Chi tiết bài viết

Hiệu quả vốn đầu tư tín dụng chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

14:33, Thứ Năm, 25-7-2024

(Quang Binh Portal) - Quảng Bình có gần 80% dân số nông thôn và 48% lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Những năm qua do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lạm phát, giá cả tăng cao, thị trường thu hẹp, lãi suất ở mức cao, thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân. 

Dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng các cấp chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực, tranh thủ tối đa nguồn lực, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp nên nhìn chung lĩnh vực này có mức tăng trưởng khá, kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng, cơ cấu nông, lâm, ngư nghiệp chuyển dịch đúng hướng, công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn có hiệu quả, thu nhập từng bước được nâng lên, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc…

Đạt được kết quả trên ngoài sự đầu tư của Nhà nước, các tổ chức Quốc tế, vốn đóng góp của dân thông qua các chương trình, dự án còn có một lượng vốn rất lớn được huy động để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, cụ thể đó là thông qua vốn tín dụng từ hệ thống các Ngân hàng, trong đó phải kể đến Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh. Những năm qua, Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai chương trình cho nông dân vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, ngành nghề nông thôn mang lại hiệu quả thiết thực. Trong 10 năm (2014 - 2024), Ngân hàng CSXH đã cho vay theo các chương trình, dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân, chủ trang trại, các doanh nghiệp vay vốn, cho vay hộ nghèo, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đặc biệt là Nghị định số 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó thực hiện các Chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi.

Định kỳ hàng năm và 05 năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện tổng hợp đăng ký các nhu cầu vay vốn của các địa phương để thực hiện Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, trồng rừng và phát triển chăn nuôi. Đến nay, có tổng cộng hơn 6.500 hộ đăng ký vay vốn với tổng nhu cầu vay lên đến hằng trăm tỷ đồng, trong đó số hộ đăng ký trồng rừng sản xuất chiếm 45% và chăn nuôi chiếm 55%. Trong 10 năm qua, cùng với nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã về đến được 100% xã trong toàn tỉnh; vốn vay đã giúp người dân xây mới, sửa chữa nâng cấp trên 195,2 nghìn công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường ở nông thôn; đã có trên 100 nghìn lượt hộ được vay vốn, với doanh số tiền giải ngân trên 1.140 tỷ đồng, bình quân cho vay đạt 11,4 triệu đồng/hộ, giúp người dân vùng lũ kịp thời khắc phục các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. 

Ngoài nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã hỗ trợ người dân với hơn 150 chương trình, dự án, mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn qua các năm với tổng kinh phí 10 năm (2014 - 2024) lên đến 36,504 tỷ đồng (trong đó nguồn chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn là 26,504 tỷ đồng và nguồn sự nghiệp khuyến nông- khuyến ngư tỉnh là 10 tỷ đồng) góp phần tăng nhanh sản lượng nông, lâm, ngư nghiệp, hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tăng thu nhập, ổn định dần cuộc sống của người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, từ các Chương trình, dự án toàn tỉnh cũng đã thực hiện được 4.748 công trình nhà chống lũ, bão với kinh phí 213,72 tỷ đồng.
Riêng năm 2023, các đơn vị đã hỗ trợ trồng rừng sản xuất cho các hộ gia đình, cá nhân để trồng rừng sản xuất gỗ lớn Dự án Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững 198,28 ha, với tổng kinh phí 1,56 tỷ đồng và hỗ trợ trồng rừng sản xuất gỗ lớn từ Dự án Hỗ trợ thí điểm mô hình trồng rừng phòng tránh thiên tai 200 ha, với tổng kinh phí 3,13 tỷ đồng.

Việc nâng cao hoạt động nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH đã tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội tập hợp lực lượng, củng cố, nâng cao cả về số lượng, chất lượng phong trào hoạt động, qua đó được tiếp cận với nhiều hoạt động lồng ghép như hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm của từng địa phương, hiệu quả và thành công, điển hình như mô hình chế biến nước mắm xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới); phát triển bánh tráng xã Quảng Thanh (huyện Quảng Trạch); nuôi cá trắm sông Son (huyện Bố Trạch); chế biến khoai deo xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh); các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm… Chính sách cho vay đã đến tận các địa phương, thôn, bản thông qua hình thức tổ vay vốn; kết hợp tuyên truyền về dịch vụ ngân hàng, dịch vụ vay tiền, nhờ đó cơ chế tín dụng đã được Nhân dân tin tưởng. Với việc mở rộng các chương trình tín dụng và nâng mức cho vay nên các đối tượng đầu tư đã có sự cải thiện và dịch chuyển dần theo hướng tích cực mang tính sản xuất hàng hóa. Với lãi suất ưu đãi, nông dân vay vốn đã sử dụng đúng mục đích, quản lý và phát triển đồng vốn tốt, phát huy hiệu quả rõ nét, đặc biệt các đối tượng vay vốn là người đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã biết cách sử dụng nguồn vốn này để phát triển mô hình sản xuất. Thông qua nguồn vốn chính sách xã hội, người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh có điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần trong từng giai đoạn, điển hình: giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 25,17% xuống 7,23%; giai đoạn 2016 - 2020 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm từ 14,42% xuống 3,24%; giai đoạn 2021 - 2025 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm từ 6,52% xuống 4,05% so với đầu giai đoạn. 

Việc hộ nghèo vay được nguồn vốn của ngân hàng chính sách là điều kiện hết sức cần thiết để phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Chính từ nguồn vay vốn của ngân hàng chính sách đã góp phần cùng toàn ngành Nông nghiệp gặt hái nhiều kết quả như giá trị sản xuất giai đoạn 2014 - 2023 tăng bình quân trên 04%/năm; sản lượng lương thực trên 30 vạn tấn; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 53,6%. Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông nghiệp nông thôn khởi sắc, tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng, ổn định chính trị xã hội, đến cuối năm 2023, có 94/128 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 73,4% tổng số xã.

Ngoài những hiệu quả kinh tế xã hội nói chung, vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH còn là tiền đề cơ sở cho việc thực hiện có hiệu quả các chương trình bảo vệ môi trường, an ninh - quốc phòng và các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội khác. Việc một bộ phận lớn dân cư hộ nghèo và các đối tượng chính sách mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn đã và đang thức dậy một thị trường sản xuất hàng hóa và tiêu thụ rộng lớn, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm và phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

PV Hồng Lựu

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập