Chi tiết bài viết

Công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh ngày càng có hiệu quả và đi vào nề nếp

11:20, Thứ Tư, 19-10-2022

(Quang Binh Portal) - Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật (THPL), vì vậy, công tác theo dõi THPL trên địa bàn tỉnh ngày càng có hiệu quả và đi vào nề nếp. 

Việc ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành đã thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác theo dõi THPL, từ đó nâng cao vai trò, ý nghĩa và hiệu quả của hoạt động này trong quá trình THPL tại địa phương. Đặc biệt, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, công tác theo dõi tình hình THPL đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Có được kết quả đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp huyện chú trọng nâng cao vai trò và hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), trong đó có lĩnh vực theo dõi tình hình THPL; chỉ đạo Hội đồng Phối hợp PBGDPL, Ban Chỉ đạo các chương trình, đề án về công tác PBGDPL, cơ quan chuyên môn và UBND cấp huyện xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện công tác PBGDPL cụ thể, trong đó lồng ghép nội dung của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP để tuyên truyền, phổ biến thông qua các hình thức như tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, buổi sinh hoạt chuyên đề, cuộc họp giao ban, phát hành tờ rơi, tờ gấp và phối hợp đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng... 

Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành quyết định giao kế hoạch và phân bổ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, mỗi năm UBND tỉnh giao Sở Tư pháp tổ chức lớp tập huấn chuyên sâu công tác theo dõi THPL và xử lý vi phạm hành chính cho những người làm công tác này trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện cử báo cáo viên trực tiếp tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác theo dõi THPL theo quy định tại Nghị định 59/2012/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cử đại diện tham gia các lớp tập huấn công tác theo dõi tình hình THPL do Cục Quản lý Xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật - Bộ Tư pháp tổ chức.

Tổ chức bộ máy và số lượng biên chế phục vụ công tác theo dõi tình hình THPL cũng được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm sắp xếp, bố trí để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và theo dõi tình hình THPL theo từng lĩnh vực chuyên ngành. Trên cơ sở tổng biên chế được giao, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc, vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị, UBND tỉnh đã phân bổ biên chế cho các sở, ban, ngành và các địa phương trên địa bàn cơ bản phù hợp với tình hình thực tiễn trong bối cảnh tinh giản biên chế theo chủ trương chung. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã đã bố trí nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình THPL trong ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý.

Từ năm 2012 đến nay, đặc biệt là sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, công tác theo dõi tình hình THPL đã đạt được một số kết quả tích cực. Nghị định số 59/2012/NĐ-CP là cơ sở pháp lý quan trọng, giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác theo dõi tình hình THPL trong việc quản lý Nhà nước và xã hội; nâng cao vị trí, vai trò của công tác theo dõi tình hình THPL, thực hiện củng cố, kiện toàn các cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ này cũng như phát huy hiệu lực, hiệu quả công tác theo dõi tình hình THPL tại địa phương. Qua các hoạt động theo dõi tình hình THPL, cơ quan có thẩm quyền có thể đánh giá được sự kịp thời trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết các văn bản QPPL của Trung ương; đánh giá được mức độ đáp ứng nguồn nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất để thực thi pháp luật, qua đó có những biện pháp, chính sách cải thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác THPL tại địa phương. Qua theo dõi THPL nhằm đánh giá việc tuân thủ pháp luật của cá nhân, tổ chức, từ đó đánh giá thực chất hơn hiệu lực của pháp luật, những nội dung còn bất cập, vướng mắc, chồng chéo hoặc vấn đề, lĩnh vực chưa được pháp luật điều chỉnh, làm cơ sở cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời có giải pháp phù hợp để đảm bảo hài hòa, tính khả thi giữa công tác xây dựng pháp luật và công tác tổ chức thực hiện pháp luật.

Tuy nhiên, công tác theo dõi tình hình THPL vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế. Các quy định, hướng dẫn của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP còn chung chung, chưa phân định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn trong theo dõi tình hình THPL; chưa có những tiêu chí cụ thể để đánh giá tình hình THPL. Trong bối cảnh chung của bộ máy hành chính, biên chế địa phương hạn hẹp nên việc bố trí cán bộ gặp nhiều khó khăn, đội ngũ công chức được giao thực hiện nhiệm vụ theo dõi THPL vẫn còn thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn chưa đồng đều; chưa có biên chế chuyên trách…

Thời gian tới, ngoài những kiến nghị về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL ở Trung ương đảm bảo đồng bộ, thống nhất, mang tính khả thi cao; nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản pháp luật đảm bảo phù hợp với thực tiễn, kịp thời ban hành các văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành các luật mới, luật đã được sửa đổi, bổ sung để địa phương kịp thời ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành, tỉnh cũng kiến nghị Bộ Tư pháp tăng cường công tác tập huấn chuyên sâu về công tác theo dõi tình hình THPL cho địa phương để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác này tại địa phương, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác thi hành pháp luật trên địa bàn…

PV Hồng Lựu

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập