Chi tiết bài viết

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2021 - 2022

16:56, Thứ Sáu, 12-8-2022

(Quang Binh Portal) - Sáng ngày 12/8/2022, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương. Tại điểm cầu Quảng Bình có đồng chí Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.

Năm học 2021 - 2022, do dịch Covid-19 lần đầu tiên lễ khai giảng năm học mới được tổ chức linh hoạt theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tùy tình hình dịch bệnh tại các địa phương; ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, tổ chức dạy học linh hoạt theo Khung kế hoạch năm học, hướng dẫn tinh giản chương trình, chuẩn bị các điều kiện dạy học trực tuyến nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh. 

Theo kết quả xếp hạng các Quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 05 bậc so với năm 2020. Kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2022, có 37/39 thí sinh đạt giải, trong đó có 01 thí sinh đạt điểm tuyệt đối. Kết nối thành công Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; đồng bộ và chia sẻ dữ liệu của 1,4 triệu hồ sơ giáo viên, cán bộ quản lý, hơn 12 triệu hồ sơ học sinh. Chất lượng giáo dục Đại học có những cải thiện rõ rệt, năm 2021, 05 cơ sở giáo dục Đại học lọt vào tốp đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục Đại học giai đoạn 2019 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2021 - 2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Các quy định, hướng dẫn của Bộ triển khai việc dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19 còn mang tính ứng phó tạm thời, chưa thực sự chủ động; nhiều địa phương thiếu trang thiết bị học trực tuyến, đặc biệt là các tỉnh có vùng dân tộc miền núi, vùng kinh tế - xã hội khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng học trực tuyến; thời gian học trực tuyến kéo dài làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục; tổ chức quan lý, hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non gặp nhiều khó khăn, nhất là cơ sở mầm non ngoài công lập; tỷ lệ trường tiểu học tổ chức dạy học bù còn thấp nên cha mẹ học sinh gặp khó khăn khi đưa con đến trường học 02 buổi/ngày; một số địa phương đang còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có nhà công vụ cho giáo viện ở các địa bàn khó khăn; còn nhiều bất cập trong việc bố trí giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Công nghệ dạy liên trường, liên cấp; nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương, phải huy động giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch; chất lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục vùng dân tộc còn thấp…. 

Năm học 2022 - 2023, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo xác định chủ đề là “đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”; đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý; chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo, học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; xây dựng quy hoạch mạng lưới, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành…

 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng ngành Giáo dục luôn thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng, hoàn thành mục tiêu năm học; phân bố tuyển dụng, sắp xếp đội ngũ giáo viên, chủ trương mua sách giáo khoa, thực hiện miễn, giảm học phí theo lộ trình. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, ngành Giáo dục - Đào tạo đã nỗ lực rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021 - 2022; đây cũng là năm học vượt khó của ngành do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và đang thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa; trong đó sự đóng góp của đội ngũ giáo viên, học sinh đã tham gia vào công tác giáo dục rất quan trọng…

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, việc tuyển dụng biên chế giáo viên cũng được lãnh đạo Đảng, Chính phủ rất quan tâm; việc Giáo dục cần gắn với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước và lĩnh vực luôn luôn được xã hội quan tâm; đây điều may mắn nhưng cũng là áp lực không nhỏ với ngành giáo dục; việc học trực tuyến chất lượng không thể bằng học trực tiếp vì dịch Covid-19; vấn đề giáo viên trường ngoài công lập bị ảnh hưởng; Giáo dục là quá trình liên tục và có nhiều đầu việc phải làm; tinh thần chung bám sát Nghị quyết 29 NQ/TW để đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo; thực hiện việc dạy và học để phát triển cho học sinh cả Đức - Trí - Thể - Mỹ. 

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý việc đưa môn giáo dục thể chất vào trường phổ thông là rất quan trọng; ngành Giáo dục cần tiếp tục thực hiện quyết liệt đổi mới quản lý Nhà nước cả về quản trị trong trường phổ thông và trường đại học; Bộ Giáo dục và Đào tạo phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục; xây dựng được môi trường văn hóa, dân chủ trong trường học để đạt hiệu quả cao nhất.

PV ĐHà

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập