Chi tiết tin
Nỗ lực giảm nghèo bền vững
Công tác giảm nghèo luôn được Đảng bộ, chính quyền huyện Minh Hóa quan tâm và thực hiện có hiệu quả bằng những chương trình, dự án hỗ trợ tạo sinh kế, đào tạo nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho người dân... Nhờ vậy, nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện đã có điều kiện phát triển kinh tế ổn định, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.
Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Tiến Dũng cho biết, huyện xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Những năm qua, huyện Minh Hóa đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện có hiệu quả các nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Minh Hóa đã đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và hỗ trợ nhân rộng mô hình giảm nghèo. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và người dân về công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm.
Huyện tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời các chính sách hiện hành và các chính sách mới đặc thù để hỗ trợ hộ nghèo sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, như: Giao đất giao rừng, kinh phí khoanh nuôi bảo vệ rừng, giống cây lâm nghiệp, kinh phí tạo đất sản xuất lương thực; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương và giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao… để tạo tiền đề cho hộ nghèo khắc phục những khó khăn trước mắt, vươn lên thoát nghèo.
Được sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Minh Hóa đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập.
Cách đây hơn chục năm về trước, như nhiều hộ gia đình khác ở bản K-Ai, xã Dân Hóa, gia đình ông Cao Xuân Xiêm cũng thuộc diện hộ nghèo. Nhưng được sự hỗ trợ của chính quyền và các tổ chức đoàn thể, ông Xiêm dần làm chủ được kỹ thuật chăn nuôi bò và trồng rừng. Với tính cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, ông đã mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua con giống, mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, gia đình ông có gần 10ha rừng keo trồng và đàn bò hàng chục con mang lại thu nhập ổn định mỗi năm. Không riêng gì gia đình ông Xiêm, ở bản K-Ai cũng có nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống nhờ trồng rừng, chăn nuôi và nuôi ong lấy mật...
Chủ tịch UBND xã Dân Hóa Hoàng Thanh Bình chia sẻ, từ các chương trình, dự án giảm nghèo được triển khai hiệu quả, người dân được hỗ trợ tạo sinh kế, vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật... đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, mang lại thu nhập ổn định. Nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên thành hộ khá giả tại địa phương nhưng quan trọng nhất là tư duy của bà con đã thay đổi, thay vì ỷ lại Nhà nước, nay bà con đều có khát vọng vươn lên để làm chủ cuộc sống.
Bên cạnh đó, huyện Minh Hóa cũng thực hiện có hiệu quả công tác phát triển, đào tạo nghề cho đội ngũ lao động tại các địa phương. Trong năm 2024, toàn huyện đã mở 10 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho người lao động với 350 học viên tham gia. Huyện chú trọng tuyên truyền, giới thiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện đến tuyển lao động đi lao động có thời hạn ở ngoài nước theo hợp đồng; giải quyết việc làm trên 3.000 lao động. Hiện, trên địa bàn toàn huyện có gần 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngoài công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, huyện còn quan tâm hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi và hỗ trợ định hướng chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Từ năm 2021 đến nay, huyện Minh Hóa đã mở được hàng chục lớp dạy nghề nông thôn cho gần 1.500 lao động; trong đó đào tạo nghề phi nông nghiệp cho trên 300 lao động, nông nghiệp trên 800 lao động, có 180 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ tìm được việc làm sau học nghề đạt 70%.
Với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện miền núi Minh Hóa đã đạt được những kết quả tích cực. Đến hết năm 2024, toàn huyện hiện còn 1.872 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,06%; 2.421 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 16,89% (giảm 307 hộ nghèo, tỷ lệ giảm 2,23%, đạt 173% kế hoạch; giảm 103 hộ cận nghèo, tỷ lệ giảm 0,82%, đạt 28,93%).
Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Tiến Dũng cho hay, các địa phương trên toàn huyện sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời các chính sách hiện hành và các chính sách mới đặc thù để hỗ trợ hộ nghèo sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Đồng thời, rà soát, đánh giá lại cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động tại địa phương; đánh giá trình độ tay nghề, kỹ năng của người lao động đang tham gia các ngành kinh tế, từ đó có phương án đào tạo với quy mô và các ngành nghề phù hợp. Huyện tập trung hỗ trợ đào tạo cho lao động địa phương theo các ngành nghề trên cơ sở nhu cầu lao động phục vụ trong các ngành kinh tế, đặc biệt là lao động có tay nghề cho công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ-du lịch, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm tại chỗ. Ngoài ra, huyện liên hệ với các doanh nghiệp cung ứng lao động để tổ chức đào tạo, tuyển chọn lao động tại địa phương đi làm việc tại các nơi trong và ngoài tỉnh theo nhu cầu về lao động của các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất…
Theo Báo Quảng Bình
- Nữ cán bộ Đoàn năng động (25/03/2025)
- Thầy giáo Cao Văn Chương - người đảng viên trẻ gieo chữ trên vùng cao biên giới (24/03/2025)
- Cô giáo Lê Thị Lan, tấm gương sáng trong sự nghiệp “trồng người” (19/03/2025)
- Quảng Bình có 2 cán bộ Đoàn nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2025 (14/03/2025)
- Người cán bộ trách nhiệm với Nhân dân (07/03/2025)
- Khởi nghiệp từ mô hình trang trại tổng hợp (05/03/2025)
- Sức trẻ trên hành trình sáng tạo (05/03/2025)
- Gương sáng "Học sinh 3 tốt" (28/02/2025)
- Nữ anh hùng y tế Trương Thị Diên (26/02/2025)
- Người "giữ lửa" nghệ thuật bài chòi (19/02/2025)