Chi tiết bài viết

Mẹ Diệu

9:57, Thứ Hai, 20-3-2023

Công việc thường nhật của mẹ Diệu bắt đầu khi con gà rừng phía đỉnh núi Thần Đinh te te gáy và kết thúc khi những học sinh Bru-Vân Kiều khắp các bản thuộc xã Trường Xuân (Quảng Ninh) trở về nhà. Ngót nghét gần 20 năm nay, bà mẹ người Kinh này đã giúp các thế hệ học sinh Bru-Vân Kiều được no bụng để theo học cái chữ Bác Hồ bằng những bữa ăn “ấm nghĩa, ấm tình”.

Gói mì tôm tiếp sức đến trường
 
Mẹ Diệu tên đầy đủ là Trần Thị Diệu (SN 1971), gốc gác xã Hiền Ninh. Năm 1989, chị tham gia phong trào kinh tế mới lên vùng gò đồi xã Trường Xuân. Tại đây chị gặp và lập gia đình với anh Võ Thành Đồng, hiện tại là Phó Chủ tịch UBND xã.
 
Nhớ lại những năm 1989-1990, chị Trần Thị Diệu chia sẻ: “Nhà nghèo... lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Được cấp đất làm nhà sát trường học, mình đã nghèo, thấy học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc Bru-Vân Kiều đến từ các bản xa xôi Nà Lâm, Hang Chuồn, Khe Ngang, Khe Dây, Lâm Ninh... quá khổ. Các con ra trung tâm xã học chữ, vượt con dốc Ma Nang cao vời vợi hay đi đò ngang sang sông Long Đại, bụng đói meo, thì làm chi còn tâm trạng học hành. Từ muôn trùng khó khăn, tôi bàn với chồng (lúc này đang là Bí thư Đoàn xã) vận động mua mì tôm, giúp các cháu học sinh Bru-Vân Kiều có một bữa ăn nhẹ giữa trưa”.
 
Thầy giáo Trương Văn Sỹ, Phó hiệu trưởng Trường THCS xã Trường Xuân chia sẻ: “Không như học sinh dưới xuôi, những đứa trẻ Bru-Vân Kiều đến trường là cả một vấn đề. Vận động được một học sinh dân tộc thiểu số đi học là cả một niềm vui, hạnh phúc. Nhưng đồng bào nghèo, lấy chi lo cho con cái ăn buổi sáng. Vì thế, các con phần lớn là sáng nhịn đói, vượt 5 cây số, thậm chí gần 10 cây số leo dốc Ma Nang, con dốc cao nhất của xã. Ngồi học, bụng sôi réo rắt... thì làm sao cái chữ vào được trong đầu. May mắn cho thầy và trò chúng tôi khi chị Trần Thị Diệu tiếp sức... dù chỉ là một gói mì tôm”.
 
Từ những gói mì tôm ban đầu, bếp ăn mẹ Diệu lan tỏa tình yêu thương khắp cộng đồng, đến năm 2005, Chương trình 135 chính thức hỗ trợ một bữa ăn trưa cho học sinh Bru-Vân Kiều xã Trường Xuân 3.000 đồng, sau đó tăng lên 7.000 đồng.

Bếp ăn của mẹ Diệu “tiếp lửa” giúp học sinh Bru-Vân Kiều xã Trường Xuân đến trường chuyên cần hơn

Với mức hỗ trợ 7.000 đồng, những năm 2005-2009, chị Trần Thị Diệu đau đáu: “Phải làm sao cho các con có được một bữa ăn trưa đàng hoàng, có cơm trắng, cá, canh chặt bụng, để chúng an tâm học lấy con chữ”. Và thế, bếp ăn của bà mẹ người Kinh Trần Thị Diệu chuyên phục vụ cho những đứa trẻ-học sinh Bru-Vân Kiều hình thành... tiếp tục cho đến nay.
 
No cái bụng, học chữ... để làm người có ích
 
Một buổi trưa tháng ba, chúng tôi đến thăm bếp ăn của chị Trần Thị Diệu. Khi tiếng trống trường vừa dứt, thoáng chốc đã thấy bọn trẻ xuất hiện. Bữa cơm được dọn ra trước khoảng sân nhà rộng rãi. Như người thân trong nhà, các em vào bếp phụ "mẹ" Diệu bưng bê cơm canh, thức ăn ra bàn.
 
Một dãy bàn dài, những đứa trẻ-học sinh Bru-Vân Kiều ngồi trật tự, ngay ngắn chuẩn bị ăn trưa. “Chúng con mời mẹ Diệu ăn cơm”, cô bé Bru-Vân Kiều có vẻ là “thủ lĩnh” lên tiếng mời mẹ Diệu trước khi dùng bữa. Tôi thấy rõ nụ cười thân mến trên gương mặt chị Trần Thị Diệu dành cho từng đứa trẻ... con nuôi của mình.
 
Sau bữa cơm trưa, phần lớn bọn trẻ quay trở lại trường, một vài em thuộc “ca trực” ở lại giúp mẹ Diệu dọn dẹp, rửa chén bát. Cậu bé Hồ Văn Tuân (SN 2008) học lớp 9, con trai Hồ Nam, Bí thư Chi bộ bản Khe Ngang bảo: “Cháu được mẹ Diệu nấu cơm trưa từ năm lớp 6 đến tận bây giờ. Với chúng cháu, mẹ Diệu luôn động viên ăn cho chắc cái bụng, cố gắng học chữ, mai này làm người có ích quay về xây dựng bản làng. Cơm trắng mẹ Diệu không thiếu, chỉ sợ các con không đi học chuyên cần”.
 
Tôi hỏi: “Tuân và các bạn ăn có no không?”. Hồ Văn Tuân cười: “Ngon lắm! Ngon hơn ăn cơm ở nhà mình”. Hai chị em gái Hồ Thị Phương Thảo (lớp 9), Hồ Thị Khánh Huyền (lớp 7) đến từ bản Khe Dây góp chuyện: “Đi mô cũng nhớ bữa cơm mẹ Diệu nấu. Biết ơn mẹ Diệu, chúng cháu cố gắng chăm ngoan, học giỏi, phấn đấu trở thành người có ích để mẹ Diệu vui”.
 
Năm học 2022-2023, Trường THCS xã Trường Xuân có 154 học sinh, trong đó 80 em là học sinh Bru-Vân Kiều. Trên địa bàn xã Trường Xuân từ trước đến nay chưa tổ chức được bếp ăn bán trú cho trẻ, vì thế chị Trần Thị Diệu vẫn là bà mẹ “đỡ đầu” giúp trẻ đến trường chuyên cần vì “cái bụng đã được no”.
 
Hiệu trưởng Trường THCS xã Trường Xuân Trần Ngọc Thắng chia sẻ: “Với đặc thù một xã miền núi, kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đời sống nghèo khó, con em đến trường phần lớn nhờ sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Đối với học sinh Bru-Vân Kiều theo học tại trường, chúng tôi đang áp dụng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, ngày 27/8/2021 của Chính phủ với mức 745 nghìn đồng/tháng, trong đó trích ra 40% hỗ trợ tiền ăn với khoảng hơn 180 nghìn đồng/tháng. Với số tiền hạn hẹp này, nhìn đi nhìn lại chỉ có chị Trần Thị Diệu là lo cho các em được, vì thế nhà trường “chọn mặt gửi vàng” để xây dựng mô hình bếp ăn bán trú dân nuôi”.
 
“Gần 20 năm nay, bếp ăn của chị Trần Thị Diệu đã góp lửa, tiếp sức cho nhiều thế hệ học sinh Bru-Vân Kiều trên địa bàn xã an tâm đến trường và học tập chuyên cần hơn”, ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân khẳng định. Và tôi cũng cảm nhận được trọn vẹn tình cảm từ bà mẹ người Kinh Trần Thị Diệu qua từng bữa cơm “ấm nghĩa, ấm tình” dành cho những đứa con Bru-Vân Kiều ngày ngày đang theo học con chữ Bác Hồ.
 
Mẹ Diệu sẽ ấm lòng hơn khi điểm danh đủ 80 gương mặt trẻ thơ... Bâng khuâng buồn mỗi khi thiếu vắng một vài đứa con thân yêu của mình.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập