Chi tiết bài viết

Tượng Bác Hồ tạc giữa lòng dân

9:48, Chủ Nhật, 21-5-2017

Mỗi dịp tháng năm, tháng sáu, người dân Quảng Bình lại nhớ Bác khôn cùng, nhớ sinh nhật của Người, và nhớ cả lời từ biệt của Người từ 60 năm về trước: “Bác về, rồi Bác lại vô”!

Suốt cuộc đời hy sinh vì nước vì dân, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc, Bác Hồ luôn canh cánh trong lòng chưa được một lần vào thăm miền Nam, thăm kinh thành Huế nơi mẹ Người nằm lại, thắp nén nhang trước phần mộ cha ở Cao Lãnh, Đồng Tháp. Dấu chân vạn dặm của Bác chỉ mới đến Quảng Bình, vùng đất địa đầu giới tuyến của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Một ngày thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh, hình ảnh Bác đã tạc vào lòng dân, mãi mãi ở giữa lòng dân.

Quảng Bình khắc ghi lời Bác

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, trong những năm tháng chiến tranh, Quảng Bình ra sức phấn đấu “chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”. Lũ “Thần sấm”, “Con ma” 100, 200, 400, 500… thứ 3.000 lần lượt rơi trên đất Quảng Bình. Mặc dù là địa phương trực tiếp đương đầu với những âm mưu của giặc và bè lũ tay sai nhưng Quảng Bình luôn chắc tay cày, tay súng, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, tất cả vì miền Nam thân yêu.


Ảnh Bác Hồ tặng quân và dân Quảng Bình nhân dịp sinh nhật 19/5/1968

Hợp tác xã (HTX) Đại Phong vang danh trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và hợp tác xã miền Bắc được Bác ngợi khen. Bác kêu gọi cả miền Bắc thi đua học tập theo Đại Phong, viết bài ca ngợi HTX Đại Phong đăng trên báo Nhân Dân: “Từ ngày Trưởng ban Nông nghiệp của Trung ương Nguyễn Chí Thanh nêu những ưu điểm và tiến bộ của Hợp tác xã Đại Phong, đến nay chưa đầy hai tháng mà khắp cả miền Bắc đã có ngót một nghìn hợp tác xã nhận thi đua học tập Đại Phong, đuổi kịp Đại Phong, vượt qua Đại Phong. Đó là một phong trào rất tốt và rất mạnh mẽ, nó chứng tỏ tinh thần hăng hái, lực lượng to lớn và khả năng dồi dào của nông dân Việt Nam...". Bác tặng cho HTX Đại Phong một chiếc máy cày DT.54 là món quà của Ban thanh niên cộng sản Cô- xô- môn, Liên Xô dành cho Bác.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, ngày 20/10/1966, Bác Hồ trực tiếp đến dự và có bài nói chuyện với những gương phụ nữ tiêu biểu tại lễ kỷ niệm. Thêm một lần nữa, Bác hướng về Quảng Bình: “Trong cuộc chống Mỹ cứu nước hiện nay, các bà mẹ chiến sỹ đã khuyến khích con cháu của mình vào bộ đội, đánh giặc, cứu nước, còn ân cần nuôi nấng, giúp đỡ, bảo vệ cán bộ và chiến sỹ khác như con cháu mình. Thí dụ: bà mẹ Suốt ở Quảng Bình đã xông pha bom đạn, không sợ sóng to, gió lớn, suốt ngày đêm chèo thuyền đưa bộ đội và cán bộ qua sông để chiến đấu”.

Tháng 5/1968, Bác Hồ gửi tặng cho mỗi gia đình “Hai giỏi” Quảng Bình một tấm ảnh có chữ ký của Người. Nhân dân Quảng Bình lồng ảnh trong khung kính, đặt vào nơi trang trọng nhất. Sau này Bác mất, bà con dùng làm ảnh thờ. Cứ vào dịp tết Độc lập 2/9, trước khi chuẩn bị vào lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, bà con đều có một mâm cỗ cúng đặt lên bàn thờ. Mâm cỗ đó được nhân dân tâm niệm là giỗ Bác Hồ, sau nữa là mời thân nhân đã khuất về vui cùng con cháu, quê hương trong dịp lễ trọng.

Gần như năm nào cũng vậy, cứ vào sáng sớm ngày 2/9, cựu chiến binh Phạm Hữu Ngưu, ở đội 7, Thượng Phong, xã Phong Thủy lại đạp chiếc xe đạp cọc cạch đèo vợ lên chợ Tréo, tỉ mẩn chọn những đồ đặc sản ngon nhất của quê hương về làm cơm dâng Bác Hồ. Trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng bên bờ sông Kiến Giang, hai người già lặng lẽ chế biến mâm cỗ cúng với tất cả lòng thành kính. Ông Ngưu tâm sự: “Là người lính cụ Hồ, trở về quê hương sau hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, trong tâm thức người lính chúng tôi luôn canh cánh nỗi nhớ Bác khôn nguôi. Trong chiến tranh không có điều kiện để tri ân Người, ở thời bình, đất nước, quê hương vững vàng trên con đường đổi mới, đời sống nhân dân ngày càng khá dần lên… “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, đạo lý dân tộc ta ngàn đời nay như vậy. Sống trong hòa bình, độc lập, tự do… càng nhớ đến công ơn Hồ Chủ tịch nhiều hơn. Mâm cơm giỗ Bác Hồ của gia đình tôi cũng như của người dân ở đây là để thể hiện tấm lòng tri ân Người”.

Hình ảnh Bác còn mãi giữa lòng dân

Ông Phan Khắc Hải (ở Lý Hòa, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tâm sự: “Khi còn đương nhiệm, bản thân tôi bỏ ra rất nhiều thời gian để tìm hiểu và học tập về Bác Hồ. Mình tự hào khi quê hương Quảng Bình, Vĩnh Linh đại diện cho đồng bào miền Nam được đón Bác về thăm. Sau 30 năm bôn ba hải ngoại, trở về tổ quốc, lãnh đạo nhân dân làm Cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến chống Pháp thắng lợi rồi tiếp tục kháng chiến chống Mỹ, dành độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, dấu chân Bác cũng chỉ mới dừng lại ở Quảng Bình. Càng thắm tình ruột thịt hơn khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mãi mãi an nghĩ tại Vũng Chùa - Đảo Yến, như lời Đại tướng dung dị lúc còn sống “Quảng Bình là nhà tôi. Khi nào rảnh việc nước thì tôi về nhà””.


Bác Hồ gặp gỡ Anh hùng Nguyễn Thị Suốt

Đến giờ, ông Hải vẫn còn nhớ rất nhiều những mẩu chuyện về Bác với Quảng Bình. Ông bảo: “Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác Hồ đã từng kể rằng, năm 1959, trong chuyến thăm hữu nghị Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu, một đêm hai bác cháu nằm nghỉ bên bờ biển Hắc Hải, đột nhiên Bác hỏi: Chú Kỳ có nhớ chuyến vào thăm Quảng Bình không? Ở đây có tốt hơn bãi biển Đồng Hới không? Đồng chí Vũ Kỳ chưa kịp trả lời thì Bác đã tiếp lời: “Bãi biển ở Đồng Hới đẹp và trong lành hơn ở đây nhiều””.

Đêm trên bờ biển Đồng Hới, Bác Hồ không ngủ được. Chỉ một khoảng cách ngắn ngủi thôi là đến vùng giới tuyến Vĩnh Linh, đến cầu Hiền Lương, bên kia là miền Nam, miền Nam trong trái tim Người, nơi tuổi thơ Người bao lần qua, nơi bến cảng Nhà Rồng Người “đi tìm hình của nước”… Bác chia sẻ với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh rằng: “Quê mình ở huyện Nam Đàn, xứ Nghệ… Rồi từ cảng Sài Gòn đi qua Pháp, Nga, Trung Quốc, có lúc đến các nước châu Phi, châu Âu, châu Mỹ… thế mà hôm nay chỉ mới đến được Đồng Hới. Chưa về tới miền Nam yêu dấu. Mẹ mình mất ở Huế. Mộ cha thì ở Cao Lãnh… Quê mình thực sự kéo dài trên cả nước!”. Lời gan ruột của Bác hòa cùng tiếng sóng Nhật Lệ, nghe da diết khôn cùng.

Nói chuyện với quân và dân Quảng Bình, Vĩnh Linh, Bác Hồ căn dặn: “Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc, tiếp giáp với miền Nam, mọi việc làm tốt hay xấu của các cô, các chú đều có ảnh hưởng nhất định đến cách mạng miền Nam, đều có ảnh hưởng đến việc bảo vệ miền Bắc. Nếu kẻ địch có hành động liều lĩnh gì thì Quảng Bình, Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết và phải bảo đảm đánh thắng chúng trước hết”. Đúng như lời Bác dự đoán, tháng 2/1965, Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Quảng Bình trở thành nơi đụng độ đầu tiên của quân và dân miền Bắc XHCN với không lực Hoa Kỳ.


Chiếc máy cày, món quà của Bác Hồ dành tặng cho HTX Đại Phong

Cho đến tháng 7/1965, khi nghe tin Quảng Bình bắn rơi 100 chiếc máy bay Mỹ, dù bận trăm công ngàn việc, Bác Hồ vẫn viết thư khen. Bức thư có đoạn: “Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình đã bắn rơi 100 máy bay giặc, vừa qua lại thu hoạch vụ chiêm rất tốt. Như vậy là tỉnh nhà chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi…”. Từ đó, Quảng Bình có thêm một cái tên trìu mến, thân thương khác, theo lời ngợi khen của Bác Hồ - quê hương “Hai giỏi”.

Đã gần tròn 60 năm, kể từ ngày Bác đặt chân lên đất Quảng Bình. Chỉ một ngày thôi, hình ảnh Bác đã tạc vào lòng dân, mãi mãi ở giữa lòng dân. “Đối với Quảng Bình, nghề biển, nghề rừng cũng quan trọng không kém nghề ruộng. Hơn nữa, Quảng Bình còn có những thứ đặc biệt mà các nơi khác trên miền Bắc ít có. Xưa nay Quảng Bình nghèo khổ là vì đế quốc phong kiến bóc lột kìm kẹp, vì chiến tranh tàn phá. Ngày nay, chúng ta đã có hòa bình để xây dựng xã hội; nếu biết dùng đúng và dùng tốt tài nguyên và lao động của mình thì Quảng Bình sẽ giàu có, không những đời sống nhân dân trong tỉnh được nâng lên mà còn đóng góp một phần quan trọng cho Nhà nước”, lời động viên, khích lệ của Bác năm xưa đã tạo cho Quảng Bình khí thế và tầm cao mới, trong chiến đấu, trong sản xuất, để lại phong trào có dấu ấn lịch sử - phong trào thi đua Hai giỏi của thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Từ ngày hòa bình lập lại, trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Quảng Bình đã và đang vươn lên mạnh mẽ. Đáp lại những tình cảm và lòng mong mỏi của Bác, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình quyết tâm xây dựng Quảng Bình thành tỉnh gương mẫu, thành tỉnh Anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Đó cũng là cách mà nhân dân Quảng Bình thể hiện tấm lòng tri ân của mình đối với Bác.

Mỗi dịp tháng năm, tháng sáu, người dân Quảng Bình lại nhớ Bác khôn cùng, nhớ sinh nhật của Người, và nhớ cả lời từ biệt của Người từ 60 năm về trước: “Bác về, rồi Bác lại vô”!

Theo Thành Long/Báo Công lý

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập