Chi tiết bài viết

Cô giáo, họa sĩ Phạm Thị Hồng Đạt: "Với tôi, hội họa là nguồn sống!"

15:15, Thứ Tư, 30-11-2022

Bên dòng Gianh xinh đẹp, một cô giáo vẫn miệt mài với nghề dạy học và lặng lẽ đắm say cùng nét cọ màu sắc để vẽ nên những tâm tư và ước niệm của mình về cuộc sống. Đó là cô giáo Phạm Thị Hồng Đạt (SN 1988, xã Quảng Trường, Quảng Trạch), hiện nay là giáo viên mỹ thuật Trường tiểu học và THCS Quảng Trường-nữ hội viên duy nhất của Phân hội Mỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Quảng Bình. “Tôi đến với mỹ thuật không có truyền thống, trong dòng họ cũng chưa có ai làm công việc liên quan đến nghệ thuật. Chỉ là đến với mỹ thuật bắt nguồn từ mong ước của cha tôi, bởi ông không muốn con gái mình phải lặn lộn nhọc nhằn với cuộc sống...", chị tâm sự.

Chị không nghĩ mình sẽ gắn với nghề giáo và trở thành một họa sĩ. Khi bắt đầu học tại Trường đại học Nghệ thuật Huế, chuyên ngành hội họa, chị đã tìm thấy đam mê và nhận ra “Hội họa là nguồn sống của chính mình”. Mong muốn khám phá kỹ thuật, chất liệu, đường nét, sắc màu và càng về sau, cho đến lúc này, hội họa với chị như là hơi thở và một phần của đời sống, trở thành nỗi thường trực trong tâm trí và cảm xúc bởi “Rất yêu, rất thích và cũng rất thao thức!”.
 
Nghề dạy học và bộn bề lo toan cuộc sống gia đình cứ cuốn chị đi theo năm tháng. Rồi chị nhận ra khoảng vắng trong tâm hồn khi không thể bày tỏ thành lời, vậy là lại tìm đến vẽ tranh như là nơi tìm thấy được bản ngã của chính mình. Những khó khăn đối với một người phụ nữ muốn thực hiện đam mê của riêng mình là không dễ. Là giới nữ, việc dành thời gian cho sáng tác vô cùng khó khăn. Thời gian trong ngày đa số dành cho công việc trường lớp và chăm sóc gia đình, con cái cùng vô số công việc khác. Chỉ khi rãnh rỗi hoặc đêm về, chị mới dành một chút thời gian ngắn ngủi cho đam mê, để tiếp tục giữ lửa sáng tạo và nuôi lớn cảm xúc tâm hồn.
 
Chị chia sẻ: “Một người phụ nữ có gia đình với bộn bề công việc thì có lẽ như là đương nhiên, nhiều người trong số đó đã không dám nghĩ đến những khao khát đam mê của mình, đã rất nhiều người từ bỏ, rất nhiều người phải “quên” đi, thay đổi để cho hợp với thực tế cuộc sống”. Nhưng với bản năng và khát khao sáng tạo, chị đã vượt qua hoàn cảnh để bày tỏ sự lấp lánh của màu sắc và chuyển biến tung tẩy qua từng nét cọ. Ở đó, chị là một nghệ sĩ thỏa sức bay bổng với những ý tưởng và cảm xúc để thao thức đi qua miền ký ức ẩn sâu trong tâm hồn mình. Chị tìm thấy sự cân bằng và tiếp tục hành trình cuộc sống trong ngày mới.

Cô giáo, hoạ sĩ Phạm Thị Hồng Đạt.

Chị sáng tác với nhiều chất liệu, như: Sơn mài, lụa, màu nước, sơn dầu và acrylic… về nhiều đề tài và thể loại, như: Tĩnh vật, phong cảnh, chân dung, đời sống… mang đôi chút hoài niệm về ký ức tuổi thơ, kỷ niệm thời gian đi qua với dấu tích rêu phong trên những đồ vật cũ, công trình cổ…
 
Năm 2012, lần đầu tiên chị tham gia Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung tại Hà Tĩnh (theo đơn vị Hội VHNT Quảng Bình), từ đó như tiếp thêm cảm hứng, chị sáng tác nhiều hơn, đi vào chiều sâu nội tâm với các tác phẩm được lựa chọn trưng bày triển lãm. Chị luôn muốn thực hiện ngay tác phẩm khi có ý tưởng, bởi vì: “Cái nghiệp vẽ có khi tự nhiên nghĩ ra cái ý tưởng hay, muốn thực hiện liền kẻo trôi qua mất, bởi vì sợ nỗi lo cuộc sống cơm áo lại đến, sợ ý tưởng lại…âm thầm ra đi, khó có thể quay về”.
 
Chị cũng đã tham gia 2 trại sáng tác VHNT và tìm thấy nhiều cảm xúc, thử nghiệm ngôn ngữ tạo hình mới lạ với nhiều tác phẩm về di sản văn hóa Chăm pa. Có lẽ, chất màu thời gian và trầm tích văn hóa rất phù hợp với tâm hồn nhiều hoài niệm, yêu mến trân quý những điều xưa cũ của chị. Nữ họa sĩ cũng tích cực trong việc tham gia các hoạt động VHNT của tỉnh nhà, của phong trào sáng tác mỹ thuật, như: Trưng bày, triển lãm, sáng tác hưởng ứng các cuộc vận động…
 
Tạo hình trong tranh mang đặc trưng của nữ tính với sự nồng nàn của màu sắc, dạt dào cảm xúc và nhẹ nhàng đường nét. Nếu như ở các tác phẩm sơn mài của chị là sự dạt dào cảm xúc với tạo chất và màu cá tính thì ta lại thấy sự nền nã, nội tâm trong những tác phẩm về lụa. Biểu cảm lụa của chị là sự hoài cảm về thời gian, những hoài niệm về cuộc sống. Một khung cửa rêu phong, một mái ngói thâm nâu gợi nên nhiều miền cảm xúc.
 
Nhiều tác phẩm tĩnh vật chất liệu sơn dầu và acrylic khá thành công khi diễn tả được chất liệu và sự hoài cảm. Những khung cảnh yên bình, góc quê nơi chị đang sinh sống cũng thường được chị thể hiện. Những ngày rong ruổi kí họa, trực họa bên cánh đồng lúa xanh mướt soi mình bên dòng sông để lại ấn tượng và rung cảm mênh mang trong tâm hồn chị.
 
“Một người họa sĩ bình thường khi vẽ cần được yên tĩnh, cần được đắm mình vào dòng miên man cảm xúc, cần được có thời gian để thể hiện cho hết cái ý. Riêng người phụ nữ, phải dùng đến từ khát khao bởi lẽ họ ước ao vứt bỏ được hết mớ hỗn độn vụn vặt của cuộc sống, quên đi tất cả khi đối diện với tấm toan trắng. Nếu không chắc có lẽ chẳng bao giờ người đàn bà có dịp để vẽ”, nữ họa sĩ chia sẻ.
 
Cô giáo, nữ họa sĩ Phạm Thị Hồng Đạt với tâm huyết của một nhà giáo và trách nhiệm của một hội viên Hội VHNT Quảng Bình, mong muốn có nhiều tác phẩm có chất lượng hơn nữa tham gia các hoạt động nghệ thuật trong khu vực và toàn quốc; được góp phần công sức vào việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương thông qua các tác phẩm của mình.
 
Tương lai gần, chị hy vọng có thể tham gia nhiều triển lãm các nhóm hoặc tổ chức triển lãm cá nhân, bởi với chị: “Tình yêu hội họa trong tôi như là nguồn sống, nhờ có hội họa mà tôi cân bằng cuộc sống rất nhanh. Nhờ có hội họa, tôi mới quên đi những muộn phiền, lo nghĩ... Chỉ cần ngồi xuống vẽ, tôi quên hết thế giới ngoài kia, thật yên bình đến lạ lùng!”.
 
 

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập