Chi tiết bài viết

Năm 2023, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác hiệu quả hơn diện tích đất lúa kém hiệu quả

16:40, Thứ Sáu, 16-12-2022

(Quang Binh Portal) - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa là chủ trương nhằm tạo điều kiện cho bà con nông dân tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế, góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để thực hiện có hiệu quả về công tác chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa, năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. 

Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi chi tiết đến từng xã, phường, thị trấn trên địa bàn, đảm bảo đúng quy hoạch, đúng mục đích sử dụng đất và lựa chọn cây trồng phù hợp vào sản xuất đạt hiệu quả.

UBND các xã, phường, thị trấn thông báo kế hoạch và công khai thủ tục chuyển đổi đến người sản xuất có nhu cầu chuyển đổi đăng ký thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Việc đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng đảm bảo khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương, đảm bảo phục hồi lại hiện trạng ban đầu để trồng lúa trở lại khi cần thiết và việc chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây trồng khác phải thực hiện theo quy định của pháp luật; chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác trên cơ sở lựa chọn cây trồng, cơ cấu giống, thời vụ, kỹ thuật chăm sóc, thâm canh phù hợp để việc chuyển đổi đảm bảo hiệu quả kinh tế cao, ổn định và bền vững.

Trong năm, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 119 ha từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, gồm dưa các loại 36 ha, lạc 29 ha, ngô 21 ha, rau 17 ha, đậu đỗ 5,6 ha, sen 5,4 ha, khoai lang 03 ha, sắn 01 ha, cây mía 01 ha. Nhìn chung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đã mang lại hiệu quả cao, giúp nông dân nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích, giảm được áp lực nước tưới trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khó lường... Các cây trồng chuyển đổi cho lãi ròng trên 20 triệu đồng/ha/vụ, có một số mô hình lãi đến 140 triệu đồng/ha/vụ, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn từ 02 - 06 lần so với sản xuất lúa, trong đó cao nhất dưa hấu, dưa lê từ 100 - 140 triệu đồng/ha/năm, gấp 05 - 06 lần so với trồng lúa; rau các loại cho lợi nhuận 80 - 100 triệu đồng, gấp 03 - 04 lần trồng lúa...

Cùng với đó, các địa phương cũng đã chuyển đổi và duy trì chuyển đổi 1.984 ha từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Các đối tượng thủy sản được nuôi kết hợp trong ruộng lúa gồm cá lóc, cá chép, cá mè, cá rô phi, cá diếc, tôm đất... Sau 04 - 05 tháng nuôi năng suất bình quân các loại cá đạt 01 - 1,4 tấn/ha, tôm đạt 0,5 - 0,6 tấn/ha. Tổng thu nhập của mô hình trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản đạt từ 60 - 100 triệu đồng/ha/năm, trong khi chi phí cho sản xuất lúa giảm đi từ 10 - 15% so với không thả cá.

Thông qua kết quả đạt được có thể khẳng định công tác chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa là chủ trương, chính sách đúng đắn, được sự đồng tình, hưởng ứng của các cấp ủy, chính quyền, nhất là người dân. Các cây trồng chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa, giúp người nông dân khai thác hiệu quả hơn diện tích đất lúa kém hiệu quả, bằng cách chuyển sang trồng những loại cây trồng chịu hạn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nông dân hưởng ứng tích cực việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập. Việc xây dựng được các mô hình cây trồng cạn thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nền tảng vững chắc cho tái cơ cấu ngành trồng trọt nhằm hướng đến một nền nông nghiệp phát triển toàn diện và bền vững.

Tuy nhiên, diện tích thực hiện chuyển đổi còn manh mún, nhỏ lẻ khó khăn cho việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ để tạo ra sản phẩm hàng hóa nên chưa thu hút các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản; kinh phí hỗ trợ chuyển đổi còn thấp so với chi phí đầu tư sản xuất, trong khi đó quy mô diện tích thực hiện của hộ dân manh mún, nhỏ lẻ, quy trình triển khai và hồ sơ thủ tục thanh toán còn nhiều nên người dân chưa mặn mà thực hiện chuyển đổi.

Năm 2023, toàn tỉnh sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa 252,12 ha, trong đó chuyển đổi sang trồng cây hàng năm 222,16 ha; chuyển đổi sang trồng cây lâu năm 0,1 ha và chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản 29,86 ha.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm hỗ trợ kinh phí để đầu tư cải tạo hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu chủ động, đáp ứng yêu cầu cây trồng cạn trên các vùng chuyển đổi; bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; có chính sách hỗ trợ đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới vào sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

PV Mai Anh
 

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập