Chi tiết bài viết

Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo

14:13, Thứ Tư, 22-6-2022

(Quang Binh Portal) - Nhằm khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh sinh thái môi trường vùng bờ, thời gian qua, Quảng Bình đã triển khai thực hiện nghiêm túc công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo trên địa bàn và đạt được những kết quả tích cực. 

Trong giai đoạn 2016 - 2021, hoạt động tuyên truyền, phổ biến về biển, đảo đã được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức qua nhiều hình thức phong phú, thông tin đến từng đối tượng, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trên địa bàn tỉnh; phổ biến tình hình tuyến biên giới Việt Nam - Lào và biển Đông trong giai đoạn hiện nay; tuyên truyền về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và theo quy định (IUU)… Sở Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể, địa phương thực hiện nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, hưởng ứng Chiến dịch "Hãy làm sạch biển". Các hoạt động đã được thực hiện trên quy mô toàn tỉnh với những nội dung thiết thực, huy động sự tham gia rộng rãi của cả hệ thống chính trị, tổ chức cộng đồng và tầng lớp Nhân dân.

Bên cạnh đó, địa phương cũng thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và nhiều chương trình, kế hoạch phát triển du lịch quan trọng khác để làm cơ sở huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch vùng biển, ven biển; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu nghỉ dưỡng, giải trí thể thao tại điểm du lịch bãi biển Bảo Ninh, Nhật Lệ - Quang Phú, Đá Nhảy, khu dọc bờ biển từ Hải Ninh đến Hồng Thủy; kêu gọi, triển khai đầu tư nhiều dự án mới về cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp ven biển; tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; xây dựng, phát triển nhiều điểm du lịch biển mới với chất lượng tốt, kết hợp có hiệu quả với du lịch hang động, lịch sử, tâm linh trên địa bàn tỉnh để mở rộng các tuyến, nâng cao hiệu quả của du lịch biển. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với du lịch biển được đầu tư về nội dung, đi vào chiều sâu và chuyên biệt hóa cho từng phân khúc thị trường mang lại hiệu quả cao; nhiều sản phẩm, loại hình du lịch biển không ngừng nâng cao chất lượng đã thu hút lượng lớn khách du lịch đến tỉnh.

Mặt khác, Quảng Bình cũng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển thủy sản, khuyến khích, hỗ trợ khai thác và dịch vụ khai thác trên các vùng biển xa; triển khai công tác chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và theo quy định, tháo gỡ Thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu, kiện toàn Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá phù hợp với tổ chức của cơ quan, đơn vị, quy định của pháp luật và đặc điểm, tình hình nghề cá của tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh cũng tập trung quy hoạch hệ thống cảng biển. Toàn tỉnh có các bến cảng: Cảng Gianh, bến cảng xăng dầu sông Gianh, cảng Hòn La và bến cảng Thắng Lợi. Trong những năm qua, các chỉ tiêu về cảng biển đều tăng trưởng mạnh, số lượng hàng hóa và lượt tàu qua cảng đều tăng. Địa phương đã có 03 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đi vào hoạt động, gồm khu neo đậu tránh trú bão cửa Ròon, cửa Gianh, Nhật Lệ và 02 cảng cá là cảng cá Nhật Lệ, cảng cá sông Gianh đã giải quyết, đáp ứng một phần nhu cầu bóc dỡ hàng hóa, dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân, đồng thời đang xây dựng bến chợ thủy sản Quảng Phúc, khu neo đậu tránh trú bão Bắc Sông Gianh. Hiện, tỉnh đang tiếp tục tập trung nâng cấp, hoàn thiện các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cho tàu cá và củng cố các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, sản xuất ngư lưới cụ, trang thiết bị khai thác trên tàu cá... theo hướng hiện đại, đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế biển.

Ngoài ra, địa phương cũng đang tập trung thực hiện Dự án Bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình, trong đó trồng mới và chăm sóc 1.300 ha rừng pḥòng hộ, ưu tiên trồng mới rừng cát ven biển với các loại cây như phi lao, keo lá tràm; thực hiện Dự án Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển, qua đó trồng mới 1.458 ha và phục hồi 1.625 ha rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn; bảo vệ 1.153 ha rừng ven biển thông qua hình thức giao rừng cho nhóm hộ/cộng đồng quản lý lâu dài theo cơ chế đồng chia sẻ lợi ích.

Tuy nhiên, chất lượng xây dựng quy hoạch, kế hoạch chi tiết phát triển kinh tế biển và các vùng ven biển còn hạn chế. Vốn đầu tư thực hiện chương trình, dự án, xây dựng các công trình kinh tế trọng điểm tại vùng biển và ven biển còn thiếu; đặc biệt là vốn cho công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, quan trắc môi trường biển, quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ, tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ các nguồn tài nguyên và môi trường biển. Bên cạnh đó, vùng ven biển là nơi chịu tác động lớn do thiên tai gây ra như bão, áp thấp nhiệt đới, nước biển dâng... Sạt lở các bờ sông, cửa biển, bồi lắng làm thay đổi cửa sông đang diễn ra ngày một nghiêm trọng gây thiệt hại lớn cả về tính mạng, tài sản của Nhân dân. Thế nhưng, vốn đầu tư cho các công trình đê kè ven sông, biển còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu. Cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu và bốc dỡ hàng hóa của ngư dân; các hệ sinh thái tự nhiên tốt cho nơi cư trú, sinh sản của các loài hải sản như: rạn san hô, cỏ biển, vùng đất ngập nước, rừng ngập mặn... còn chưa được điều tra, đánh giá đầy đủ.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo, thời gian tới, tỉnh sẽ đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển bền vững kinh tế biển, hải đảo; đồng thời, hỗ trợ các địa phương có biển trang thiết bị phù hợp với thực tiễn quản lý và bảo vệ biển, đảo trong tình hình mới; sớm hoàn thiện xây dựng, trình phê duyệt quy hoạch không gian biển Quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện; quan tâm, xem xét hỗ trợ tỉnh Quảng Bình triển khai Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển Hòn La, đường ven biển và 2 nhiệm vụ cấp bách là: “Điều tra, đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên, tài nguyên môi trường, tai biến thiên nhiên, kinh tế - xã hội, vùng ven biển và biển từ 0 - 30m nước các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế tỷ lệ 1/50.000 và các vùng trọng điểm 1/25.000”; nghiên cứu xác lập cơ sở khoa học phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu các vùng biển và hải đảo 02 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị theo hướng phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng”.

PV:NQ

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập