Chi tiết bài viết

Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho công chức, viên chức, người lao động và đông đảo quần chúng Nhân dân, đặc biệt đối tượng là phụ nữ

9:4, Thứ Ba, 15-11-2022

(Quang Binh Portal) - Thực hiện Chương trình phối hợp số 60/CTPH-BTP-HLHPNVN ngày 05/01/2018 giữa Bộ Tư pháp và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam về công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2018 - 2022 (Chương trình phối hợp), thời gian qua, Sở Tư pháp và Hội LHPN tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên đã phát huy đầy đủ vai trò, nâng cao trách nhiệm của ngành Tư pháp và các cấp Hội LHPN, tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhận thức và ý thức pháp luật đối với phụ nữ. Qua đó, tình hình vi phạm pháp luật của phụ nữ trên địa bàn tỉnh được giảm thiểu; vai trò, vị thế và sự ảnh hưởng của phụ nữ đến các thành viên trong gia đình được tăng cường.

Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp PBGGPL tỉnh, từ năm 2018 - 2022, Sở Tư pháp đã tổ chức 149 hội nghị, lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho trên 16.000 lượt cán bộ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung tuyên truyền hoặc lồng ghép tuyên truyền pháp luật và các chính sách của Nhà nước đối với phụ nữ; lồng ghép tuyên truyền PBGGPL, hòa giải ở cơ sở trong in ấn, phát hành trên 200.000 tài liệu tuyên truyền; thực hiện 69 Chuyên mục Pháp luật và Đời sống phát trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình, 53 Chuyên mục PBGDPL trên Báo Quảng Bình.

Nhằm tuyên truyền, PBGGPL nói chung, trong đó có pháp luật về công tác PBGDPL cho phụ nữ và hòa giải ở cơ sở, Sở đã cung cấp tài liệu PBGDPL, hòa giải ở có sở cho Hội LHPN; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động PBGDPL, tổ chức Cuộc thi Tìm hiểu pháp luật qua Trang Thông điện tử Sở Tư pháp Quảng Bình năm 2018 thu hút trên 1.000 người tham gia; tham mưu cho Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trực tuyến trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2020” 02 đợt thu hút trên 60.000 lượt thí sinh tham gia và Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về biên giới, hải đảo” trên địa bàn tỉnh năm 2021 với hơn 33.000 lượt thí sinh tham gia; đăng tải nhiều lượt tin, bài có nội dung tuyên truyền về công tác PBGDPL cho phụ nữ và hòa giải ở cơ sở trên Trang Thông tin điện tử của Sở Tư pháp, Facebook: Phổ Biến Pháp Luật (Quảng Bình) và Fanpage: PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT - Quảng Bình, Zalo: Phổ Biến Pháp Luật Quảng Bình; hàng tháng đều cung cấp tài liệu tuyên truyền trên loa truyền thanh ở cơ sở.

Hằng năm, Sở Tư pháp phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức kỷ niệm Ngày Pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bằng các hoạt động thiết thực, phù hợp với nhu cầu nhận thức của nhóm phụ nữ; đồng thời thường xuyên quan tâm công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở cho công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành, đặc biệt là phụ nữ bằng nhiều hình thức. Đến nay, toàn tỉnh có 1.234 tổ hòa giải với 8.242 hòa giải viên. Các tổ hòa giải được cơ cấu đầy đủ các thành phần như: Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Già làng, Trưởng bản, Trưởng ban Mặt trận, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và những người có uy tín, đủ năng lực được lựa chọn. Ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thành viên tổ hòa giải còn có đại diện là người dân tộc thiểu số. Mỗi tổ hòa giải có từ 05 - 07 tổ viên. Đa số có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên. 

Đối với hoạt động thực hiện công tác tư vấn pháp luật, trong 05 năm qua, Sở Tư pháp đã cấp Giấy đăng ký hoạt động cho 05 Trung tâm Tư vấn pháp luật và 02 Chi nhánh Trung tâm Tư vấn pháp luật; cấp hơn 30 Thẻ Tư vấn viên pháp luật. Hoạt động tư vấn pháp luật bao gồm giải đáp pháp luật, hướng dẫn ứng xử đúng pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý nhằm giúp công dân, tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Thông qua đó đã giúp nâng cao hiểu biết của người dân về quyền và nghĩa vụ công dân cũng như ý thức chấp hành pháp luật cho người dân; góp phần tuyên truyền, phổ biến, giải thích pháp luật; giảm bớt thời gian khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng thời tăng cường đoàn kết trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, trong thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL), từ năm 2028 - 2022, Sở Tư pháp đã cung cấp các dịch vụ TGPL miễn phí, thực hiện hoàn thành TGPL 1.009 vụ việc cho 1.009 người được TGPL, trong đó có 268 vụ việc cho 268 người thuộc diện được TGPL là nữ. Đối với công tác truyền thông TGPL, Sở cũng đã chú trọng tăng cường và đa dạng các hình thức truyền thông về TGPL về tận cơ sở cho người dân giúp nâng cao nhận thức, giúp người dân hiểu về quyền được TGPL và sử dụng quyền được TGPL để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. 

Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp vẫn còn gặp một số tồn tại, hạn chế, đó là: Lãnh đạo một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác PBGDPL, TGPL, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật; một bộ phận cán bộ, Nhân dân nhận thức, chấp hành pháp luật về bình đẳng giới còn hạn chế, chưa quan tâm đến giá trị của nhận thức pháp luật; việc thực hiện Chương trình vẫn chưa thường xuyên, liên tục; một số nội dung của Chương trình được thực hiện hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là do công tác chỉ đạo, hướng dẫn Hội LHPN, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố thực hiện Chương trình phối hợp chưa được thường xuyên; đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn, cản trở trong việc thực hiện Chương trình; việc phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu nghiên cứu, ấn phẩm báo chí, tài liệu tuyên truyền giữa hai ngành đôi khi chưa kịp thời; một bộ phận cán bộ, Nhân dân chưa có ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc học tập, nghiên cứu pháp luật, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế…

Để các hoạt động phối hợp giữa hai ngành Tư pháp và Hội LHPN đạt kết quả cao, thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, TGPL cùng vấn đề về bình đẳng giới giúp cho công chức, viên chức, người lao động và đông đảo quần chúng Nhân dân, để từ đó mỗi cá nhân nhận thức đúng đắn, có ý thức thực hiện đúng quy định của pháp luật; tăng cường sự phối hợp giữa 02 ngành nhằm tiếp tục thực hiện công tác PBGDPL, TGPL, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giúp nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho công chức, viên chức, người lao động và đông đảo quần chúng Nhân dân, đặc biệt đối tượng là phụ nữ.

Ngoài ra, hai ngành cũng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về mục đích, vai trò, tầm quan trọng của công tác phối hợp trong thực hiện Chương trình cũng như kết quả đạt được của Chương trình đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn; đồng thời có sự hướng dẫn Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố, công chức Tư pháp - Hộ tịch và Hội LHPN cấp huyện, cấp xã phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, công tác phản biện xã hội…

PV Minh Huyền

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập