Chi tiết bài viết

Tăng cường công tác giám sát khai thác sử dụng nước theo chính sách pháp luật

17:4, Thứ Hai, 13-6-2022

(Quang Binh Portal) - Hiện nay, có hơn 15 nghìn công trình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước đã được quản lý từ Trung ương đến địa phương thông qua biện pháp, công cụ cấp phép. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên nước phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước bước đầu nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước.

 

Riêng đối với tỉnh Quảng Bình hiện có khoảng 150 hồ chứa, 95 đập dâng, trong đó hầu hết khai thác nước cho sản xuất nông nghiệp, một số hồ chứa có mục đích cấp nước cho sinh hoạt (hồ Phú Vinh, Sông Thai, Thác Chuối). Toàn tỉnh có 38 trạm bơm, trong đó khai thác nước cho sản xuất nông nghiệp có 26 công trình, 01 công trình cấp nước công nghiệp và 11 công trình cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân.

Trong số 283 công trình khai thác nước mặt, có 21 công trình khai thác trên dòng chính, cụ thể: Trên dòng chính sông Rào Trổ (huyện Tuyên Hóa) có 01 công trình khai thác nước mặt phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt; dòng chính sông Gianh có 01 công trình khai thác nước mặt phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất trong khu vực thị trấn Đông Lê và vùng lân cận thuộc huyện Tuyên Hóa; trên sông Kiến Giang có 15 công trình khai thác nước mặt phục vụ nước sinh hoạt, nước sản xuất; dòng chính sông Dinh (huyện Bố Trạch) có 03 công trình khai thác nước mặt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt; dòng chính Sông Nan (huyện Minh Hóa) có 01 công trình khai thác nước mặt.

Hiện nay, nhu cầu khai thác nước mặt của tỉnh khoảng 2.317.050 m3/ngày đêm, tương ứng với tổng lượng nước hơn 845,7 triệu m3/năm. Đây là lượng khai thác chiếm 6,78% tổng lượng nước đến của vùng, trong đó sông Nhật Lệ đang được khai thác nhiều nhất chiếm 45,03% tổng lượng nước khai thác toàn vùng, sông Gianh chiếm khoảng 20,13%, sông Roòn chiếm 12,84%, sông Dinh chiếm 11,31%, sông Lý Hòa chiếm 10,68%.

Để tăng cường công tác giám sát khai thác sử dụng nguồn nước theo chính sách pháp luật, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình phổ biến pháp luật về tài nguyên nước; công khai thông tin về các cơ sở gây ô nhiễm và nguồn nước bị ô nhiễm cho Nhân dân để theo dõi, giám sát hoạt động bảo vệ nguồn nước; điều tra, đánh giá tài nguyên nước tập trung những vùng đang và có nguy cơ thiếu nước, khu vực có nhu cầu khai thác nước tăng mạnh trong kỳ quy hoạch; đánh giá tài nguyên nước theo định kỳ; kiểm kê hiện trạng khai thác sử dụng nước; nâng cấp hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, gắn với cơ sở dữ liệu về môi trường, đất đai và các lĩnh vực khác thuộc phạm vi quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường, bảo đảm tích hợp với hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường của Trung ương.

Ngoài ra, định kỳ rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu thực tế; xây dựng chương trình giám sát và báo cáo về tình hình khai thác sử dụng tài nguyên nước trên các khu vực thuộc địa bàn tỉnh; kiểm tra thường xuyên, phát hiện tổ chức cá nhân khai thác nước mặt chưa có Giấy phép hoặc chưa đăng ký; hoàn tất việc đăng ký, cấp phép, xử lý đối với các công trình khai thác tài nguyên nước đã có để đưa vào quản lý theo quy định; xây dựng mạng quan trắc giám sát khai thác sử dụng tài nguyên nước, sử dụng công nghệ tự động và truyền số liệu kỹ thuật số từ các trạm quan trắc về trung tâm quản lý dữ liệu; sử dụng công nghệ định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) kết hợp với các công cụ ứng dụng hệ thống thông tin địa lý; công nghệ phân tích ảnh viễn thám; triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu để phòng, chống, giảm nhẹ tác động của hạn hán cũng như sử dụng biện pháp tiết kiệm nước trong nông nghiệp

Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, cấp Giấy phép về tài nguyên nước để nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cơ quan quản lý tài nguyên nước ở các địa phương và ý thức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, góp phần đưa công tác quản lý tài nguyên nước vào nề nếp. Bên cạnh đó, việc thu, quản lý, sử dụng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; chính sách ưu đãi các hoạt động đầu tư cung cấp nước sinh hoạt, thu gom, xử lý nước thải và các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, cải thiện và nâng cao chất lượng nước; chính sách thu hút huy động các nguồn lực tài chính từ mọi thành phần trong xã hội; chính sách bảo đảm hài hòa giữa trách nhiệm với lợi ích, giữa khai thác với bảo vệ tài nguyên nước.

Đặc biệt, các địa phương, chủ hồ phải lắp đặt thiết bị, camera giám sát, truyền thông tin, dữ liệu hồ chứa như mực nước hồ, lưu lượng xả nước, lưu lượng xả dòng chảy tối thiểu để cung cấp kịp thời thông tin, số liệu vận hành phục vụ công tác quản lý, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

PV ĐHà

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập