức vụ cũ. Những năm sau, ông được lên chức Tham cơ vụ, được tham dự các cuộc họp bàn việc cơ mật, ông đã đóng góp nhiều ý kiến có lợi cho việc triều chính. Khi ông được chuyển làm Giám chiến, đem quân đi đánh giặc, nhờ có tài định liệu tình hình địch, nên thường đánh thắng. Năm Mậu Tý (1648) nhận chức Cai cơ lãnh ký lục dinh Bố Chính, sau thăng Đốc chiến, tước Chiêu Vũ hầu, cùng Nguyễn Hữu Tiến đem quân ra Bắc Hà, chiếm được đất hai huyện thuộc Nghệ An; rồi đem quân về vẫn trấn đạo Lưu Đồn (nay là Dinh Mười, xã Gia Ninh).

Trong chiến thắng quân Bắc, Nguyễn Hữu Dật đã dùng thư giả để ly gián, làm cho Trịnh Tráng không tin dùng Hiền Tuấn hầu Nguyễn Khắc Tôn, rồi tướng Hàn Tiến; dẫn đến cả hai đều bị trị tội, có lợi cho quân Nam Hà. Tuy nhiên, cũng chính dùng thư giả đã dẫn đến việc Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần nghi Chiêu Vũ Hầu có ý đồ, mưu toan hàng Chúa Trịnh, và bị Chúa ra lệnh tống ngục. Trong ngục ông đã sáng tác tập Hoa vân cảo thị lồng tâm trạng của mình vào cốt truyện. Chúa Hiền đọc được mới hiểu tấm lòng trung thành của ông, bèn cho ra khỏi ngục, trả lại chức tước như cũ.

Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ biết Chiêu Vũ Hầu là người tài giỏi, có con mắt chiến lược của nhà quân sự nên đã bàn luận cùng Chiêu Vũ Hầu và được hiến kế đắp luỹ Nhật Lệ, Chúa Sãi chuẩn y. Đào Duy Từ cùng Chiêu Vũ Hầu hạ lệnh cho quân dân phủ Quảng Bình đắp lũy ở cửa Nhật Lệ vào năm 1631. Khi Đào Duy Từ mất, Nguyễn Hữu Dật cho xây tiếp luỹ Trường Sa năm 1634, lũy An Náu năm 1661 . Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật văn võ toàn tài, lúc làm tướng có nhiều công lớn, đánh đâu được đấy, ví như Khổng Minh nhà Thục Hán và Lưu Bá Ôn nhà Minh vậy.

Mùa xuân, năm Tân Dậu (1681) vì tuổi cao sức yếu, bị bệnh, ông qua đời tại Đạo Lưu Đồn, hưởng thọ 78 tuổi. Chúa Nguyễn vô cùng thương tiếc, truy tặng Ông: Tả quân Đô đốc phủ chưởng phủ sự, tước Chiêu Quận công, thụy là Cần Tiết. Nhân dân phủ Quảng Bình thương nhớ gọi là ''Bồ tát Phật'', lập đền thờ ở Thạch Xá. Năm Gia Long thứ tư được liệt hàng Thượng đẳng Khai Quốc Công Thần, thờ phụ ở Thái miếu.

Nguồn: Quảng Bình ẩn tích thời gian

Hội DSVH Việt Nam tỉnh - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình - 2009

 

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập