Chi tiết tin
Người chiến sĩ trẻ góp phần gìn giữ văn hóa dân gian
Giữa thời đại công nghệ số phát triển như vũ bão, khi những giá trị truyền thống dần bị lãng quên, thì vẫn có những người âm thầm gìn giữ và lan tỏa vẻ đẹp của văn hóa dân gian. Chiến sĩ Hoàng Việt Anh – một người con của quê hương huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình – chính là một trong những tấm gương tiêu biểu như thế.
Gặp Hoàng Việt Anh, chiến sĩ nghĩa vụ phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Quảng Bình tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng Công an nhân dân lần thứ XIII năm 2025 tổ chức tại Thành phố Huế đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi không chỉ bởi sự tự tin, mộc mạc trên sân khấu mà còn là một hành trình thầm lặng gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Tại Hội diễn, Chiến sĩ Hoàng Việt Anh đã vinh dự khi nhận giải Chuyên đề “Diễn viên xuất sắc, triển vọng tài năng tham gia trong các thể loại nghệ thuật” và giải B tiết mục tự biên “Âm vang đại ngàn”.
Chiến sĩ Hoàng Việt Anh đã vinh dự khi nhận giải Chuyên đề “Diễn viên xuất sắc, triển vọng tài năng tham gia trong các thể loại nghệ thuật” và giải B tiết mục tự biên “Âm vang đại ngàn” tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng CAND lần thứ XIII, năm 2025
Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê giàu bản sắc văn hóa dân gian, nơi tiếng hò, điệu ví và những câu chuyện cổ vẫn được truyền miệng qua bao thế hệ, Hoàng Việt Anh từ nhỏ đã sớm hình thành tình yêu đặc biệt với văn hóa truyền thống. Không dừng lại ở việc cảm nhận, anh còn chủ động tìm hiểu, ghi chép và sưu tầm những làn điệu dân ca, những câu chuyện cổ tích, phong tục, tập quán… như một cách gìn giữ “hồn cốt” của làng quê trong tâm hồn người trẻ.
Trước khi nhập ngũ, Hoàng Việt Anh đã có một hành trình miệt mài sưu tầm, bảo tồn và truyền dạy văn hóa dân gian. Anh đã hiến tặng hàng trăm hiện vật quý cho Bảo tàng tỉnh Quảng Bình, Bảo tàng Quảng Trị, Huế và Phòng truyền thống huyện Minh Hóa. Mỗi hiện vật là một câu chuyện, một ký ức của vùng đất, con người được anh nâng niu, lưu giữ với tất cả tấm lòng.
Hoàng Việt Anh đã có một hành trình miệt mài sưu tầm, bảo tồn và truyền dạy văn hóa dân gian. Anh đã hiến tặng hàng trăm hiện vật quý cho Bảo tàng tỉnh Quảng Bình, Bảo tàng Quảng Trị, Huế và Phòng truyền thống huyện Minh Hóa.
Là người thông thạo nhiều nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, sáo trúc, đàn nhị, trống, sập xèng, thậm chí tự tay làm nên những cây đàn ống độc đáo –chiến sĩ Hoàng Việt Anh (áo đỏ) trở thành người “kể chuyện bằng âm nhạc”, đưa hồn quê lan tỏa khắp mọi miền.
Không dừng lại ở việc sưu tầm, Việt Anh còn là một người truyền lửa. Anh đã tham gia truyền dạy dân ca, hát sắc bùa – một nét đặc trưng của văn hóa vùng Minh Hóa – cho học sinh tại các trường học. Là người thông thạo nhiều nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, sáo trúc, đàn nhị, trống, sập xèng, thậm chí tự tay làm nên những cây đàn ống độc đáo – anh trở thành người “kể chuyện bằng âm nhạc”, đưa hồn quê lan tỏa khắp mọi miền. Không ít lần, Việt Anh đại diện tỉnh nhà tham gia các liên hoan dân ca, từ Quảng Bình đến TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và đạt được những thành tích đáng tự hào như giải A tại Liên hoan dân ca các tỉnh phía Nam, giải B tại Hà Nội, cùng nhiều giải cao tại các kỳ liên hoan cấp tỉnh.
Khi trở thành chiến sĩ nghĩa vụ, Hoàng Việt Anh vẫn không ngừng mang văn hóa dân gian đến gần hơn với đồng đội. Trong 3 tháng huấn luyện tân binh, anh liên tục tham gia các chương trình văn nghệ, đóng góp tiết mục đặc sắc và được tặng giấy khen của Đoàn. Về đơn vị, dù công việc huấn luyện và sinh hoạt khắt khe, Việt Anh vẫn tranh thủ từng khoảng thời gian nghỉ để viết bài nghiên cứu văn hóa dân gian, tiếp tục biểu diễn và tham gia các chương trình truyền hình, nghệ thuật do Đài truyền hình và Đoàn nghệ thuật tỉnh tổ chức. Đặc biệt, trong thời gian quân ngũ, anh đã hai lần hiến tặng hơn 100 hiện vật quý cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình và được Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng giấy khen như ghi nhận tấm lòng và công sức của một người trẻ đầy đam mê với di sản.
Tại Hội diễn lần này, tiết mục độc tấu “Âm vang đại ngàn” do Hoàng Việt Anh thể hiện từ sáo và đàn ống do chính anh sưu tầm và phục dựng. Với cách thể hiện mộc mạc, truyền cảm cùng sự chân thành, anh đã góp phần đưa nét đẹp văn hóa quê hương đến gần hơn với bạn bè trong và ngoài lực lượng.
Chia sẻ về hành trình của mình, Hoàng Việt Anh khiêm tốn: “Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng nếu mình không giữ, không truyền lại thì một ngày nào đó những giá trị này sẽ mất đi. Mỗi lần hát dân ca hay chơi nhạc cụ truyền thống, sưu tầm cổ vật, tôi như được sống lại với tuổi thơ, với hồn quê và mong muốn các bạn trẻ cũng sẽ cảm nhận được điều đó.”
Chiến sĩ Hoàng Việt Anh không chỉ là một người giữ gìn hồn cốt dân tộc bằng tiếng hát, làn điệu và hiện vật truyền thống, mà còn là minh chứng sống cho hình ảnh người chiến sĩ Công an vừa “chuyên” trong công tác, vừa “hồng” trong tâm hồn văn hóa. Ở anh, người ta nhìn thấy một tình yêu sâu sắc với quê hương, với văn hóa dân tộc – như “một cánh én nhỏ” cùng góp phần làm nên mùa xuân, cùng đồng lòng, thống nhất ý chí vì tình yêu, trách nhiệm với văn hóa truyền thống của quê hương đất nước.
Theo Cổng Thông tin Điện tử Công an Tỉnh Quảng Bình
- "Thủ lĩnh" thôn Lâm Lang (11/04/2025)
- Đảng viên hưu trí, ý chí không sờn (08/04/2025)
- Mô hình nuôi lươn không bùn tại xã miền núi Ngân Thủy (08/04/2025)
- Hiệu quả từ mô hình nuôi chồn hương (03/04/2025)
- Hồ Đoàn Ngọc Trinh - Cô học trò đa tài (31/03/2025)
- Vượt khó làm giàu (28/03/2025)
- Người lính cứu hoả vì Nhân dân phục vụ (27/03/2025)
- Cậu học trò đam mê Tin học (26/03/2025)
- Bí thư Chi bộ bản K-Rét gương mẫu, năng động (26/03/2025)
- Nỗ lực giảm nghèo bền vững (26/03/2025)