Chi tiết bài viết

Người trưởng ban hết lòng với đồng bào dân tộc thiểu số

14:19, Thứ Năm, 9-3-2023

Trong suốt quá trình công tác của mình, đặc biệt là trong 13 năm đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, bước chân của ông Đặng Văn Đệ, nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh (1995-2008) đã in dấu ở hầu hết các bản làng xa xôi của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) bên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Dấu ấn của ông để lại không chỉ là những công trình dân sinh làm đổi thay đời sống của đồng bào mà còn là những tình nghĩa mà đến nay, mặc dù đã nghỉ hưu hơn 15 năm, nhắc đến ông, bà con vẫn nhớ như in…

Dấu ấn trên những công trình dân sinh
 
Từ chỗ sống du canh du cư, gắn liền với phương thức sản xuất nương rẫy “phát, đốt, cốt, trỉa”, hơn 20 năm nay, đồng bào Bru-Vân Kiều ở bản Khe Giữa (xã Ngân Thủy, Lệ Thủy) đã sản xuất được 2 vụ lúa nước, ổn định nguồn lương thực. Đồng bào nơi đây bảo, họ có được cuộc ổn định, đổi thay như ngày hôm nay, một phần cũng nhờ “đập thủy lợi ông Đệ” (bà con vẫn gọi như vậy) mang lại.
 
Theo ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, đây là công trình thủy lợi do Ban Dân tộc-Miền núi (nay là Ban Dân tộc) tỉnh đầu tư cách đây hơn 20 năm trước theo Chương trình 135 và đến nay vẫn đang phát huy hiệu quả. Công trình thủy lợi này hiện đang cung cấp nước tưới cho hơn 8ha lúa nước sản xuất 2 vụ của bà con.
 
Đập thủy lợi Khe Giữa chỉ là một trong nhiều công trình dân sinh được Ban Dân tộc tỉnh đầu tư ở vùng DTTS, góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào. Có thể kể tên một số công trình tiêu biểu, như: Đập thủy lợi Rào Trù-Rào Đá (xã Trường Xuân, Quảng Ninh); đập thủy lợi Cây Bông (xã Kim Thủy, Lệ Thủy); dự án nuôi cá nước ngọt ở bản Hóa Lương (xã Hóa Sơn, Minh Hóa)…

Ông Đặng Văn Đệ, nguyên Trưởng ban Dân tộc-Miền núi (nay là Ban Dân tộc) tỉnh

Trong rất nhiều công trình, dự án được đầu tư ở vùng DTTS, có một dự án đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến sự “tồn vong” của một tộc người “có nguy cơ bị biến mất”, đó là dự án bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Rục (xã Thượng Hóa, Minh Hóa). Đây được xem là dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất của tỉnh (32 tỷ đồng) vào thời điểm đó, được giao cho Ban Dân tộc-Miền núi tỉnh thực hiện và mang dấu ấn đậm nét của ông Đặng Văn Đệ.

Nhớ lại quá trình thực thi dự án, ông Đệ kể rằng: “Năm 2002, tôi với anh Mai Xuân Thu (lúc đó là Chánh Văn phòng UBND tỉnh) được giao nhiệm vụ ra Hà Nội gặp các bộ, ngành Trung ương trình bày dự án để xin vốn. Nhận nhiệm vụ chúng tôi lo lắm, bởi đây là một dự án lớn, có ý nghĩa “tồn vong” đối với đồng bào Rục.

Chính vì vậy, trước khi lên đường, chúng tôi đã chuẩn bị rất chu đáo các tài liệu liên quan. Nhờ đó, trước những đề xuất rất thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc, các bộ, Trung ương đã đồng ý cho Quảng Bình triển khai thực hiện dự án. Cũng nhờ có số vốn đầu tư lớn từ Trung ương, một con đường từ đường Hồ Chí Minh vào các bản người Rục đã được mở và nhiều công trình phúc lợi, dân sinh đã được đầu tư, cuộc sống của đồng bào được đổi thay hoàn toàn…”.

Và những trăn trở…
 

Trong suốt quá trình công tác, đặc biệt là trong 13 năm đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, bước chân của ông Đệ đã in dấu ở hầu hết các bản làng xa xôi của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Đó là 18 bản của người Ma Coong ở xã biên giới Thượng Trạch (Bố Trạch); là các bản Dộ-Tà Vờng, Lòm của người Mày, người Khùa ở xã Trọng Hóa (Minh Hóa) và đặc biệt là bản Dốc Mây của người Bru-Vân kiều ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh) nằm giữa rừng sâu, sát biên giới Việt Lào.
 
Chia sẻ với phóng viên, ông Đặng Văn Đệ cho biết, sau mỗi chuyến đi như vậy, ông rất trăn trở khi đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là một số tập quán còn lạc hậu... Ông bảo, hơn 13 năm gắn bó với đồng bào DTTS, ông đau đáu nhất là tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng các DTTS.
 
Ông Đặng Văn Đệ (SN 1948), nguyên Trưởng ban Dân tộc-Miền núi (nay là Ban Dân tộc) tỉnh từ năm 1995-2008. Trước khi chuyển về Ban Dân tộc tỉnh, ông là Phó Giám đốc Sở Thủy lợi. Từ năm 2008, ông Đệ nghỉ hưu và hiện đang sinh sống ở xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới).

“Do phong tục tập quán, đồng bào DTTS muốn con mình kết hôn sớm để có người làm nương rẫy, nhưng không hiểu hết những hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đặc biệt là người Rục, Arem, Mã Liềng; là những tộc người được bảo tồn, cần tăng dân số, nhưng mỗi lần nhận thông tin họ thêm một nhân khẩu là chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì họ đang phát triển nhưng lo là đứa trẻ sinh ra có cùng huyết thống hay không…”, ông Đệ tâm sự.
 
Theo ông Đệ, với vai trò của một người lãnh đạo, ông đã chỉ đạo những cán bộ của ban đã bám bản “3 cùng” với đồng bào, phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quyết tâm giúp đồng bào xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Nhờ đó, những năm sau, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm.
 
Đến nay, mặc dù đã nghỉ hưu tròn 15 năm nhưng sâu thẳm trong lòng ông Đặng Văn Đệ vẫn dành một tình cảm đặc biệt đối với đồng bào các DTTS bên dãy Trường Sơn. Ông bảo, bản thân vẫn thường xuyên theo dõi đời sống của đồng bào và rảnh rỗi vẫn thực hiện những chuyến đi đến các bản làng của bà con.
 
Ông rất vui vì tại nhiều bản làng bây giờ, cuộc sống của bà con đã đổi thay rõ nét. Nhưng ông cũng rất trăn trở vì còn những bản làng, do các điều kiện khách quan, đến nay, cuộc sống của đồng bào vẫn rất khó khăn, nhiều hủ tục vẫn còn tồn tại, bản sắc văn hóa của bà con bị mai một!

Theo Báo Quảng Bình 

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập