Chi tiết bài viết

Một người đăng ký tạm trú nhiều nơi được không?

16:23, Thứ Sáu, 5-5-2023

Nếu bạn đang sinh sống, làm việc, học tập… ở nhiều địa điểm khác nhau ngoài địa chỉ đăng ký thường trú và thắc mắc có thể đăng ký tạm trú nhiều nơi được không, hãy theo dõi bài viết này để có câu trả lời chính xác nhất theo quy định của pháp luật.

1. Một người đăng ký tạm trú nhiều nơi được không?

Công dân có quyền tự do cư trú nhưng mọi thay đổi về cư trú phải được đăng ký.

Theo đó, khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú quy định, công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài địa phương nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

Về nguyên tắc cư trú, khoản 4 Điều 3 Luật này nhấn mạnh, mỗi người chỉ được đăng ký tạm trú tại một nơi. Như vậy, mỗi người chỉ có một nơi tạm trú.

Nếu sinh sống ở nhiều nơi khác nhau ngoài nơi thường trú thì lựa chọn nơi có thời gian cư trú lâu dài hơn để đăng ký tạm trú.

Còn lại phải thông báo lưu trú - là việc công dân ở lại trong một thời hạn nhất định ngoài nơi cư trú (tạm trú và thường trú) và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú. Ví dụ: Đi du lịch, đi công tắc ngắn ngày...

Thủ tục thông báo lưu trú do thành viên hộ gia đình có người đến lưu trú, người đại diện cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú thực hiện.

2. Thời hạn tạm trú tối đa là bao lâu?

Ngoài vấn đề đăng ký tạm trú nhiều nơi được không, rất nhiều người cũng gặp vướng mắc về thời hạn tạm trú tối đa.

Hiện nay, thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần.

Thời hạn tạm trú sẽ do công dân đề nghị nhưng tối đa không quá 24 tháng. Hết thời hạn tạm trú, hộ gia đình hoặc cá nhân vẫn tiếp tục tạm trú thì đại diện hộ gia đình hoặc cá nhân đến cơ quan Công an đã đăng ký tạm trú làm thủ tục gia hạn.

Trong thời hạn 15 ngày trước khi hết thời hạn tạm trú phải thực hiện thủ tục gia hạn tạm trú. Thủ tục gia hạn tạm trú thực hiện như đăng ký tạm trú lần đầu.

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

Xem thêm: Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp là gì?

Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan Công an cấp xã nơi tạm trú

Bước 3: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về việc gia hạn tạm trú cho công dân.

3. Việc đăng ký tạm trú quan trọng thế nào?
Việc đăng ký tạm trú không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của công dân. Tại nơi đăng ký tạm trú, người dân sẽ thuận lợi hơn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.

Hiện nay, người dân có thể thực hiện rất nhiều thủ tục hành chính phổ biến tại nơi tạm trú như:

Thủ tục làm Căn cước công dân gắn chip;

Thủ tục đăng ký kết hôn;

Thủ tục làm hộ chiếu;

Thủ tục đăng ký khai sinh cho con….

Tại nơi đăng ký tạm trú người dân còn có thể tham gia các loại bảo hiểm y tế tự nguyện, bảo hiểm xã hội, tiêm vắc xin Covid-19, đăng ký tham gia bầu cử…

Hơn hết, khi người dân đăng ký tạm trú đúng quy định, các cơ quan Nhà nước sẽ có căn cứ để định hướng, hoạch định các chính sách phù hợp với từng địa phương.

Theo Luật Việt Nam

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập