Chi tiết bài viết

Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

11:18, Thứ Năm, 22-12-2022

(Quang Binh Portal) - Trong những năm qua, du lịch nông thôn được nhiều địa phương đầu tư, góp phần làm “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế. Đặc biệt, tiềm năng lớn của du lịch nông thôn đã giúp ngành Du lịch xây dựng nhiều sản phẩm chất lượng, đa dạng, độc đáo để thu hút du khách trong và ngoài nước.

Phát triển mạnh loại hình du lịch Homestay, Farmstay tại Phong Nha

Tại Bố Trạch, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch nông thôn được xem là định hướng đúng đắn của huyện, vì mỗi địa phương có những lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng, làng nghề đa dạng, nhiều đặc trưng văn hóa nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu. Cụ thể, xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch) là địa phương thường xuyên hạn hán nên việc phát triển cây trồng khó khăn. Sau quá trình tìm hiểu, các thành viên Hợp tác xã Cự Nẫm nhận thấy cây cà gai leo và cây thìa canh có thể phát triển trên vùng gò đồi. Với sự hỗ trợ các cơ quan chức năng, sau khi tìm hiểu mô hình canh tác từ 1,5 ha trồng cà gai leo ban đầu ở những đồi hoang, đến nay, Hợp tác xã Cự Nậm đã có 08 ha trồng dược liệu trong đó cà gai leo 05 ha, thìa canh 02 ha, chè vằng 01 ha. Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, các loại dược liệu của hợp tác xã luôn phát triển tốt trên vùng đất khô cằn. Từ đó, thu hút nhiều khách du lịch đến vườn tham quan và đặt hàng trực tiếp. Ngoài ra, hiệu quả kinh tế của mô hình gấp 05 - 08 lần so với cây hoa màu như ngô, sắn… Bên cạnh đó, Hợp tác xã còn đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại phục vụ chế biến các sản phẩm từ thảo dược. 

Cùng với xã Cự Nẫm, xã Sơn Lộc là một trong hai xã đang phát triển mô hình trồng nấm VietGAP, thân thiện môi trường. Nhờ sản xuất an toàn, Hợp tác xã Nấm sạch Tuấn Linh cung ứng ra thị trường hơn 100 tấn nấm chất lượng cao mỗi năm, mang lại doanh thu 07 - 08 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 20 lao động thường xuyên, mức lương ổn định ở mức 4,5 - 05 triệu đồng/người/tháng. Với lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, sự thuận lợi về vị trí, khoảng cách của các hợp tác xã với các khu du lịch cũng tạo điều kiện tốt cho việc gắn kết sự phát triển du lịch với các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, tại thị trấn Phong Nha, gần đây đang phát triển mạnh loại hình du lịch Homestay (đây là một trong những loại hình thức du lịch tại gia), Farmstay (du lịch cộng đồng trải nghiệm). Với những lợi thế trên, người dân địa phương nắm được nhu cầu ăn ở của khách du lịch, chủ động vay vốn đầu tư xây dựng khu nhà homestay; xây dựng trang trại vườn để thu hút khách; đồng thời mở các tour tuyến hộ gia đình làm nông, chăn nuôi cho khách du lịch nước ngoài trải nghiểm. Bên cạnh việc hỗ trợ giúp người dân làm du lịch, huyện cũng đã tổ chức một số lớp đào tạo tiếng Anh miễn phí cho bà con vùng Phong Nha, chỉ đạo các ngành có liên quan tuyên truyền để nâng cao nhận thức về cách ứng xử, văn hóa; đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm nhằm nâng cao đời sống cho người dân; đồng thời tập trung quy hoạch vùng lưu trú trong thôn, xã để giữ chân du khách.

Du lịch cộng đồng trải nghiệm 

Mặc dù có nhiều khởi sắc nhưng tổng thể bức tranh du lịch nông thôn Bố Trạch vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả mang lại chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn còn thiếu, chưa chuyên nghiệp; số lượng, quy mô các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn còn “khiêm tốn”; hệ thống hạ tầng hỗ trợ cho du lịch nông nghiệp, nông thôn thiếu tính đồng bộ; các dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu dẫn đến tính hấp dẫn của du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa cao.

Để phát triển du lịch nông thôn trong năm 2023, huyện Bố Trạch đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, phát triển du lịch gắn với OCOP; 100% điểm đến du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá điểm du lịch nông thôn áp dụng thương mại điện tử; lực lượng lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch; phục dựng văn nghệ dân gian, ẩm thực truyền thống; xây dựng quy trình mẫu về nghề truyền thống; xây dựng sản vật nông sản làm quà tặng lưu niệm; khảo sát các điểm du lịch ở xã Hưng Trạch để xây dựng đề án thành lập Làng du lịch Bồng Lai; đồng thời phối hợp các sở, ngành, địa phương triển khai Đề án Làng văn hóa, du lịch xã Cự Nẫm; khai thác dịch vụ du lịch ven biển Đá Nhảy và Trung Trạch…

Mô hình du lịch Sinh thái Đồi Dẻ 

Đặc biêt, huyện cần định hướng, bố trí và tổ chức không gian lãnh thổ các khu du lịch, điểm du lịch nông thôn phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch và đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của vùng, địa phương; xây dựng các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm đạt chất lượng phục vụ khách du lịch; nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến; xây dựng và phát triển các hạ tầng dịch vụ; tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao; hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở lưu trú và các công trình dịch vụ đảm bảo chất lượng dịch vụ, hạn chế tác động đến môi trường; hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao; nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở về quản lý và phát triển hoạt động du lịch nông thôn; xây dựng tài liệu hướng dẫn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường nâng cao năng lực nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn, xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh; chuyên nghiệp hóa việc cung cấp, kiểm tra, kiểm soát dịch vụ du lịch có chất lượng và công tác quản lý điểm du lịch nông thôn.

Phát triển du lịch vường tại các hộ gia đình 

Ngoài ra, huyện chú trọng xây dựng, triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương; phát triển và định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn; tăng cường nghiên cứu, xây dựng các công cụ, phương thức, nội dung xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn phù hợp với các loại hình du lịch và các đối tượng du khách; ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện cho xúc tiến quảng bá các điểm du lịch nông thôn, sản phẩm du lịch nông thôn, tiếp cận các thị trường du lịch, kết nối với khách hàng mục tiêu; tập trung hỗ trợ, tăng cường liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch giữa các xã, huyện nông thôn mới có tiềm năng phát triển du lịch với các công ty lữ hành để chào bán sản phẩm du lịch nông thôn cho khách du lịch nội địa và quốc tế; xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững; ưu tiên các mô hình có sản phẩm du lịch đặc sắc cho từng vùng miền và có hiệu quả kinh tế.

 

PV ĐHà

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập