Chi tiết bài viết

Lê Mô Khởi (1836-1895)

15:7, Thứ Hai, 23-12-2013

Lê Mô Khởi, người làng Cao Lao Hạ, nay là xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch. Ông còn có tên là Lê Tuấn và Lê Ngọc Thành.

Cụ thân sinh là ông Lê Văn Giân, đổ cử nhân khoa Nhâm Thìn, triệu vua Thiệu Trị thứ 2, (1842), làm một chức quan nhỏ (tri huyện) nhưng nổi tiếng thanh liêm.

Lê Mô Khởi, hồi nhỏ học với bố. Năm 15 tuổi đã thông thạo thi thư, văn, truyện, kinh phú. Đi thi, lấy tên là Lê Ngọc Thành, đổ cử nhân khoa Tân Dậu, triệu vua Tự Đức thứ 14 (1861). Ra làm quan, lấy tên là Lê Mô Khởi.

Lúc đầu bổ đi trị nhiệm ở các phủ huyện tỉnh Bình Định, sau về chấm thi trường thi tỉnh Thanh Hóa, rồi Ấn Sát tỉnh Hải Dương. Lúc ông ở Hải Dương là lúc tình hình đất nước đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài Bắc thì thổ phỉ người Hán tràn qua biên giới cướp phá các tỉnh giáp ranh Trung Quốc thường được gọi là giặc cờ đen, cờ vàng, đồng thời người Pháp cũng bắt đầu xâm nhập nhiều nơi trên đất Bắc Kỳ. Ở trong triều thì lục đục, nay truất vua này mai truất vua khác, đường lối chiến hay hòa chưa xác định, quân tướng ở Bắc thì bị triều đình này triệu hồi, mai bãi binh...

Dưới sức ép của người Pháp, ở Bắc Kỳ có hàng trăm quan trường bị giáng chức và bị triệu về kinh đợi xét xử, trong đó có Lê Mô Khởi.

Khi Lê Mô Khởi về Huế đợi lệnh, may nhờ có Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường thấy được ông là người biết lo việc nước, việc dân nên đã điều ông trở lại Hải Dương lĩnh nhiệm vụ Bố Chính.

Nhưng đồng thời, ở quê hương ông, mẹ ông mất, ông phải cáo quan về chịu tang mẹ. Sống ở quê nhà, ông đã góp phần cùng các bậc trưởg lão trong làng, xây dựng cho dân làng có cơm no, áo ấm, con em có học có hành. Chính ông cũng mở trường dạy học, cùng bà con mở đường sá ở nông thôn. Do đó, làng Cao Lao Hạ lúc bấy giờ đã làm được hai trục đường chính, lại có đường nối với các làng khác, thông thương ra khắp vùng.

Người làng Cao Lao Hạ rất kính mến ông, khi nói đến tên ông, người ta thường nói chệch đi, chẳng hạn như chữ Khải thì nói là Khởi, chữ Tuấn nói ra chữ Tớn, chữ Thành ra Thiềng.

Trong lúc ông đang dạy học và chăm lo kiến thiết hương thôn cùng bà con làng xóm thì một biến cố lớn của Đất nước đã làm chấn động cả toàn dân, đó là vụ Kinh Thành thất thủ:

Đêm 22 sáng ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu (25-7-1885) Đại Thần Tôn Thất Thuyết chủ động tấn công quân Pháp ở Huế bị thất bại. Tôn Thất Thuyết phải hộ giá vua Hàm Nghi xuất bôn ra Tân Sở (Quảng Trị). Tại đây, Nhà vua hạ chiếu Cần Vương lần thứ nhất, kêu gọi toàn dân giúp vua, đánh quân xâm lược Pháp, cứu nước.

Ngay sau khi Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi lên Tân Sở để ra Bắc, Đờ Cuốc - xy (De Courcy) Tổng Tư lệnh Pháp đã phái một lữ đoàn bộ binh cùng 5 tàu chiến, đánh chiếm ngay Động Hải và cửa biển Nhật Lệ nhằm bít đường ra Bắc của Nhà vua.

Ngày 19-7-1885, quân Pháp lên Động Hải. Cùng lúc, quân Pháp cũng tiến hành một cuộc hành quân theo đường biển từ Ninh Bình đánh vào. Qua các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, lực lượng tảo thanh này cùng càn quét, đánh phá vào các sơn phòng các tỉnh cũng như tiến công vào các tỉnh lỵ.

Có lẽ, do các mũi tiến quân này của quân Pháp nên ở Tân Sở, Tôn Thất Thuyết không thể đưa vua Hàm Nghi ra Bắc theo đường thiên lý được, mà phải đưa nhà vua ngược lên Mai Lĩnh, Lao Bảo theo đường núi Trường Sơn, băng qua Lào, đến đèo Quy Hợp rồi về sơn phòng Hà Tĩnh mà vào đóng đại bản đoành tại vùng núi huyện Tuyên Hóa (Minh Hóa ngày nay), và tại đây, ngày 20-9-1885, nhà vua lại xuống chiếu Cần Vương một lần nữa.

Vậy là, trải qua 17 năm, kể từ tiếng súng xâm lược nổ ra ở Đà Nẵng ngày 31-8-1858, chiến tranh đã lan đến Quảng Bình và vùng đất đầy núi non hiểm trở của miền Tây huyện Tuyên Hóa lại trở thành Kinh đô Cần Vương của triều đình Hàm Nghi, phất cao ngọn cờ cứu nước.

Tin Vua Hàm Nghi ra Tuyên Hóa, xuống chiếu Cần Vương lan nhanh khắp tỉnh Quảng Bình. Ông Lê Mô Khởi ở Cao Lao Hạ, cùng đám học sinh đang học với ông đang đua nhau đi tìm tờ chiếu Cần Vương của vua để xem thì bỗng có người của ông Lê Trực ở Thanh Thủy đưa tới cho ông một bức thư, trong đó có cả tờ chiếu mà ông đang nóng lòng chờ đợi.

Chưa đọc thư vội, Lê Mô Khởi đọc ngay tờ chiếu, trong đó có đoạn:

... Bách quan, khanh sĩ, không kể lớn nhỏ, tất không bỏ xa trẫm. Kẻ trí hiến mưu kế, người dũng hiến sức lực, kử giàu có bỏ của ra giúp quân nhu, đồng bào, đồng trạch chẳng từ gian hiểm như thế mới phải chứ...  Cứu nguy, chống đỡ, mở chỗ nguy khốn, giúp nơi bức bách đều không tiếc gì tâm lực, ngõ hầu lòng trời giúp thuận, chuyển loạn thành trị, chuyển nguy thành an, thu lại bờ cõi, chính là cơ hội này! Phúc cho tôn xã là phúc của thần dân!... .

... Cùng lo với nhau rồi cùng nghỉ với nhau, há chẳng tốt lắm ru?... Ai ai càng phải tham gia công việc, nghiến răng, dụng tóc, thề giết tan giặc’’.

Sau khi đọc to tờ chiếu cho môn sinh, ông Lê Mô Khởi tiếp tục đọc bức thư của cụ Lê Trực gửn cho ông đề học trò ông cùng nghe:

Cùng Lê đại nhân!

Tờ chiếu Cần vương này chắc đại nhân đã đọc. Cái tình cảnh của Nhà vua ra làm sao, cái vận mạng của nước nhà ra làm sao, đọc tờ chiếu chắc đại nhân đã rõ.

Lão già từ ngày bị triệt hồi, tháng ngày chỉ ăn chơi bên lèn núi Thanh Thủy, uống rượu lại uống rượu, cưỡi ngựa lại cưỡi ngựa, thời cuộc ra làm sao, lão già nào được rõ? Lão già này lưng đã hơi còng, răng đã rụng hết một phần, lão già còn làm gì được và còn biết làm gì được nữa.

Nhưng khi đọc tờ chiếu ấy thì lão già thấy trẻ lại. Lòng bâng khuâng sôi nổi như thời niên thiếu. Cái kẻ làm tôi đã tùng ăn cơm nhà vua, sống trong đất nhà vua, đã chịu ân huệ của nhà vua, há lúc nghe tiếng gọi tha thiết của Nhà vua trong con loạn lạc, nỡ bịt tai lại mà ra chốn non xa ngồi uống rượu hay sao?

Lão già là một kẻ vô biền, chữ nghĩa không được mấy, lão già đâu dám lấy cái nghĩa tôn quân ra mà nói cùng đại nhân!

Đại nhân là người đã đọc hết thánh hiền chắc cũng liệu lấy một câu xử trí. Đại nhân hãy phốc lên mình ngựa, thức tỉnh sĩ phu dậy!

Lão đây sẽ quên sức già mà chạy theo đuôi ngựa của đại nhân.

Ký tên: Lê Trực

Hưởng ứng chiếu Cần Vương và lời động viên của người bạn cùng chí hướng Lê Trực, ông Lê Mô Khởi đứng ra kêu gọi nhân dân, trước hết là người Cao Lao Hạ, rồi đến các làng trong vùng sông Son, hạ lưu sông Gianh, họp thành đội nghĩa quân, lấy làng Cao Lao Hạ làm chỗ xây dựng đầu tiên.

Rất nhiều trang thanh niên, võ sĩ, nhiều cai cơ, quan võ trong hàng ngũ quân đội triều đình trước đây bị bãi binh đuổi về, đến tụ nghĩa, trong đó có các ông Cử Chương (Lê Quang Chương, cử nhân võ) là người có sức khỏe phi thường, thường được gọi là ông ’’Quyền cửu’’, ông Lê Văn Ngôn, Lê Văn Gia, ông Lê Quang Chánh...

Nhân dân trong vùng Nguồn Son và hạ lưu sông Gianh hướng về nghĩa quân của Lê Mô Khởi, đóng góp rất nhiều công sức, tiền của, lúa gạo, không hê tiếc một thứ gì. Không những giúp đỡ bằng vật chất theo mùa vụ, theo hiện hữu trước mắt mà nhân dân còn giúp nghĩa quân khai phá ruộng đất trồng trọt, cấy lúa chung quanh vùng căn cứ Trại Nái là nơi nghĩa quân Lê Mô Khởi đóng đại bản doanh để tính kế lâu dài.

Chỉ trong 2 tháng, lực lượng nghĩa quân đã hình thành cơ ngũ, quân số đã lên tới 500 người và một bộ chỉ huy gồm nhiều lãnh binh, suất đội, võ sư tài giỏi.

Hương sử Cao Lao đã từng viết:

(...) Lê Mô (Khởi) Ấn Sát phủ Thừa

Pháp binh hòa ước đánh lừa dân ta...

Đình Phùng (Phan Đình Phùng) truyền hịch đưa ra

Tức thì treo ấn tham gia lên đường

Về làng hoạt động Cần Vương

Bình tây sát tá cờ trương khắp vùng (.....)

 

Thông qua danh nghiệp võ quan

Có ông đề đốc Lê Quang..., Nguyễn trào

Đương khi giặc Pháp ào ào

Chỉnh tề binh ngũ tiến vào kinh đô

Chẳng nề đường sá bao xa

Võ khoa "quyền Cửu’’ cũng ra ứng tùng

Lãnh Hòa, Lãnh Niệm hai ông

Xuất thân võ cử tưng bừng nổi danh

Hàm Nghi lột chiếu xuất thành

Tức thì vâng lệnh hy sinh chống thù

Minh Cầm, Quy Đạt, chiến khu

Đồng Lê, Thanh Lạng, sách trù mộ binh

Đội quân Võ Giả, đội Quyền

Cũng tay chống giặc bạo quyền ngoại xâm’’(.......)

Lúc đầu, nghĩa quân còn đóng ở làng Cao Lao Hạ. Nhà ở ông Lê Mô Khởi là trụ sở của bộ chỉ huy. Sân đình và đình làng là nơi huấn luyện và hội quân. Nghĩa quân chia nhau thành hai cánh, đóng trong làng.

Thời kỳ này, cũng là thời kỳ người Pháp đã chiếm đóng gần khắp nơi trong đình. Tại Bố Trạch, Quảng Trạch, họ đã đóng đồn Hoàn Lão (huyện lỵ Bố Trạch) Thanh Khê, Mỹ Hòa, Thuận Bài, Ba Đồn, Roòn, và xa hơn lên đến Tuyên Hóa, đồn đầu tiên là Minh Cầm, Đồng Lê, Thanh Lạng...

Song song với các cuộc hành quân đuổi bắt Hàm Nghi của quân đội viễn chinh Pháp vào cuối năm 1885 và đầu năm 1886 tại miền Tây Tuyên Hóa (lúc bấy giờ) không mang lại kết quả mà còn bị hao binh tổn tướng: Quan ba Hugot bị trúng tên độc cửa Trương Quang Ngọc tại đèo Lập Cập (Quy Đạt) về đến Vinh thì chết; quan hai Can - nus bị chết tại trận khi đánh vào cứ điểm Khe Ve... các đoàn quân danh tiếng như quân đoàn Pelletier, đội quân Plegnol, quân đoàn Metzinger, với các đội quân xung kích sừng sỏ nhất của Borune, quân Châu Phi của Sajot, của Baeudart, của đại tá Olive là đội thủy quân lục chiến cự phách... ồ ạt tiến vào thượng nguồn Khe Ve, Khe Giới.... cũng vô hiệu, đều phải rút về, thì các cánh quân chiếm đóng các đồn bốt địa phương ở vùng hạ lưu sông Gianh bắt đầu tiến đánh vào Cao Lao Hạ, mong tiêu diệt nghĩa quân Lê Mô Khởi từ trong trứng nước.

Đêm ấy, Lê Mô Khởi đang ngồi đọc binh thư đồ trận thì người canh gác ở bờ sông vào báo:

- Quân Tây từ Ba Đồn, đi thuyền theo sông Gianh, đang tiến vào hướng làng ta.

Lê Mô Khởi liền ban lệnh báo động. Thanh la, chuông trống, tù và nổi lên. Toàn thể người trong làng, theo kế hoạch đã từng luyện tập, ai nấy vào vị trí của mình.

Các đội võ trang lập tức tề tựu tại sân đình đợi lệnh. Lê Mô Khởi trong bộ áo giáp luôn luôn sẵn sàng xung trận, dõng dạc ra lệnh.

- Ông Lê Điệt, dẫn cánh quân thứ nhất ra mai phục tại rừng Sác ven con đường đình xóm 7.

- Tôi, Lê Mô Khởi, trực tiếp đem cánh quân thứ 2 phục kích tại rừng Sác ven con đường đình xóm 14.

Tất cả phải chờ địch lọt vào trận địa mới được ra đánh, không được vội vã. Phải đánh thắng trận đầu này để làm cho bọn cướp nước biết sĩ khí của quân và dân ta.

- Các cánh quân khác lo bảo vệ khu vực dân làng sơ tán, đặc biệt là không được để địch bắt trẻ con, phụ nữ và giết hại người làng.

Sau giây phút truyền lệnh xong thì xóm làng trở lại yên tĩnh, không có một tiếng động, quân giặc từ bờ sông Gianh, thấy không có điều gì đáng ngờ, chúng ngang nhiên gọi nhau, kéo đàn kéo lũ, chia làm hai tán, nối chân nhau vào làng như vào chỗ không người.

Thật không may cho quân giặc, chúng tự đâm đầu vào hai ổ phục kích của hai đạo quân Lê Mô Khởi. Thế là, một trận xáp lá cà bằng dao kiếm và võ nghệ đã chiến thắng đội quân xâm lược có đủ súng ống ngay tại khu rừng Sác trên mảnh đất Cao Lao lịch sử, quân địch còn sống sót không kịp trở ra bờ sông lấy thuyên về mà mạnh tên nào tên ấy chạy bộ theo bờ sông tìm đường về Thanh Khê cầu cứu.

Ngày hôm sau, quân Pháp từ đồn Thanh Khê (còn gọi là Quảng Khê) kéo về Cao Lao Hạ quyết trả thù trận đêm qua. Nhưng nhân dân và lực lượng vũ trang của nghĩa quân biết trước thế nào giặc cũng báo thù đã tản cư vào rừng, để vườn không nhà trống.

Bọn lính Pháp không tìm gặp được nghĩa quân, lồng lộn lên, châm lửa đốt nhà nhân dân, cướp bóc gà lợn rồi về.

Bộ chỉ huy quân khởi nghĩa do ông Lê Mô Khởi làm chủ tướng họp bàn, quyết định dời căn cứ vào Trại Nái để chiến đấu lâu dài.

Trại Nái (ngày nay gọi là Ba Trại) thời ấy là một vùng đồi núi cao, rừng rậm ở phía Nam làng Cao Lao Hạ. Từ sông Son (phía Tây) đi đến Trại Nái cũng gần bằng từ Trại Nái đi về Cao Lao Hạ, hoặc cũng bằng từ Trại Nái đi xuống phía Nam để đến làng Cự Nẫm, Hạ Môn. Phía bắc Trại Nái có dãy núi cao 224m, án ngự trước mặt làng Cao Hạ. Ở đó cho phép nghĩa quân dựng một ’’đài quan sát’’ nhìn rõ ra tận sông Gianh, và cửa biển sông Gianh, cho phép thấy được những cuộc hành quân quy mô của quân chiếm đóng Pháp ở Quảng Khê và trên đường Thiên Lý, đoạn qua phà Quảng Khê. Người làng Cao Lao hiện nay còn kể: Thời ấy, ông Lê Mô Khởi đã dựng một cột cờ Cần Vương trên ngọn núi này, nên về sau người ta đặt tên cho ngọn núi là Núi Chóp Cờ, người Nho học thì gọi là Kỳ Sơn.

Phía đông Trại Nái là cả một sơn hệ núi Hòn Bung cao 3,2 m liên tiếp giăng dày như một thứ trường thành vô tận, che chắn một phía trời đông, an toàn cho căn cứ. Phía Tây Trại Nái cũng là một dãy núi đồi rừng rậm bao vây, có ngọn cao đến 166m. Vượt qua dãy đồi núi ấy là cao nguyên Ngân Sơn, có những làng Phù Kinh, Phù Mỹ...

Ở thời đại đó, chọn một địa điểm như Trại Nái, xét về quân sự, về kỹ thuật tác chiến bằng giáo mác, đi chân đất, ứng dụng chiến thuật du kích, đánh mai phục là chủ yếu thì đó cũng là một vị trí khá thích hợp.

Ngày nay, khi có những con đường tỉnh lộ chạy xuyên qua trung tâm Ba Trại (tức Trại Nái thời Lê Mô Khởi), những con đường 15A, đường sắt xuyên Việt kẹp hai bên Ba Trại, giúp cho Ba Trại thông được với nhiều điểm trên các nhánh đường chiến lược Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng chứng minh được vị trí quân sự của Ba Trại, thì Trại Nái thời Cần Vương của Lê Mô Khởi cũng không phải không có giá trị.

Thật vậy, chiếm lĩnh Trại Nái, quân của Lê Mô Khởi, luôn luôn là sự cản trở của quân Pháp mỗi khi họ hành quân lên vùng sông Son. Nhờ các điểm cao của núi rừng, quân Trại Nái giữ được vị trí chủ động.

Trong quá trình chiến đấu và xây dựng căn cứ Trại Nái, ông còn biết vận động các làng xóm chung quanh khu vực Trại Nái, nào là các làng Phù Kinh, Phù Mỹ, Hà Môn, Cự Nẫm, Bồ Khê, Đăng Đề... làm tai mắt cho nghĩa quân mỗi khi có động tĩnh!

Về vấn đề lương thực, ông còn lo khai thác ruộng đất, biến Trại Nái hoang vu thành một vùng đất màu mỡ, tự túc một phần quân lương, bớt được gánh nặng đóng góp cho nhân dân.

Như phần đầu đã nói, Lê Mô Khởi với Lê Trực là hai người bạn tri kỷ, tuy một bên là quan văn, một bên là quan võ, nhưng rất tâm đắc nhau về mặt trung quân ái quốc và ngày mà Lê Trực ở Thanh Thủy đứng lên theo tiếng gọi Cần Vương cũng là ngày Lê Mô Khởi theo thư Lê Trực ’’lên ngựa cầm gươm’’.

Cho nên, trong thời gian dựng cờ khởi nghĩa ở Trại Nái, Lê Mô Khởi luôn luôn phối hợp với quân Lê Trực, tổ chức những trận đánh hợp đồng vào đồn Hoàn Lão, vào thành Động Hải, đã làm cho quân Pháp đóng ở Đồng Hới phải nhiều lần cáo cấp và xin cầu viện ở Huế ra tăng cường giữ thành.

Hoặc những trận đánh hợp đồng trên tuyến đường thiên lý (nay là quốc lộ 1A) ở Hoàn Lão, Lý Hòa, Khe Nước gần Quảng Khê, làm cho sự tiếp tế giữa các đồn binh Pháp từ Đồng Hới đi Ba Đồn gặp khó khăn, buộc chúng phải hao binh tổn tướng để hộ tống các đoàn chuyển vận.

Tháng Chạp năm Bính Tuất, tức là đầu năm 1887, có người đem đến cho ông một bức thư của Lê Trực ở Thanh Thủy gửi. Bức thư đại ý:

- Ông Lê Trực sẽ đem quân Thanh Thủy xuống giải phóng Ba Đồn, tiếp xuống giải phóng Mỹ Hòa; hẹn với ông Lê Mô Khởi đem quân Trại Nái xuống giải phóng đồn Quảng Khê. Sau khi đánh được các đồn trên sẽ hội quân tại Quảng Khê, bàn luận tiến thẳng vào Hoàn Lão và Đồng Hới.

Nhưng, qua sự quan sát người đưa thư, ông Lưu Điệt mật bàn với ông Khởi:

- Bẩm chủ tướng! Tôi nghi người đưa thư không phải là quân của tướng quân Lê Trực.

Mở thư ra, lật qua lật lại, nhận xét kỹ nét chữ, ông Khởi cau mày.

- Đây chính là nét chữ của cụ Đề mà!

Nhưng một linh tính vụt đến với ông! Ông liên nói thầm vào tai ông Điệt:

- Nếu tướng quân đã nghi thì ta tương kế tựu kế... thế này... thế này. Đoạn ông cầm bút phê vào thư như tín hiệu phúc đáp:

- Xin y hẹn.

Chờ người đưa thư ra về, ông gọi người liên lạc hằng ngày thường đi Thanh Thuỷ đến dặn dò, tìm con đường tắt, nhanh chóng báo cáo với cụ Đề Trực biết tình hình vừa rồi và đề nghị với cụ Đề: Một là hủy bỏ kế hoạch, hai là nếu hành động thì phải hành động trước y hẹn hai ngày để quân giặc không chuẩn bị kịp.

Nhưng thực tế, không phải địch muốn ’’cất vó’’ hai cánh quân của 2 ông, mà chúng chỉ cần biết con đường vào ra Trại Nái là chúng có thể tung ra một lực lượng mạnh đánh vào sào huyệt quân Cần Vương Lê Mô Khởi!

Sở dĩ kẻ địch luôn luôn muốn nhổ kỳ được vị trí Trại Nái vì chính đó là chỗ vừa là yết hầu vừa là chắn đuôi của con đường thủy, hành quân tiện lợi nhất của họ mỗi khi họ tiến quân từ Quảng Khê lên Minh Cầm để đánh sâu vào Đồng Lê, Quy Đạt.

Đã bao nhiêu lần, cánh quân này, khi thì bị quân Trại Nái đón đầu cản trở, khi thì bị bịt đường rút lui, phải vứt cả thuyền bè lên bộ chạy thục mạng, vì không một động tĩnh nào của quân giặc đóng ở đồn Quảng Khê và Hoàn Lão mà tướng quân Lê Mô Khởi ở Trại Nái không biết.

Thế mà lần này, cái yêu cầu tối thiểu của quân giặc đã đạt được. Thông qua tên gián điệp trá hàng đưa thư, người Pháp đã biết đường vào ra Trại Nái, và lập tức hôm sau, họ chủ động tổng công kích vào Trại Nái, không đợi đến hai cuộc hành quân của hai ông thành hiện thực.

Bị đánh bất ngờ và phải đối đầu với một lực lương mạnh hơn hẳn, nghĩa quân Trại Nái, mặc dù hết sức ngoan cường cũng không thể nào cố thủ được căn cứ, và phải rút lui dần vào rừng núi.

Sau trận thất bại này, ông cùng các tướng lĩnh tìm đường lên Tuyên Hóa, người thì theo về với Hàm Nghi, người thì ra Hương Khê nhập với nghĩa quân Phan Đình Phùng, người thì về Chóp Chài với nghĩa quân Lê Trực. ông Lê Mô Khởi lần nay đã gặp được Hàm Nghi và được Nhà vua giao cho chức vụ Tán tương quân sự.

Giữa năm 1888, ông được lệnh vua Hàm Nghi, phái đi liên lạc với nghĩa quân Phan Đình Phùng ở Hương Khê, tiếp tục ý kiến của Nguyễn Phạm Tuân, tìm cách đưa vua ra Bắc, cụ thể là ra Thanh Nghệ, nơi quê hương của thủy tổ triều Nguyễn, nơi có nhiều nhân tài, vật lực có thể giúp vua chống giặc cứu nước có hiệu quả hơn ở vùng núi miền tây Tuyên Hóa.

Lặn lội hàng tháng trời giữa rừng sâu, núi ngàn Trường Sơn, ông Lê Mô Khởi tìm được đến Ngàn Tươi, căn cứ của cụ Phan. Nhưng, cụ Phan không có ở nhà. Cụ đang đi Kinh lý một số quân thứ Cần Vương đặt dưới quyền chỉ đạo của cụ, nên ông phải chờ đợi khá lâu.

Cho đến khi ông Lê Mô Khởi trở về đến Thanh Lạng thì mọi việc đã đảo lộn cả cuộc đời của ông.

Vừa đặt chân đến bờ sông, đang dự định cách vượt sông thì bỗng nghe tiếng hò từ xa vọng lại:

"Trái đào non rớt ngoài vườn hạnh

Không ơi chàng định liệu ’’mần răng’’....

Mấy tháng trước, ông cũng từng nghe một cô gái chăn trâu hát vậy. Cô ta đã giúp ông sang sông bằng cách ngồi trên lưng trâu của cô. Ông chợt vui mừng, cầu mong được gặp lại cô gái dạo nọ. Quả nhiên, người quen đã xuất hiện. Ông liền đề nghị:

- Hôm nay chú lại gặp may rồi. Cháu cho chú sang sông với được không? À mà trâu của cháu đâu rồi?

Dạ thưa ông. Hôm nay cháu không về nhà mà ở lại chăn rẫy, về bên làng sợ lắm.

- Vì sao?

- Dạ thưa ông, hôm qua người Tây họ bắt được Vua đem từ đồn Đồng Ca về đây. Lính họ giết người, cướp của, đốt nhà và bắtt con gái nhiêu lắm. Cháu sợ phải trốn lên nương. Cả làng cũng vậy.

Như sét đánh vào đầu ông choáng váng, gần như bổ sấp xuống. Trời đất quay cuồng, cảnh vật đổ nhào trước mặt ông. Ông lịm đi không biết nói gì nữa. Trời bắt đầu tối - Cô gái chăn trâu cũng bỏ đi tự bao giờ.

Người ta không biết ông ngồi lại ở khúc sông Thanh Lạng nầy bao lâu nữa... Cuối cùng rồi Lê Mô Khởi cũng lần hồi về đến nơi chính Hàm Nghi bị bắt.

Còn lại gì nơi đây? Một đóng tro tàn! Một vũng máu chưa khô! Trước cảnh não lòng này, Lê Mô Khởi tiến đến mộtt gốc cây cạnh đó, một cây vàng tâm, bóc mấy lớp vô ngoài, khắc vào mấy lời tâm sự như ngõ với hồn cây ngọn cỏ, như nguyện với núi cao rừng rậm rằng:

"... Ta là Lê Tuân! Trời sanh ta trong thời loạn, làm tôi một đấng quân vương giang hồ! Ta vứt bút, cầm gươm, nhằm non xanh mà đi vào; thờ vua trong một túp lều con xiêu vẹo!

Than ôi! Vận rước còn suy! Cơ trời chưa sáng! Vua tôi ta đêm ngày nằm sương ngậm tuyết, kết cục vẫn giam hãm trong vòng thất bại (...) Ta nguyện đi theo con đường cứu nước của đấng Quân Vương dù có chết mòn nơi rừng xanh núi đỏ cũng cam lòng... ’’

Sau khi vua Hàm Nghi bị bắt, ’’phong trào Cần Vương cứu nước’’ hầu hết bị tan rã; không phải vì người Pháp đánh thắng họ mà có lẽ vì phong trào đã mất ngọn cờ chính nghĩa, mặc dầu Triệu Nguyễn vẫn còn vua quan, nhưng Nhà nước Phong kiến đã mất chủ quyền.

Đất nước bước vào con đường nô lệ, dĩ nhiên, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng Tổ quốc sẽ chuyển cờ lãnh đạo sang tay nhân dân, vai trò Cần Vương cứu nước (giúp vua cứu nước) hết nhiệm vụ lịch sử.

Những cố gắng cuối cùng của ông Lê Mô Khởi là quy tập những nghĩa quân còn lại, phối hợp với người miền Thượng, vào sâu hơn nữa tận rừng núi biên giới Lào - Việt, lập căn cứ, chờ thời cơ nổi dậy, ruốt cuộc cũng chỉ nuôi được cái chí, giữ được cái danh tiết với hậu thế mà không thể nào toại nguyện được. Nó cũng giống như ở Quảng Ninh, Lệ Thủy, những tàn quân của Đề Én, Đề Chít, Hoàng Phúc đem nhau vào Trường Sơn lập trại, chờ thời cuối cùng cũng không chiến thắng nổi với bệnh sốt rét rừng nơi sơn lâm cùng cốc.

Có một giai thoại kể rằng, năm ông 60 tuổi, sức đã tàn, lực đã kiệt vì lam chướng lâu ngày, thì ’’con voi già của vua Hàm Nghi’’ đã cõng ông về tận quê hương ông, xong nhiệm vụ, nó lại trở vào rừng núi tiếp tục cuộc đời tự do của nớ ở chốn rừng xanh.

Trong giờ lâm chung, ông chỉ kịp trao lại cho con cháu thanh kiếm suốt đời ông đem bên mình với mấy lời dặn: ’’Con cháu ta chớ làm điều gì xấu đến truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ’’.

Cuộc đời của ông như thế đó, vậy mà, sau khi ông mất, một số sử sách của Triều Nguyễn đã chép rằng:

Cho Thị độc sung sứ quán biên tu là Lê Mộ Khởi, nguyên Hồng Lô Tự Thiếu Khanh, Tá lý Bộ Lại bị giáng chức, tạm được hàm trước. Cho đem tờ dụ lần lượt tới sơn phần từ Quảng Bình trở ra Bắc, thăm dò đích thực tin tức vua Hàm Nghi. Tùy Cơ làm việc cho ổn thỏa’’.

Họ làm như Vua Đồng Khánh đã nắm được quyền điều khiền ông Lê Mô Khởi trong tay, nay sai đi công cán cho vua, không bằng.

Có ai đối chiếu được thời gian mà Đồng Khánh xuống tờ Dụ này chính là thời gian ông Lê Mô Khởi đang là Tán Tương Quân Đội dưới quyền của chính vua Hàm Nghi?

Và cũng chính thời gian này thì vợ con ông Lê Mô Khởi, bà Nguyễn Thị Luyến, đã bị giặc Pháp đem đi đày ở nhà tù phủ Thừa Thiên (Huế) suốt mấy năm trời.

Có lẽ, thời đại ngày nay, với hai sự kiện tuy nho nhỏ này cũng đủ biết rằng, thời trước Cách mạng tháng 8-1945, người Pháp cứ bảo là Lê Mô Khởi vê đầu hàng họ là có hay không có sự thật.

Mặt khác, cũng chắc chắn rằng, nhân dân làng Cao Lao Hạ đã kiên cường nói thẳng vào trước mặt quân thù rằng Lê Mô Khởi trước sau vẫn là một người yêu nước, không bao giờ đầu hàng, một chiến sĩ của phong trào Cần Vương anh dũng, bất khuất bằng cách lập đền thờ thờ ông ngay tại quê hương mình với sự tôn kính tuyệt đối là xem ông như ’’bốn thổ thành hoàng".

Một "bốn thổ thành hoàng’’ được nhân dân hương khói tôn thờ suốt đời lại là người "đầu hàng’’ dưới con mất và ngòi bút của kẻ cướp nước cũng đủ phân chia ranh giới giữa nhân dân với quân xâm lược quá rõ ràng, tưởng không cần phải nhiều lời bình luận.

Theo Quảng Bình nhân vật chí

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập