Chi tiết bài viết

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật cho nông dân Tin có hình

9:50, Thứ Tư, 13-4-2022

(Quang Binh Portal) - Thời gian qua, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho nông dân được các cấp, các ngành phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận toàn diện thông tin và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, góp phần hạn chế phát sinh khiếu kiện đông người, vượt cấp của nông dân, huy động sức mạnh của nông dân tham gia phong trào thi đua yêu nước, giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Trong năm 2021, toàn tỉnh đã tổ chức 10.616 hội nghị, cuộc họp cho 1.419.616 lượt người; 187 cuộc thi, 235.543 lượt người tham gia; in ấn, phát hành 448.425 tài liệu để chuyển tải các nội dung pháp luật đến cho người dân. Đội ngũ trợ giúp pháp lý đã trực tiếp hoàn thành 176 vụ việc trợ giúp pháp lý cho 176 người thuộc diện trợ giúp pháp lý. Các tổ hòa giải, đội ngũ hòa giải viên cũng bám sát cơ sở, nắm tình hình và những mâu thuẫn phát sinh, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, kịp thời có biện pháp hòa giải hiệu quả ngay trong nội bộ. Riêng các cấp Hội Nông dân đã trực tiếp hòa giải 64 vụ tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại thuộc thẩm quyền; phối hợp với các ngành chức năng tham gia hòa giải 237 vụ việc. Thông qua hòa giải, tổ hòa giải đã làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động, thuyết phục, giải thích chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để đoàn viên, hội viên, nông dân thông hiểu, tự giác chấp hành, hạn chế khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp, kéo dài.

Các cấp, các ngành đã phối hợp thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong năm, các cấp, ngành đã thực hiện chuyển 1.731 đơn đến cơ quan có thẩm quyền xử lý, trả lại đơn, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng quy định; trực tiếp giải quyết được 142/150 đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 94,7%.

Cùng với đó, các ngành, đoàn thể địa phương đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận, Phòng Tư pháp xây dựng Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, “Phụ nữ với pháp luật”; “Thanh niên với pháp luật”; “Nhóm nòng cốt”, “Điểm sáng chấp hành pháp luật”, “Khu dân cư điển hình chấp hành pháp luật”, Câu lạc bộ “An toàn giao thông”, Câu lạc bộ “Tuổi trẻ với pháp luật”… và địa chỉ tin cậy để giải quyết những tranh chấp trong nội bộ, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nông dân. Riêng Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể địa phương duy trì hoạt động của 05 mô hình “Người cha trách nhiệm”, 709 Câu lạc bộ “Nông dân tự quản - An ninh trật tự”, Câu lạc bộ “Phòng chống mại dâm, ma túy”, mô hình “Gia đình hội viên nông dân không vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội”, 07 điểm thư viện nông dân…

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, quán triệt văn bản pháp luật mới đến hội viên, nông dân ở nhiều đơn vị, địa phương thiếu thường xuyên, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Một số nơi việc nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nông dân không kịp thời, việc phát hiện các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ còn chậm. Tình trạng khiếu kiện, khiếu nại đông người vẫn còn xảy ra; công tác đối thoại với người dân chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, nhiều vụ việc giải quyết chưa triệt để…

Năm 2022, toàn tỉnh tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho nông dân; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân phù hợp với từng đối tượng, điều kiện địa phương; tập trung nắm bắt nhu cầu tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của nông dân trên địa bàn để xác định nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật gắn với bảo vệ quyền, lợi ích và nghĩa vụ của nông dân, những vấn đề vướng mắc pháp luật ở cơ sở; tăng cường tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý giúp hội viên, nông dân hiểu biết, nâng cao nhận thức, thực hiện tốt pháp luật và tự giải quyết những vướng mắc, mâu thuẫn tại cơ sở; chú trọng công tác hướng dẫn, giải thích để nông dân thực hiện đúng quyền khiếu nại, tố cáo của nông dân, góp phần hạn chế khiếu kiện, khiếu nại đông người, vượt cấp.

Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan tiếp tục phối hợp củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; phát huy vai trò các tổ hòa giải ở cơ sở; vai trò lực lượng nòng cốt chính trị, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở; phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân cho các tổ hòa giải, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; đội ngũ cán bộ Hội làm công tác tư vấn pháp luật, cộng tác viên, tuyên truyền viên...

Ngoài ra, các sở, ngành tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia thực hiện tốt công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật triển khai trên địa bàn, nhất là việc thực hiện chương trình, dự án thu hồi, hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng…; tăng cường công tác nắm bắt tình hình, sớm phát hiện nguyên nhân mâu thuẫn, nắm được tâm tư, nguyện vọng của nông dân, yêu cầu của các bên trong tranh chấp; tuyên truyền, vận động nông dân tự hòa giải ngay tại cơ sở, hạn chế khiếu kiện, khiếu nại, kéo dài, đông người, vượt cấp. Các sở, ngành và địa phương cũng sẽ đẩy mạnh công tác xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật ở cơ sở gắn với việc xây dựng, duy trì hoạt động các mô hình phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở, góp phần đa dạng hóa các hình thức chuyển tải kiến thức pháp luật cho nông dân; làm tốt công tác hướng dẫn công dân về hình thức, trình tự, thủ tục, quy trình, quy định khiếu nại, tố cáo để nông dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng quy định, bảo đảm ổn định tình hình trên địa bàn...

PV Mai Anh

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập