Chi tiết bài viết

Hồ Nguyên ơn Bác

15:57, Thứ Ba, 13-9-2022

Về bản Thượng Sơn, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) hỏi thăm đường đến nhà Hồ Thị Thu Nguyên, học sinh lớp 9, Trường PTDT bán trú THCS Trường Sơn, dân bản chỉ vào một ngôi nhà nhỏ đơn sơ kèm theo lời “có cánh”: “Ơ... con bé Hồ Nguyên nớ, đẹp người, đẹp nết, chăm ngoan, học giỏi. Thiệt xứng đáng con em của bản”.

Buổi chiều, tranh thủ thời gian nghỉ học ở trường, Hồ Thị Thu Nguyên ở nhà chăm em, thái rau, nấu thức ăn cho 4 con lợn đang tuổi ăn, tuổi lớn gần dịp xuất chuồng. Bố mẹ em là Hồ Văn Long, Hồ Thị Vàng tranh thủ thời gian nắng ráo lên lên rẫy thu hoạch lúa, sắn... Nguyên làm chị cả trong gia đình gồm 4 chị em, nên mọi việc đều phải một tay “cân, đo, đong, đếm”. Hỏi vì sao dân bản kêu tên Hồ Nguyên, cô bé Vân Kiều lý lắc: “Gọi rứa cho gọn!”.

Xa và thật xa... khi Hồ Nguyên đang tuổi ấu thời, ông nội, bà nội rồi bố mẹ từng kể chuyện cho em nghe về một ông tiên như trong chuyện cổ tích. Ông tiên đó có cái tên thật dung dị: Bác Hồ! Lớn thêm đôi tuổi, học thêm mấy lớp, Hồ Nguyên tự nhủ với lòng mình, phải học tập theo gương Bác. Rồi những câu chuyện Nguyên kể cho các em Hồ Văn Lành, Hồ Thị Thanh, Hồ Thị Thúy về Bác Hồ cứ hồn nhiên, trong veo như ánh mắt trong veo của người kể chuyện và đàn em thơ.
 
Cô giáo Trương Thị Lý, Tổng phụ trách Đội, Trường PTDT bán trú THCS Trường Sơn tâm sự về Hồ Thị Thu Nguyên: “Cô bé vốn bị bệnh gan từ nhỏ, sức khỏe rất yếu. Thế nhưng Nguyên rất dũng cảm, bốn năm liền lớp 6, 7, 8, 9 luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi, thành viên của Hội đồng trẻ em huyện Quảng Ninh, Ban Chấp hành Liên đội trường, giải nhì hội thi giao lưu học sinh dân tộc do huyện Quảng Ninh tổ chức, giải nhì cuộc thi “Em kể chuyện Bác Hồ” của trường”.

Em Hồ Thị Thu Nguyên

Hồ Nguyên chia sẻ: “Ngoài những câu chuyện ông tiên Bác Hồ do ông bà nội và bố mẹ kể khi em còn nhỏ, em còn tìm đọc thêm về Bác qua sách vở, qua bạn bè, thầy cô ở trường, từ đó vốn kiến thức Bác Hồ em sưu tầm được ngày càng nhiều hơn. Em học Bác Hồ, em kể chuyện Bác Hồ...”.

“Hồ Nguyên học Bác Hồ được những gì?”, tôi hỏi. Cô bé cười, ánh mắt trong veo “Học tập đức tính giản dị từ Bác, sống giản dị, dũng cảm và biết yêu thương mọi người, sống có ích đối với bản thân, gia đình, xã hội. Trong nhiều câu chuyện về Bác, em ấn tượng nhất là những chuyện như “Đôi dép Bác Hồ”, “Chiếc áo ấm”...
 
Rồi Hồ Nguyên kể: “Trên thế giới, có lẽ không có vị lãnh tụ nào lại đi đôi dép cao su như Bác Hồ. Có lần trên đường công tác, Bác nói vui với những cán bộ đi cùng “Đây là đôi hài vạn dặm trong truyện cổ tích ngày xưa... Đôi hài thần đất, đi đến đâu mà chẳng được”. Gặp suối hoặc trời mưa, đường trơn, bùn nước vào dép khó đi, Bác tụt dép, xách tay. Đi thăm bà con nông dân, sải chân trên các cánh đồng đang vào vụ cấy hay vụ gặt, Bác lại xắn ống quần cao lên, lội ruộng, tay xách hoặc nách kẹp đôi dép cao su”.
 
“Năm 1960, Bác Hồ đến thăm một đơn vị Hải quân nhân dân Việt Nam. Các chiến sĩ ai cũng muốn đến thật gần bên Bác hơn. Chợt nhiên, Bác đứng lại bảo: “Thôi, các cháu giẫm làm tụt quai dép của Bác rồi”. Các chiến sĩ tình nguyện sửa dép cho Bác, nhiều người phàn nàn vì đôi dép cao su của Bác đã quá cũ. Một lúc sau, đôi dép cũng được sửa xong, mọi người đề nghị Bác đổi đôi dép mới. Bác ôn tồn bảo: “Đôi dép của Bác cũ nhưng chỉ mới tụt quai. Các cháu đã sửa lại chắc chắn cho Bác thế này thì nó còn thọ lắm! Mua đôi dép khác chẳng đáng là bao, nhưng khi chưa cần thiết cũng chưa nên. Ta phải tiết kiệm vì đất nước ta còn nghèo”. Câu chuyện “Đôi dép Bác Hồ” em kể nhiều lắm, mỗi lần kể là một cung bậc cảm xúc, luôn tươi mới. Qua câu chuyện này, em muốn chuyển tải đến cho mọi người về lối sống giản dị, tiết kiệm, noi theo gương Bác Hồ. Nhất là khi quê hương Trường Sơn, đồng bào Bru-Vân Kiều Quảng Bình đang còn nghèo khó”.
 
Đang kể chuyện Bác Hồ, Hồ Nguyên bất chợt hỏi lại tôi: “Anh có biết, ngươi Bru-Vân Kiều Quảng Bình, Quảng Trị ơn Bác Hồ điều gì không?”. Chẳng đợi tôi trả lời, Hồ Nguyên say sưa giải thích: “Đồng bào ơn Bác, vinh dự và tự hào khi được mang họ Bác. Thế hệ đồng bào Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn anh hùng bao đời nay vẫn kế thừa, tự hào, tiếp nối, nguyện sống xứng đáng, theo Đảng, Bác Hồ kính yêu”.
 
“Cháu học rất giỏi Văn, vì Văn là người, vì học Văn mới đem cháu đến thật gần hơn với Bác Hồ kính yêu. Thế nên sau này cháu mong muốn trở thành cô giáo dạy Văn, trở về cống hiến cho quê hương Trường Sơn của mình. Để những câu chuyện kể về Bác Hồ cứ mạch trào, xuôi chảy, xuyên suốt qua bao nhiêu thế hệ người Bru-Vân Kiều Trường Sơn từ quá khứ hướng đến tương lai”, Hồ Nguyên ước mơ.

Theo Báo Quảng Bình

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập