Chi tiết bài viết

Đường Hồ Chí Minh qua Quảng Bình - Điểm kết nối quan trọng của quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt Nam - Lào

16:55, Thứ Tư, 1-3-2023

(Quang Binh Portal) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh mang ý nghĩa chiến lược, tạo bước đột phá cho cả quá trình giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sự phát triển lớn mạnh, đóng góp quan trọng của tuyến đường chiến lược, trong đó đoạn qua Quảng Bình như là điểm kết nối quan trọng, cùng với sự phối hợp của quân và dân hai dân tộc Việt Nam - Lào đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước và tình đoàn kết quốc tế mẫu mực, trong sáng, thủy chung, là biểu tượng của mối quan hệ truyền thống, hữu nghị vĩ đại Việt Nam - Lào.

Từ Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Để bảo đảm cho Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, Việt Nam mới chỉ có một tuyến liên lạc qua miền Tây Quảng Trị do Liên Khu ủy 5 phụ trách. Tuy nhiên, con đường này không thể đáp ứng được sự chi viện cho cách mạng miền Nam đang ngày càng lớn mạnh. Tháng 01/1959, Hội nghị Trung ương 15 đã đề ra nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam với phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, đánh đổ quyền thống trị của đế quốc, phong kiến, trước mắt đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ[i].

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 15, ngày 05/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở đường, vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam; tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ; chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và ngược lại. Ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy Trung ương chính thức giao nhiệm vụ cho Ban Cán sự Đoàn[ii]: Mở đường Trường Sơn, chi viện người và vật chất cho chiến trường miền Nam. Ngày 12/9/1959, Bộ Quốc phòng Việt Nam ra quyết định thành lập Đoàn 559, trực thuộc Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng, có nhiệm vụ mở đường, vận chuyển vật chất, đưa đón cán bộ, bộ đội từ miền Bắc vào miền Nam, từ miền Nam ra miền Bắc; vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược cho Đoàn chuyên gia ở Lào và giúp bạn Lào[iii].

Tầm quan trọng của tuyến đường Trường Sơn được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương khẳng định là con đường chi viện miền Nam, cho bạn Lào là cơ bản nhất, chủ yếu nhất, có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng trước mắt và lâu dài[iv]. Trong 16 năm (1959-1975), đường Hồ Chí Minh không ngừng được mở rộng, kéo dài, ngày càng phát triển, vươn sâu tới các chiến trường, các hướng chiến lược, chiến dịch. Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 17.000km đường cho xe cơ giới, đường giao liên dài trên 3.000km, đường ống dẫn xăng dầu gần 14.000 km cùng với hệ thống đường vòng tránh, đường vượt khẩu, đường sông, đường thông tin liên lạc... đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của chiến trường.

Khi phát hiện tuyến đường vận tải chiến lược quan trọng này, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã kết hợp các lực lượng không quân, bộ binh với các phương tiện chiến tranh hiện đại liên tục bắn phá nhằm cắt đứt chi viện của miền Bắc, cô lập các chiến trường. Để ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam cũng như chiến trường Lào, đế quốc Mỹ đã biến tuyến đường Hồ Chí Minh thành chiến trường thử nghiệm hàng loạt các chủ trương chiến lược và thủ đoạn chiến thuật, đồng thời cũng là chiến trường thử nghiệm các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại. Bộ đội Trường Sơn đã chiến đấu trên 2.500 trận, diệt gần 1.700 tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng trên 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác của địch[v]. Cũng trong thời gian đó, có hơn 02 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh, gần 03 vạn người bị thương, hàng nghìn người ảnh hưởng nặng nề chất độc da cam[vi].

Với vị trí quan trọng và ý nghĩa chiến lược, đường Hồ Chí Minh đã có những đóng góp hết sức quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả. Đây là tuyến vận tải quân sự chiến lược, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho các chiến trường. Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh và bộ đội Trường Sơn đã phát huy vai trò to lớn chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho các chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Căm-pu-chia, góp phần to lớn vào thắng lợi ở các chiến trường.

Đến “lật cánh” sang Tây Trường Sơn từ Quảng Bình

Trên cơ sở quan hệ truyền thống vốn có giữa hai dân tộc và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, với yêu cầu khách quan cần gấp rút sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc, cuối năm 1960, đại diện Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Trung ương Đảng Nhân dân Lào đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi và nhất trí mở thêm đường phía Tây Trường Sơn chạy trên đất bạn Lào; xác định “Đông - Tây Trường Sơn là địa bàn chiến lược vững chắc, nối liền hậu phương của cách mạng ba nước Việt Nam - Lào - Căm-pu-chia, một biểu hiện cụ thể của liên minh chiến đấu giữa ba nước trở thành một phương hướng chiến lược quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”[vii], Đảng Lao động Việt Nam đã thống nhất với Đảng Nhân dân Lào sử dụng một bộ phận đất phía Tây Trường Sơn thuộc vùng giải phóng nước bạn Lào, từ đường 8 phía Tây Hà Tĩnh qua tỉnh Khăm Muộn, Sa-vẳn-na-khệt, Sả-lạ-văn, Chăm-pa-sắk đến tỉnh Ắt-tạ-pư để xây dựng tuyến đường chi viện chiến lược và xây dựng căn cứ chiến lược cho các chiến trường Nam Đông Dương. Bộ Chính trị hai Đảng giao cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn thống nhất chỉ huy toàn bộ lực lượng trên tuyến đường Hồ Chí Minh.

Được sự đồng thuận và giúp đỡ của nước bạn Lào, việc mở đường Trường Sơn ở phía Tây được triển khai một cách nhanh chóng. Sau một thời gian khảo sát, phương án mở đường sang phía Tây được bắt đầu thực hiện, trong đó việc mở đường qua biên giới Việt Nam - Lào ở khu thềm núi Tà Cú, với độ cao trên 700m được triển khai một cách gấp rút. Khi yêu cầu mở rộng đường, tuyến đường huyết mạch khởi đầu từ miền Tây Nghệ An đến Quảng Bình đã được “lật cánh” sang Tây Trường Sơn, qua địa bàn ba tỉnh Quảng Bình, Khăm Muộn, Sa-vẳn-na-khệt. Nhân dân các bộ tộc Lào tích cực góp công, góp của cùng cán bộ, chiến sĩ Việt Nam mở đường. Trung ương Đảng Nhân dân Lào đã họp và đề ra chủ trương “Tìm mọi cách giúp đỡ bộ đội Trường Sơn mở đường”[viii]. Nhân dân các bộ tộc Lào ở các tỉnh Khăm Muộn, Sa-vẳn-na-khệt đã tự nguyện dời nhà, bỏ nương rẫy để phục vụ cho tuyến đường mới bảo đảm được yêu cầu “gần nhất và dễ đi nhất”.

Bộ đội tình nguyện, đoàn chuyên gia, cố vấn Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã thường xuyên phối hợp với Quân khu Trung - Hạ Lào, Đảng bộ và chính quyền bảy tỉnh của Lào có đường Hồ Chí Minh đi qua[ix], trong đó có địa bàn hai tỉnh Khăm Muộn, Sa-vẳn-na-khệt tổ chức khảo sát địa hình, phối hợp mở đường Tây Trường Sơn, chiến đấu bảo vệ căn cứ chiến lược và tuyến đường chiến lược, tổ chức đánh địch, giải phóng đất đai, mở rộng vùng giải phóng, tạo điều kiện để tuyến đường chiến lược được thông suốt, mở rộng và phát triển. Đến tháng 4/1961, dưới sự giúp đỡ của các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam, lực lượng cách mạng Lào đã mở nhiều hoạt động quân sự ở miền Trung và Hạ Lào, giải phóng một vùng rộng lớn từ tỉnh Bô-li-khăm-xay qua phía Đông huyện Bua-la-pha (tỉnh Khăm Muộn) cho đến tỉnh Sa-vẳn-na-khệt, nối Đường 12 với Đường 9, nhanh chóng tạo thành một hành lang dài và rộng theo chiều Đông - Tây. Vùng giải phóng ở Trung - Hạ Lào được mở rộng, tạo nên thế liên hoàn, là điều kiện để hai Đảng và hai nhà nước Việt Nam - Lào nhất trí “lật cánh” sang Tây Trường Sơn, từ Làng Ho (Quảng Bình) đến huyện Nong rồi tiến dần vào La-hạp, A-túc (Sa-vẳn-na-khệt)[x], mở đường dọc theo biên giới Việt Nam - Lào - Tây Trường Sơn, chấm dứt tình trạng độc tuyến, đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn của chiến trường.

Nhờ sự giúp đỡ tích cực và sự hy sinh của Nhân dân các bộ tộc Lào, đến cuối tháng 6/1961, Đường 129 mới mở đã nối liền được Đường 12 và Đường 9. Đây là bước phát triển mới của tuyến đường chiến lược Trường Sơn - từ thế độc đạo Đông Trường Sơn, đơn thuần là đường gùi thồ nội địa và dọc theo biên giới đã được mở thêm 200km đường cho xe cơ giới phía Tây Trường Sơn. Với bản lĩnh, trí tuệ và lòng dũng cảm, đức hy sinh vì nghĩa lớn của quân và dân hai dân tộc Việt Nam - Lào, tuyến đường Trường Sơn được tiếp tục mở rộng, trở thành huyết mạch của chiến trường Đông Dương. Trên đất Lào, Việt Nam chủ trương cải tạo một số tuyến ngang như Đường 20, Đường 16, khôi phục Đường 9 đến Mường Phìn (Sa-vẳn-na-khệt), đường 25 đến Sả-lạ-văn...[xi] để tạo thành tuyến thông suốt từ hậu phương đến chiến trường.

Thực hiện kế hoạch “lật cánh” từ Đông sang Tây, các tuyến đường ngang trên đất Quảng Bình đều được nối với Tây Trường Sơn sang Khăm Muộn và Sa-vẳn-na-khệt trên đất bạn Lào. Địa bàn tỉnh Quảng Bình có cả tuyến đường dọc và các tuyến đường ngang. Tuyến đường dọc có Đường 15A, là tuyến đường chạy song song với Quốc lộ 1A, qua địa phận Quảng Bình từ Tân Đức (huyện Tuyên Hoá) đến Khe Gát (xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch) tiếp tục chia thành hai nhánh: Nhánh phía Tây từ Khe Gát đến dốc Dân Chủ (Làng Ho, huyện Lệ Thuỷ) và nhánh phía Đông đến Bến Quan (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) dài 285km. Các tuyến ngang gồm: (1) Đường 12A, là con đường mòn vượt Trường Sơn, bắt đầu từ ngã ba Khe Ve, xã Hóa Thanh lên đèo Mụ Giạ giáp biên giới Việt Nam - Lào, có chiều dài 44km. Đây là con đường xung yếu, độc đạo chạy men theo các vách núi cao. Trước năm 1966, đường 12A là con đường duy nhất vượt Trường Sơn nên bị đánh phá khốc liệt; (2) Đường 20 (còn gọi là đường Quyết Thắng), bắt đầu từ ki-lô-mét số 0, xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) đến Ta Lê (biên giới Việt Nam - Lào), chọc thủng dãy đá vôi của Trường Sơn, nối liền với đường 128 ở ngã ba Lùm Bùm (Lào), có chiều dài 123km. Trong thời điểm yêu cầu chi viện chiến trường ngày càng lớn, chỉ một tuyến đường 12A không thể đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hoá, vũ khí cho chiến trường, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã mở thêm cửa thứ hai vượt đỉnh Trường Sơn để vừa phá thế độc đạo nhằm phân tán mật độ đánh phá của địch, vừa rút ngắn được cường độ vận chuyển từ phía Bắc xuống đường 9; (3) Đường 16, bắt đầu từ ngã ba Thạch Bàn (xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy) (đường 15) rẽ về phía Tây Nam đến Vít Thù Lù - Làng Ho (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy) dài 40km, được khởi công từ 1958, hoàn thành vào năm 1960 và đến tháng 6/1969 thì được sửa chữa nâng cấp để sử dụng vận tải cơ giới. Sau đó, đường 16 được kéo dài từ làng Ho, vượt Trường Sơn từ phía Bắc sông Xê-băng-hiêng, có chiều dài 44km. Đường 16 có nhiều điểm xung yếu (dốc Khỉ, đèo 1001), lúc đầu chỉ vận chuyển bằng xe thồ, nhưng về sau đã vận chuyển bằng xe cơ giới, trên cả toàn tuyến có chiều dài 84km; chi viện đắc lực cho chiến trường Trị - Thiên giai đoạn 1969 - 1972; (4) Đường 10 (còn gọi là đường 20 tháng 7), từ ngã ba Áng Sơn (xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh) đến ngã ba Dân Chủ (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị); được triển khai mở tuyến từ năm 1967, hoàn thành việc bạt núi xẻ đường vào cuối năm 1968. Như vậy, các tuyến đường ngang trên đất Quảng Bình đều được nối với Tây Trường Sơn sang đất bạn Lào. Tuyến Tây Trường Sơn nằm trên đất Lào dài trên 800km, đường ngang hơn 100km, có 03 cụm căn cứ nằm trong khu rừng già. Việc mở nhánh Tây đường Trường Sơn là một quyết định sáng suốt, có ý nghĩa chiến lược, nhờ đó chiến trường ba nước Đông Dương đã được liên kết qua hệ thống vận tải chiến lược từ hậu phương lớn miền Bắc Việt Nam qua Lào, sang Căm-pu-chia đến chiến trường miền Nam Việt Nam.

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh qua Quảng Bình không chỉ là một tuyến đường mà là một hệ thống đường giao thông vận tải xuyên suốt địa bàn, bám sát vào vị trí tự nhiên của tỉnh, luồn lách qua mọi địa hình, tạo thành mạng lưới đa dạng, luôn giữ được thế chủ động để đối phó với mọi thủ đoạn đánh phá, ngăn chặn của kẻ thù. Trong quá trình 16 năm tồn tại của đường Hồ Chí Minh (1959 - 1975), tất cả các loại đường từ gùi, thồ của buổi ban đầu của Đoàn 559 đến đường giao liên đi bộ, đường cơ giới, đường sông, đường ống xăng dầu và cả đường hàng không đều có mặt tại Quảng Bình, nơi thể hiện rõ nhất cái gọi là “Trận đồ bát quái” trong rừng rậm. Quá trình xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh kéo dài hàng chục năm trong điều kiện chiến tranh vô cùng khốc liệt, Nhân dân các tỉnh Quảng Bình, Khăm Muộn, Sa-vẳn-na-khệt đã đoàn kết gắn bó, chung sức, chung lòng hỗ trợ tinh thần và vật chất để lực lượng xây dựng tuyến đường hoàn thành nhiệm vụ. Quảng Bình với chức năng là hậu phương lớn, trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, là “tổng kho” của các nguồn lực để tỏa ra các chiến trường miền Nam, là căn cứ chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh; là một trong những địa bàn chủ yếu dự trữ và cung cấp vũ khí đạn dược, xăng dầu, lương thực; nơi trú quân, huấn luyện bộ đội, tập kết các binh chủng kỹ thuật để tiếp tục bổ sung cho chiến trường. Quảng Bình cũng là nơi đặt các bệnh viện, các đội điều trị thương, bệnh binh, các xưởng sửa chữa xe, pháo, là trung tâm giao thông, là căn cứ hội đủ các yếu tố cảng biển, cảng sông, sân bay dã chiến phục vụ cho chiến trường miền Nam và chiến trường Lào. Thông qua cửa khẩu Cha Lo trên tuyến Đường 12A và cửa khẩu Cà Roòng trên tuyến Đường 20, hàng triệu tấn khí tài quân sự, lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm phục vụ cho chiến trường đã được các lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong Việt Nam - Lào với sự đùm bọc, che chở và hợp tác của Nhân dân các tỉnh Quảng Bình, Khăm Muộn, Sa-vẳn-na-khệt vận chuyển đến các chiến trường Trung, Hạ Lào và miền Nam Việt Nam. Sự hợp tác giữa Nhân dân các tỉnh Quảng Bình, Khăm Muộn, Sa-vẳn-na-khệt trên tuyến vận tải chiến lược Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã góp phần xây dựng địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Khăm Muộn, Sa-vẳn-na-khệt thành hậu phương trực tiếp bảo đảm cho thắng lợi của quân và dân hai nước Việt Nam - Lào ở mặt trận Trung, Hạ Lào và Nam Việt Nam.

Ngoài chức năng vận chuyển nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam Việt Nam và Lào, Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh với hệ thống liên hoàn dọc, ngang đã tạo điều kiện cho cách mạng Lào xây dựng căn cứ cách mạng, hậu phương kháng chiến trên các địa phương mà tuyến đường đi qua. Đường Trường Sơn tạo nên mạng lưới thiên la, địa võng, xuyên qua mọi địa hình, liên kết nhiều chiến trường, tạo nên sức mạnh và sự bất ngờ đối với kẻ thù. Đường Tây, Đông Trường Sơn nối với các tuyến vận tải trên chiến trường, nối với các tuyến đường của hai nước, hình thành một mạng lưới giao thông vận tải chi viện chiến lược, thành một chiến trường đánh địch, một căn cứ chiến lược liên hoàn, bền vững, thống nhất với sự độc đáo đặc biệt, đó là: (1) Thời gian tồn tại của tuyến đường dài hơn mọi tuyến đường chiến tranh ở bất kỳ nơi nào trên thế giới; (2) Đường Trường Sơn là một chiến trường trọng yếu và là một căn cứ hậu phương chiến lược cho chiến trường ba nước Đông Dương.

Thành quả của sự đóng góp, hy sinh chí tình, chí nghĩa của quân và dân Lào, đặc biệt là quyết định đồng thuận cho Việt Nam “lật cánh” Đường Trường Sơn sang phía Tây để tiếp tục nối thông “huyết mạch” cho chiến trường miền Nam, đồng thời đáp ứng cho yêu cầu chi viện cho chiến trường Lào và Căm-pu-chia, làm thất bại mưu đồ của thế lực chống phá cách mạng ba nước Đông Dương. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, tuyến vận tải 559 qua Đường Trường Sơn đã chuyển vào miền Nam Việt Nam hơn 110.000 cán bộ, chiến sĩ, 23.000 tấn vật chất các loại; trong đó, từ năm 1973 - 1975 đưa sang Lào trên 108.000 tấn hàng hóa các loại[xii]... Nhờ sự chi viện kịp thời, cách mạng Lào có những bước phát triển vững chắc, liên minh chiến đấu Việt - Lào được tăng cường. Với vị trí chiến lược quan trọng và những đóng góp to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc, Đường Hồ Chí Minh là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt chống kẻ thù chung không chỉ của hai dân tộc Việt Nam - Lào mà còn là của ba nước Việt Nam - Lào - Căm-pu-chia; là sợi dây liên kết các chiến trường ba nước Đông Dương, tạo nên một hệ thống liên hoàn bền vững; là “một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự của thế kỷ XX”[xiii].

Phát biểu nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 5-1990, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản khẳng định: “...Nhân dân Lào vô cùng tự hào dọc theo phía Tây dải Trường Sơn đã có con đường mang tên Bác Hồ, con đường đã hiên ngang đứng vững trước hàng triệu tấn bom đạn của quân thù, cùng với con đường phía Đông Trường Sơn góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng nước Lào và miền Nam Việt Nam... Để thực hiện tốt di huấn của Bác Hồ và xứng đáng với sự hy sinh xương máu của biết bao liệt sĩ, anh hùng, với bao dòng nước mắt đau thương của những bà mẹ, người chị, bao công sức và tâm huyết của đồng bào, đồng chí hai nước chúng ta, Nhân dân Lào nguyện cùng Nhân dân Việt Nam giữ gìn mãi mãi tình đoàn kết đặc biệt đó. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, tình đoàn kết chân thành đó mãi mãi là truyền thống quý báu của Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, mà không một kẻ thù nào có thể phá nổi”[xiv].

Viết tiếp trang sử mới cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Tháng 4/2000, tại bến phà Xuân Sơn (thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã phát lệnh khởi công con đường huyền thoại mang tên Bác Hồ, đi qua 30 tỉnh, thành phố. Đường Hồ Chí Minh sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương nơi dự án đi qua, làm thay đổi cuộc sống của các đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, giúp thu nhập bình quân đầu người tăng, tạo điều kiện phát triển cho các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa phía Tây đất nước, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Tuyến đường Hồ Chí Minh của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo điều kiện hình thành các khu đô thị, khu công nghiệp, làng thanh niên lập nghiệp, các vùng nguyên liệu cho công nghiệp, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc ít người, thực hiện xóa đói giảm nghèo, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng. Cùng với việc xây dựng đường Hồ Chí Minh, tuyến du lịch “Con đường huyền thoại” được tích cực triển khai, đưa khách du lịch tham quan chiến trường xưa và các di tích lịch sử chiến tranh cách mạng, qua đó giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ và thu hút khách du lịch bốn phương, tuyến du lịch “Đường Hồ Chí Minh - con đường huyền thoại” đang ngày càng trở thành một tour du lịch hấp dẫn, nối quá khứ với hiện tại và tương lai.

Hiện nay, tuyến đường Hồ Chí Minh tiếp tục mang ý nghĩa chiến lược cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng cho Việt Nam và Lào. Cùng với hệ thống tuyến dọc, sự liên hoàn, dày đặc của hệ thống tuyến ngang qua Quảng Bình tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Lào ra Biển Đông và thế giới. Quảng Bình là nơi hẹp nhất Việt Nam từ Tây sang Đông, nằm trên trung lộ của các tuyến đường chiến lược xuyên Việt là Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 12A chạy từ Đông sang Tây... là những cửa ngõ quan trọng, liên thông với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Hệ thống giao thông hội tụ đủ đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và đường không, thuận lợi cho hoạt động giao thương, buôn bán. Với vị trí địa lý thuận lợi, Quảng Bình trở thành điểm cầu nối, là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa của Lào ra Biển Đông và đi ra thế giới. Các tuyến giao thông nối liền Khăm Muộn với Quảng Bình thông qua đường 12A qua Cửa khẩu quốc tế Na-phào - Cha Lo, đường 20 qua cửa khẩu phụ Noọng-ma - Cà Roòng. Đặc biệt, tuyến đường 12A là trục giao thông quan trọng, con đường ngắn nhất cho hàng hóa của Lào quá cảnh ra biển thông qua cảng Hòn La (Quảng Bình) và Vũng Áng (Hà Tĩnh). Đường 12A cũng là tuyến giao thông quan trọng để hàng hóa từ Việt Nam thâm nhập qua thị trường Thái Lan, Mi-an-ma... Qua đó góp phần củng cố quan hệ hữu nghị và láng giềng thân thiện với các nước trong khu vực; tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội của hai nước, từng bước nâng cao vai trò, vị thế của hai nước trong khu vực và thế giới. 

Với những đóng góp to lớn, mang ý nghĩa chiến lược cả trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trở thành một biểu tượng đặc biệt, điểm kết nối quan trọng của quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt Nam - Lào.

TS. Nguyễn Viết Xuân (Ban Tổ chức Tỉnh ủy)

[i] Lịch sử Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (1999), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.17.

[ii] Ra đời ngày 19-5-1959, Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559 từ đó.

[iii] Tháng 9-1959, theo yêu cầu phối hợp chiến trường của Đảng Nhân dân Lào, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định thành lập Đoàn chuyên gia (Đoàn 959) giúp Lào ở mặt trận Hạ Lào, xem: Trường Sơn - Đường khát vọng (2009), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.29.

[iv] Phương Việt: Đường Hồ Chí Minh - Một kỳ công chiến lược (1989), Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 4, tr.15.

[v] Lê Văn Cử: Phát huy kỳ tích của đường Hồ Chí Minh, bộ đội Trường Sơn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay, http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/934841/phat-huy-ky-tich-cua-duong-ho-chi-minh-bo-doi-truong-son-trong-su-nghiep-xay-dung-bao-ve-to-quoc-hom-nay.

[vi] Lê Văn Cử: Đường Hồ Chí Minh - Con đường của ý chí quyết thắng, 2019 http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/934849/duong-ho-chi-minh---con-duong-cua-y-chi-quyet-thang.

[vii] Lịch sử quan hệ đặc biệt Quảng Bình - Khăm Muộn (1945-2015) (2019), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.96-97.

[viii] Lịch sử quan hệ đặc biệt Quảng Bình - Khăm Muộn (1945-2015) (2019), Tlđdi, tr.96.

[ix] Gồm: Bô-li-khăm-xay, Khăm Muộn, Sa-vẳn-na-khệt, Chăm-pasắk, Sê-kông, Sả-lạ-văn, và Ắt-tạ-pư.

[x] Trường Sơn - Đường khát vọng (2009), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.42.

[xi] Lịch sử quan hệ đặc biệt Quảng Bình - Khăm Muộn (1945-2015) (2019), Tlđd, tr.99.

[xii] Đường mòn Hồ Chí Minh - Con đường huyền thoại (1995), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.213.

[xiii] Robert J. Hanyok (2002), Spartans in Darkness: American SIGINT and the Indochina War, 1945-1975, Washington, D.C.: Center for Cryptologic History, National Security Agency, pp.94.

[xiv] Báo Nhân dân, số ra ngày 19-5-1990, tr.2-3.

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập