Chi tiết bài viết

Vương sư Nguyễn Văn Nhuận một con người sống trọn tình, vẹn nghĩa

15:31, Thứ Tư, 8-2-2012

Những tấm gương học trò nghèo học hành giỏi giang đỗ đạt từ xưa nay khắp nơi trong nước không hiếm người. Ở đâu họ cũng rất được nể trọng, biết đến. Bởi thế hễ ai về vùng quê Đặng Xá thuộc huyện Phong Lộc cũ hỏi chuyện về ông Nguyễn Văn Nhuận đều được mọi người nhắc tới với lòng đầy quý trọng mến phục một vị quan Triều Nguyễn sống thanh liêm trọn tình, vẹn nghĩa.

Đặng Xá, Phong Lộc xưa chính là làng Quảng Xá - Tân Ninh - huyện Quảng Ninh ngày nay. Ngôi làng Quảng Xá nhỏ bé đứng giữa lòng một vùng chiêm trũng, hướng xế Bắc phá Hạc Hải gối đầu lên đoạn hạ lưu dòng Kiến Giang. Con dân ở đây noi các bậc tiền bối họ Dương rồi Nguyễn Bá Chiếm, Nguyễn Bá Hán theo Chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp đã khai canh lập ấp, lấy công việc trồng cây lúa ổn định nghề sinh sống. Đến sau này họ phục vụ Triều Nguyễn đắp lũy Trường Dục cùng trấn giữ bảo vệ đoạn cuối của tuyến lũy. Sau khi sông Gianh không còn là tuyến chia cắt, Nam Bắc bình yên, các vị đã chọn luôn chỗ đất lập cứ, lập dòng họ gia tộc cho đến nay cũng đã gần 400 năm qua.

Nguyễn Văn Nhuận thuộc con cháu dòng họ Nguyễn, gia đình nghèo dù rất thích học hỏi cũng đành chịu. Ngày ngày ông chỉ lo theo việc chăn trâu, cắt cỏ để giúp đỡ gia đình. May nhờ trong làng thời đó có một vị quan nội triều về hưu muốn con học hành để thi thố, đua trí đua tài kịp người các xứ nên đã mời thầy về dạy chữ cho con để sớm được mở mang trong các kỳ triều đình mở khoa thi chọn người tài. Nguyễn Văn Nhuận nghe được tin có thầy về làng dạy cho con nhà giàu thì lòng cũng có chút mơ ước. Ngày ngày Nguyễn Văn Nhuận cố tìm cách đến cắt cỏ bên lớp học để lắng nghe thầy cắt nghĩa, giảng chữ, nghe bạn bè xướng âm tự để cùng học lõm theo. Ban đêm nhà nào mời thầy đến dạy kèm, Nguyễn Văn Nhuận cũng tìm cách lân la đến để cùng học theo bạn. Vốn là người sáng dạ lại chịu khó học hành bằng ghi nhớ nên thầy dạy một ông biết hai. Chỉ có điều học lỏm thì chóng thông tỏ nhưng không được luyện chữ nên chữ viết không biết rõ.

Chuyện người làng truyền kể rằng: Có một đêm Nguyễn Văn Nhuận đến bên nhà quan, chọn đứng trong bóng khuất rình nghe thầy giảng cho các trò. Khi thầy kiểm tra bài cũ gọi cậu con nhà quan đứng lên trả lời thì miệng cậu ta cứ lí nha lí nhí. Nguyễn Văn Nhuận nghe ra thì hiểu ngay nên buột miệng bật tiếng lên từ phía ngoài nhắc giùm cho cậu kia trả lời được hết lúng túng. Thầy lấy làm lạ, không hiểu sao học trò kia đang lúng túng lại bỗng nhiên nói năng thao thao được. Từ suy nghĩ ấy lòng thầy đâm ra nghi ngờ, nên lại đặt tiếp câu hỏi khác. Lần này đặt câu hỏi xong, thầy không chăm chú ở cậu học trò kia mà lắng tai để nghe có một âm thanh lạ từ đâu lọt vào. Thầy vội bước nhanh ra sau cánh cửa bất ngờ đưa tay xách được một tai Nguyễn Văn Nhuận. Thầy đưa Nhuận vào lớp rồi gật đầu hỏi trò kia:

- Có phải trò nghe lời nhắc ngoài lớp rồi trả lời không?

Trò cúi đầu thú nhận:

- Dạ!

Khi trò kia trả lời ’’Dạ’’ thì các trò chung quanh bụm miệng và tức tưởi cười không nhịn được.

Một trò nhanh nhảu đứng dậy thưa:

- Thưa thầy bạn đó không phải học trò đâu ạ!

Thầy đồ càng ngạc nhiên vội quay lại hỏi Nhuận:

- Con chưa đi học ở đâu hả?

Nguyễn Văn Nhuận vừa run vừa vòng tay sợ sệt cúi đầu khóc rồi đáp:

- Dạ bẩm thầy con chưa được đi học bao giờ.

- Chưa đi học sao con biết mà bày cho bạn?

Thầy dịu giọng.

Nguyễn Văn Nhuận hồn vía đã được trấn an thật thà thưa:

- Dạ bẩm thầy lâu nay biết thầy mở lớp dạy, con trốn cha mẹ đến đứng xa ngoài lớp nghe lõm bõm lời thầy mà học được.

Từ đó, thầy đồ biết Nguyễn Văn Nhuận là người nếu học hành đàng hoàng sẽ thành người tốt. Cũng ngay hôm đó thầy xếp chỗ cho Nhuận cùng ngồi học chung với các bạn. Thầy cho sách học, cho nghiên bút và thầy nói với quan chủ cho mời cha mẹ Nguyễn Văn Nhuận tới vận động cho Nhuận học miễn phí.

Trong số bạn học cùng lứa, Nguyễn Văn Nhuận tiếp thu bài giảng nhanh, viết chữ đẹp mau thành học trò giỏi. Sắp đến kỳ thi nhưng thấy nhà nghèo nên Nguyễn Văn Nhuận chần chừ, ái ngại. Được bà con giúp đỡ, khuyên răn nên Nguyễn Văn Nhuận lại lều chõng theo bạn vào Kinh kỳ dự thi tú tài.

Chuyện thi cử Nguyễn Văn Nhuận cũng thật kỳ lạ. Bốn lần đi thi thì ba lần lấy chứng chỉ tú tài và một lần lấy bằng cử nhân. Chuyện là, cứ khi nào vào trường thi làm bài cho mình xong thấy bạn bên cạnh còn bí thì Nguyễn Văn Nhuận lại làm bài chuyền sang cho. Nguyễn Văn Nhuận biết hai thí sinh ngồi gần nhau mà bài giải giống nhau thì bất kể người giỏi hay người kém đều bị giám khảo đánh trượt cả hai. Bởi thế giúp bạn ông đã tìm cách giải bài một phương pháp khác để đã giúp ai thì người đó cũng phải đỗ cao như mình. Ông Nhuận không đi thi thuê mà là làm nhờ cho bạn. Dù sao, sau khi được đỗ, bạn cũng trả công xứng đáng. Ba lần thi tú tài bằng sáu cách làm bài giải, Nguyễn Văn Nhuận biết mình sức học đã cầm chắc nên đến năm Tự Đức thứ 29 (1876) Nguyễn Văn Nhuận lại lều chõng lần thứ tư vào Huế. Và lần này ông đã đỗ cử nhân loại giỏi.

Tin loang đồn Nguyễn Văn Nhuận học giỏi đến tai Vua, nên sau khi đỗ cử nhân ông liền được Nhà Vua triệu vào cung, dạy Hoàng tử. Đó là Hàm Nghi. Quen trò mến thầy và tỏ lòng biết ơn thầy nên khi Hàm Nghi lên ngôi Vua liền phong cho thầy học mình một chức vụ để xứng đáng với công lao thầy dạy dỗ.

Nguyễn Văn Nhuận xin Vua cho nhận chức Tri huyện ở tỉnh Quảng Bình lên huyện miền núi Tuyên Hóa trị nhậm. Khi Triều đình hỏi ông sao lại về miền núi Tuyên Hóa, ông nói:

- Tôi muốn đến nơi đó nhằm giúp nhân dân một tay mở trường học, khai quang dân trí để huyện miền núi có thể tiến kịp các huyện khác tương tỉnh. (Việc Nguyễn Văn Nhuận xin về Tuyên Hóa làm tri huyện và chỉ sau đó học trò của ông là vua Hàm Nghi lại xuất bôn về đóng Kinh đô của phong trào Cần Vương rồi 2 người cùng bị giặc Pháp bắt một lúc cũng là một vấn đề chưa thông tỏ mối quan hệ).

Người già huyện Tuyên Hóa sau đó vẫn kể lại cho con cháu ông Nguyễn Văn Nhuận biết:

Ông Nhuận có tài đan lát, thạo cày cuốc, ông dạy cho dân đóng quạt Tàu để quạt lúa, dạy tích cốc phòng cơ.

Mỗi khi có vụ kiện thì ông lấy nhân nghĩa làm trọng để xử. Vùng này xung khắc vùng kia thì ông lấy sự giảng hòa làm đầu, phân tích điều hơn lẽ thiệt để dân bãi nại và sống càng thương yêu nhau hơn.

Khi tuổi cao, ông cáo lão hồi hưu ở quê nhà. Dẫu vậy vẫn thích giao du bạn bè trong Nam ngoài Bắc.

Ngày Hàm Nghi xuất bôn về Tuyên Hóa, từng đã ba năm lãnh đạo phong trào Cần Vương cứu nước Khắp tỉnh Quảng Bình đâu đâu cũng dậy lên khí thế kháng giặc, dân chúng theo bước các văn thân. Nguyễn Văn Nhuận một hôm ra Quảng Trạch chơi thăm thú bạn bè cũng là để ngấm ngầm tìm hiểu hư thực việc nhà Vua ra miền Tây ra chiếu Cần Vương lần thứ hai. Không ngờ bị bọn lính Tây phát hiện ra ông cùng bạn đang dạo chơi chợ phiên. Chúng vô cớ xông đến bắt ông đưa về đồn trú. Quả nhiên trong một địa điểm được sắp xếp, trước khi chúng dẫn ông vào. Bất ngờ trước mắt thấy một thanh niên đang ngồi một mình trầm tư. Đột ngột như có sức thôi miên giục ông bước tới thì người thanh niên kia bỗng đứng phắt dậy, vòng tay cúi đầu lễ độ chào thầy. Nguyễn Văn Nhuận vừa nhận ra Vua Hàm Nghi, người học trò cũ trong phủ Kiến Thái Vương. Và không kịp nói gì. Biết mình đã bị mắc lừa lũ giặc nên ngất xỉu.

Thì ra, khi bọn Pháp theo sự chỉ dẫn của tên Việt gian Trương Quang Ngọc bắt được Hàm Nghi nhưng Hàm Nghi biết mình mấy năm nhuốm rừng thiêng nước độc đã thay dạng nên trước bọn giặc quyết không nhận mình. Chúng đành bày mưu bắt thầy cũ đến và thế nào giữa hai người với phép tôn sư trọng đạo cũng cho chúng nhận ra. Quả là một mưu đồ thâm hiểm.

Vua Hàm Nghi sau giây phút bàng hoàng, chúng liền đưa ngay xuống tàu thủy chờ sẵn, mở hướng từ cửa Gianh vào Huế. Nguyễn Văn Nhuận cũng bị bắt ngay sau đó, nhưng dẫn đi theo đường bộ thiên lý. Cuộc đời Vương sư Nguyễn Văn Nhuận cũng khép lại từ đó. Sau sự kiện buồn đau ấy, vì là người đã từng dạy ông Vua yêu nước nên bọn giặc không để cho ông cuối đời được sống an lão.

Nguồn: Quảng Bình ẩn tích thời gian

Hội DSVH Việt Nam tỉnh - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình - 2009

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập