Chi tiết bài viết

Quảng Bình luôn trong trái tim Bác

16:4, Thứ Hai, 5-6-2017

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho mảnh đất Quảng Bình tuyến lửa sự quan tâm, sẻ chia và những tình cảm yêu thương nhất. Điều này không chỉ thể hiện trong lần Bác về thăm hay tại các buổi gặp gỡ, trò chuyện với con em Quảng Bình..., mà còn cả trong những việc làm nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa.

Từ cuối năm 1959 đến 1969, đối với những gương làm việc tốt đọc được trên báo chí, Người liền cử cán bộ đi xác minh và tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ cho người có thành tích xứng đáng, góp phần dấy lên phong trào thi đua “nhà nhà làm việc tốt, người người làm việc tốt”.

Và Quảng Bình vinh dự có những người con xuất sắc được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ và được Người dành những tình cảm quan tâm đặc biệt. Lần giở những tài liệu quý về Người, không khỏi xúc động khi được thấy bút tích của Bác trên các bài báo viết về những tấm gương anh dũng, kiên cường của Quảng Bình. Bởi, với Bác, mảnh đất miền Trung nhiều nắng lắm gió này luôn hiện hữu trong tim.


Anh chị em Đoàn Văn công Quảng Bình phục vụ tiểu đội 5, đoàn 367, đơn vị đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 3.000 của Mỹ trên bầu trời miền Bắc

Ngày 11-3-1964, Báo Tiền Phong có đăng bài viết: “Gương dũng cảm của hai thanh niên thủy thủ”, trong đó, ca ngợi anh Dương Đình Thọ là Bí thư Chi đoàn đội thuyền đánh cá ở Quảng Bình và anh Phan Văn Lán, Bí thư Chi đoàn thanh niên ở Hà Tĩnh đã dũng cảm hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ tàu giữa biển khơi giá rét.

Sau khi đọc bài báo, Người đã rất xúc động và đã viết “thưởng 2 huy hiệu” của Bác Hồ. Theo bài báo, vào một đêm mưa to, gió lớn, thủy triều dâng mạnh, nước chảy xiết, ở cửa Roòn, một thuyền bị đứt dây neo khiến nhiều thuyền bè bị xô đẩy dữ dội.

Anh Dương Đình Thọ, Bí thư Chi đoàn đội thuyền đánh cá, đã dũng cảm lao đến cứu thuyền và hô hào anh em cùng giúp sức. Trong lúc cứu thuyền, anh Thọ bị tượt ngã khỏi mạn thuyền và bị thương nặng. Nhưng, anh vẫn hăng hái kêu gọi anh em hoàn thành nhiệm vụ. Khi gió bớt mạnh, thuyền đã được cứu gần hết, anh mới chịu cho khiêng đi cấp cứu. Bút tích của Người còn gạch đỏ dòng chữ: “Gương Dương Đình Thọ là Bí thư Chi đoàn ở cửa Roòn (Quảng Bình) trong đêm tối, gió mạnh, dũng cảm và mưu trí cứu thuyền, đã động viên toàn thể anh em hăng hái hoàn thành nhiệm vụ”.

Người cũng rất quan tâm đến bài viết “Nguyễn Xuân Nài-Người thanh niên dũng cảm trên mặt biển” ca ngợi đồng chí Nguyễn Xuân Nài ở HTX Quang Phú, Lộc Ninh, Quảng Bình, đăng trên Báo Tiền Phong ngày 28-7-1963. Khi hai chiếc thuyền của HTX Quang Phú bị đâm ở ngoài khơi, anh Nguyễn Xuân Nài đã vận động anh em đi cứu thuyền, cứu lưới bất chấp bao khó khăn, vất vả. Anh cũng tích cực tham gia vận động đoàn viên thanh niên mạnh dạn chuyển đổi ngư trường mới, thi đua lập thành tích.

Bên cạnh đó, anh Nguyễn Xuân Nài còn tiên phong trong việc phát huy sáng kiến, đổi mới kỹ thuật đánh bắt cá, nhờ đó, năng suất đánh bắt tăng gấp 8 lần. Khi đọc về tấm gương của anh Nguyễn Xuân Nài, Người đã lấy bút phê “thưởng huy hiệu”.

Quảng Bình còn ở trong tim Bác khi Người gặp gỡ các nghệ sĩ Đoàn Văn công tỉnh. Tối ngày 1-5-1966, Đoàn Văn công tỉnh Quảng Bình được Bác Hồ và Trung ương Đảng cho phép biểu diễn tại phòng khách Phủ Chủ tịch. Ngay khi các diễn viên đang trang điểm, Bác Hồ đã đến từ sớm, thăm hỏi sức khỏe từng diễn viên và dặn dò biểu diễn cho thật tốt. Trong hồi ức của ông Bùi Hữu Hà (cuốn “Một thời để nhớ”, kỷ niệm 40 năm Đoàn văn công nhân dân Quảng Bình 1959-1999), hình ảnh Người với đôi mắt ngấn lệ khi nhìn thấy các diễn viên trong đoàn xúc động rơi nước mắt mãi là ấn tượng không quên.

Người quan tâm đến việc nhỏ nhặt nhất khi hỏi: “Có cháu nào đau bụng không?”. Khi nghệ sĩ Nam Kỷ chia sẻ bị đau đụng, Bác dặn dò, nếu đang đau thì nghỉ, đừng vì biểu diễn cho Bác xem mà phải cố gắng là không được. Bác bảo, mỗi tháng chỉ diễn 15 buổi là vừa, diễn nhiều quá không tốt. Bác quan tâm đến trình độ học vấn của anh chị em trong đoàn. Khi biết các nghệ sĩ học cao nhất là lớp 10, còn một số mới học lớp 5, Bác dứt khoát bảo: “Không được, làm công tác này ai cũng phải học hết lớp 10”.

Cuối buổi biểu diễn, như biết được tâm tư của anh chị em nghệ sĩ, Bác dành thời gian trò chuyện, hỏi thăm đời sống, trình độ văn hóa, phương thức hoạt động của Đoàn. Bác còn nói với các nữ diễn viên rằng, Bác biết con gái Quảng Bình hút thuốc nhiều, nhất là con gái Lệ Thủy và khuyên con gái không nên hút thuốc và Bác chỉ chia thuốc cho các nam nghệ sĩ. Những sự quan tâm cụ thể, chi tiết đó của Người đã chứng tỏ tỉnh cảm yêu thương Người dành cho con em Quảng Bình nơi trận đầu tuyến lửa. Bởi với Người, Quảng Bình luôn ở trong trái tim.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập