Chi tiết bài viết

Nguyễn Hữu Hào

15:1, Thứ Hai, 23-12-2013

Nguyễn Hữu Hào là con trưởng của Nguyễn Hữu Dật. Sinh năm 1648 tại Chương Tín (nay là Phúc Tần, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh) do là con của Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật nên mới 26 tuổi (1672) đã được tập tước Hào Lương Hầu.

Ông sinh ra và lớn lên giữa lúc Trịnh - Nguyễn phân tranh, chiến sự cứ tiếp diễn kỳ này đến kỳ khác, tình hình rất căng thẳng. Từ nhỏ ông thường theo cụ thân sinh đi đánh giặc, sớm biết việc binh, có can đảm và mưu lược.

Năm ông 43 tuổi, giữ chức cai cơ, coi giữ Cựu Dinh (Ái Tử - Quảng Trị ngày nay). Giống hệt như thân phụ ông, ông Nguyễn Hữu Hào cũng rất mực hiền từ, đôn hậu. Là tướng cầm quân mà tính tình rất nhân từ, không muốn chém giết, không thích dùng bạo lực, luôn luôn đề xướng ân đức.

Truyền thuyết kể rằng: Nguyễn Hữu Hào có dị tướng kỳ lạ: Ông có đôi mắt voi đa dạng. Đôi mất ấy, bình thường thì rất liền nhưng khi nóng giận đột ngột, chỉ chớp mắt, lập tức đỏ au lên, hết sức dữ tợn. Ai nấy cũng khiếp sợ. Thế mà, chính những lúc đó, cử chỉ và giọng nói của ông lại rất ôn hòa, có thể nói là ôn hòa đến ngọt ngào.

Do đó, mỗi việc làm của ông đều vừa cương quyết, vừa nhân hậu, vừa công minh, vừa bác ái. Đức độ này đã làm cho mọi người, từ tướng sĩ đến quần chúng đều khâm phục, thậm chí, kẻ địch thủ ông nghe thấy cũng mến mộ và kính nể.

Năm 1689, phó tướng của Chúa Nguyễn là Mai Vạn Long đi đánh Chân Lạp không thành công bị Chúa bãi về. Chúa họp các tướng bàn chọn người thay Vạn Long: Chưởng cơ Hoành Khi tiến cử Nguyễn Hữu Hào. Chúa cho Hữu Hào làm thống suất cùng với tham mưu Hòa Tín, tiến đánh Chân Lạp. Hữu Hào đóng quân ở Bích Đôi bố trí doanh trại, quân lệnh nghiêm túc. Chư tướng ai cũng phục. Chân Lạp quốc vương là Nặc Thu sai người đến cầu, dâng lễ tỏ lòng thành.

Hòa Tín muốn cứ đánh. Hữu Hào nói:

- Quốc Vương kia đã đem mình về với ta, đánh thì tỏ ra chẳng oai võ gì.

Rồi đó, tiếp Chân Lạp đem vàng bạc, tè giác, voi khỏe đến dâng nhưng voi đều thấp bé. Thị chiến là Diệu Đức nói:

- Những thứ Chân Lạp đem dâng không phải từ chân tình, chi bằng cứ đánh.

Hữu Hào đáp:

- Vỗ về người xa, quý ở lễ, không quý ở vật phẩm, (ngày xưa) Cố Giả cống cỏ tranh, có phải là vì vật phầm đâu?

Bèn nhận đồ cống của Chân Lạp mà cho sứ giả về.

Cũng trong chuyện này, bà Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền trong bài giới thiệu truyện ’’Song Tinh Bất Dạ’’ của Nguyễn Hữu Hào còn cho biết: (...) Bởi không muốn lấy thế mạnh trấn áp kẻ yếu, nên  trong lúc bàn luận, ông nói:

- Thừa nhân chi nguy mà làm điều phi tín nghĩa, rất không phải đạo, và còn tiếp: Mặc dầu họ đã phản bội quấy phá biên giới, song nay kẻ ấy biết lỗi chịu tội, mình cũng nên khoan hồng. Và lại, đôi bên không phải giao chiến, đỡ chết chóc, quân mình không mất một giọt máu, không hao một mũi tên mà được họ quy phục, như thế chẳng hay lắm ư!

Thế nhưng, đời nào cũng có kẻ ganh tị người tài hơn mình. Ông vua chúa nào cũng thích xu nịnh, gièm pha! Do đó, Nguyễn Hữu Hào cũng chung một số phận như thân phụ ông. Người ta mật báo với chúa Nguyễn rằng Nguyễn Hữu Hào nhút nhát, do dự, không dám vào hang cọp để bắt cọp, tức là đã "dưỡng hổ di hoạn’’, trái với phận làm tướng. Chúa Nguyễn giận, sai tước hết chức quyền, đuổi về làm thứ dân. Trở về nơi chôn nhau cắt rốn, ông bình thản làm người nông phu, vui vẻ, sớm cày ruộng, chiều đọc sách, tối đi lễ chùa, ngôi chùa trên núi Vạn Xuân sát cạnh làng Phúc Tín, nay nhân dân còn gọi là Động Chùa. Anh Tông Nguyễn Phúc Trăn (Chúa Nghĩa) chết (1687 - 1694), chúa quốc, Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) lên nối ngôi, minh oan cho Nguyễn Hữu Hào và cho làm cai cơ, thống suất cơ Hữu Súng, rồi thăng Chưởng Cơ.

Năm Giáp Thân (1704) năm thứ 13 đời Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Hữu Hào lại được lệnh đi làm trấn thủ Quảng Bình, đóng ở Võ Xá. Khi ông đến trấn, ông yêu nuôi sĩ tốt, vỗ yên trăm họ, lại và dân đều thương yêu.

Tuy là dòng dõi võ tướng nhưng có truyền thống văn học, bởi vậy ông cũng mang tâm hồn một văn nhân, gặp lúc ngoài biên vô sự, ông lại để ý chăm lo văn học. Tại đây, ông sáng tác ra chuyện thơ Nôm Song Tinh Bất Dạ.

"Thi phẩm ấy đã như một linh dược thấm mát tâm tư của riêng Hào Lương Hầu (Nguyễn Hữu Hào) và như lặng gió thanh bình lướt êm trong bầu không khí đình chiến.’’

Song Tinh Bất Dạ là một truyện phóng tác từ tiều thuyết Định Tình Nhân của Trung Quốc bằng Hán ngữ.

"... Thể văn Song Tinh Bất Dạ là văn vần (lục bát) hiện sưu tập được 2.302 câu (mất một phần ở đoạn cuối), trong đó xen kẽ hai bài đường luật 16 câu, 01 bức di ngôn 40 câu và một bài văn tế 38 câu.

Cốt truyện kể về cặp tình nhân gắn bó yêu đương rất mực. Đôi bên đều sinh trưởng trong gia đình lễ giáo. Chàng trai là một nho sĩ tinh anh, nàng là một tiểu thư tài sắc.

Gặp kỳ chàng phải lên đường ứng thí. Quảng thời gian tạm biệt này đã xảy ra nhiều biến cố. Cả hai đã phải vượt muôn vàn nguy hiểm, kể cả tính mạng. Cuối cùng, họ được phỉ nguyền, đẹp duyên. Riêng chàng, vì tình huống đưa đẩy, tạo nên cuộc phối ngẫu bất ngờ, một lúc có hai vợ. Nhưng đời sống của họ vẫn thuận thảo. Về sau, cả gia tộc ấy đê huê hưởng vinh hiển phú quý...

... Cửa xe đài án việc rồi

Màn trong giãn để, sách ngoài dọn biên...’’

Đó là hai câu mở đầu truyện Song Tinh Bất Dạ, đã được giáo sư Hoàng Xuân Hãn biên khảo cho rõ nghĩa: ’’Tại dinh trấn, sau khi xong việc công, ta bỏ bớt việc nhà để soạn tiểu thuyết... ’’. Vậy là tiểu thuyết thi ca Song Tinh Bất Dạ được biên soạn khoảng 1704 trở đi, đúng lúc Hào Lương Hầu đang coi dinh trấn Quảng Bình.

Xét trong văn Nôm, kể từ Nhà Trần, thế kỷ 13, đã có ngụ ngôn trê cóc rồi, và lác đác cũng xuất hiện thêm mươi tác phẩm khác nữa, nhưng đều ngắn cả. Cho đến đầu thế kỷ 18, Song Tinh Bất Dạ ra đời.

So sánh trong vòng 05 thế kỷ này thì Song Tinh Bất Dạ được kể là một thi phẩm dài. Mãi đến trăm năm sau mới thấy xuất hiện thi phẩm lớn khác như Hoa Tiên, Truyện Kiều...

Về cách hành văn trong Song Tinh, tác giả dùng lời lẽ giản dị, không cầu kỳ, kể cả miêu tả lẫn đối thoại, tự sự. Tên nhân vật chính của truyện là Song Tinh, tự là Bất Dạ:

(...) Đến ngày mở tiệc lộng chương

Nghiệm điềm mới đặt tên chàng Song Tinh

Đành hay cấu khí tinh anh

Tự xung Bất Dạ, hiệu lành đó vay...

Một đặc điểm của tác giả là lối diễn đạt hài hước, mang tính vui đùa, dí dỏm:

(...) Nàng rằng ví có đãi đằng

Dễ ai tin cuội trong trăng bao giờ...

(...) Nguyễn Hữu Hào sống giữa lúc Trịnh - Nguyễn phân tranh, lại thêm nạn biên giới bất an... Chính nhà thơ mà cũng là nhà Thống Soái Hào Lương Hầu phải đối mặt với chiến tranh. Mọi tàn khốc đau thương hằn sâu vào tâm não ông, thưng thực lòng ông chỉ khắc khoải, ôm mộng hòa bình (...)

Và, rồi mong mỏi hòa bình đã đến với thi nhân Nguyễn Hữu Hào. Cuộc đình chiến giữa hai bên đã đem lại vui sướng cho toàn dân, khiến nhà thơ hân hoan:

(...) Quốc gia vừa thuở bình thì

Sinh bèn dâng biểu xin về tình thân

Trước là tình nghĩa yên toàn

Sau là sum họp một đoàn vầy vui... ’’

Bầu không khí thoải mái tràn ngập núi sông. Tâm hồn khoáng đạt yêu đời thêm, Nguyễn Hữu Hào đem hứng thú lồng vào cảnh vật:

(...) Cành mai rợp rợp tuyết in

Sởn sơ đào, liễu... bon chen hạnh, hồng...

Giả sơn rêu tỏa, khói phong

Sườn Thai (núi Thiên Thai) tót lạ non Bằng đua thanh"

(...) Kể từ lúc Song Tinh Bất Dạ ra đời cho đến khi tác giả tạ thế là đúng 09 năm (1704 - 1713). Chỉ với một truyện thơ Song Tinh Bất Dạ, Nguyễn Hữu Hào đã đóng góp rất sớm vào kho tàng văn học nước nhà một giai tác bằng quốc âm, quý giá về nghệ thuật, văn hóa, ngôn ngữ học lẫn nhân sinh quan. Đó cũng là một dấu hiệu bắt đầu trở mình của nền văn chương Việt Nam vào những giai đoạn tiếp sau.

Sau đây, chúng tôi xin trích 58 câu trong 2.216 câu của truyện Song Tinh Bất Dạ, truyện thơ nôm đầu tiên dài nhất của nước ta. Đoạn này tả khi người học trò (tức Song Tinh) đi tìm bạn của cha mình để học thêm, trong đó có nhiều thổ ngữ Quảng Bình rất bổ ích cho người Quảng Bình chúng ta hiện nay muốn tìm hiểu ngôn ngữ địa phương mình....

(...) Vâng lời bái tạ từ huyên

Đeo cầm lộng hạc, gác yên giục lừa.

Thức nhành ’’hây hấy’’ gió đưa

Ý xuân giục khách, bạn thơ quên người

Nga mi sừng sũng giữa trời

Khỏi nơi kiếm các, kề vời Triết tây.

Sơn âm ’’chớm chở’’ tùng xây

Đá hang rêu phủ, cỏ cây khói lồng

Dặm ngàn khói tỏa mây phong

Thoáng qua chùa Huệ nẻo thông, hương đình

Nước non sao khéo hữu tình

Kìa dòng Tây Tử, nọ ghềnh Nghiêm Lăng.

Việt Vương đài nọ mấy từng

Rong treo tường bích, lan dừng cỏ hoa

Ngang cầu Mông Bút vừa qua

Thai Ung còn biển, Tào Nga còn bài

Đất "sánh’’ gái sắc trai tài

Nguời đời tuy khác, dấu đời còn ghi

Biết bao thủy tú sơn kỳ

Cảnh vui mấy chốn, thơ thì mấy thiên

Bút hoa làng nọ gần miền

Mặc trì đã khói, kế liền Sơn âm

Bãi lan sóng ’’dợn lâm châm’’

Một vùng mông uyển, nghìn tầm quyến phơi

Ngàn đồi cây cỏ phô tươi

Liễu khoe mày lục đào cười môi son.

Dập dìu quý tử vương tôn

Xe ngừng xóm nguyệt, ngựa bon dặm hòe...

Giang sơn cấm tú bình vi

Thạc xuyên so lại thế thì xa khơi

Cảnh thanh, tình hứng mảng chơi

Nào hay là chốn thợ trời giúp ta

Khỏi cầu Lĩnh Dĩ vừa qua

Cuối đuôi ’’ló’’ thấy đôi ba nhi đồng

Đầu ghềnh một gã điếu ông

Khăn lòa tóc bạc, áo hồng khói hương

Nhìn trong cử chí đoan tường

Khác hình thôn tấu, mỉa phường dật dân

Hai mai tuyết điểm đã ngần

Trên vai bất hoặc, dưới tuần tri thiên

Xem qua Sanh mới nghĩ liền

Nầy chăng thiệt khách cao hiền đâu sai

Thong dong khăn sửa "bâu’’ gài

Kề gần thôi mới kiếm bài đan ca:

- Cõi nầy khác chốn yên hoa

Dám ’’han’’ cao khách một ’’và’’ lời quê

Hay là học thói Bàn Khê

Thừa nhàn mượn thú, liệu bề ra tay?

Đang khi chỉ động cần ’’lạy"

Mảng ham trong ’’máy’’ nào hay ngoài vòng.

Lúc đang cá ’’móng’’ cần ’’ngong"

Đoái đầu ’’ngó’’ lại thấy trong bóng chàng

Khôi ngô cách đẳng phi thường

Đành thay thiệt khách ngọc dường ấy chăng

Gác cần "lao" vội "han" rằng:

Bởi đâu cát sĩ chưa từng mặt quen?

Khiến "hề" kíp trải bức chiên

Lễ phân tân chủ, mời khuyên đều ngồi...

Năm Quý Tỵ (1713), mùa thu Nguyễn Hữu Hào mất, được chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) tặng phong Đôn Hậu công thần thụy là Như Tử.

Gia Long năm thứ 4 (1805) phong làm công thần bậc nhì, được cấp 6 mẫu tự điền, 3 người coi phần mộ.

Theo Quảng Bình nhân vật chí

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập