Chi tiết bài viết

Muốn an toàn khi tham gia giao thông, cần phải biết những quy định này

9:51, Thứ Bảy, 1-2-2020

1. Nhận diện hiệu lệnh của người điều khiển giao thông

Theo Khoản 2 Điều 10 Luật giao thông đường bộ 2008, hiệu lệnh của người điều kiện giao thông bao gồm:

Tay giơ thẳng đứng: Báo hiệu cho người tham giao thông ở các hướng dừng lại;
Hai tay hoặc một tay dang ngang: Báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía trước và ở phía sau người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía bên phải và bên trái của người điều khiển giao thông được đi.

Tay phải giơ về phía trước: Báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía sau và bên phải người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía trước người điều khiển giao thông được rẻ phải; người tham gia giao thông ở phía bên trái người điều khiển giao thông được đi tất cả các hướng; người đi bộ phải đi sau lưng người điều khiển giao thông.

2. Quy định về tín hiệu đèn giao thông

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 10 Luật giao thông đường bộ 2008, tín hiệu đèn giao thông được quy định bao gồm 03 màu: Đèn xanh, Đèn đỏ và Đèn vàng. Trong đó, đèn xanh là được đi; đèn đỏ là cấm đi.

Đèn vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

3. Nhận diện biển báo hiệu đường bộ

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 10 Luật giao thông đường bộ 2008, biển báo hiệu đường bộ gồm 05 nhóm:

Biển báo cấm để biểu thị các điều cấm;

Biển báo nguy hiểm để cánh báo các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra;

Biển hiệu lệnh để báo các hiệu lệnh phải thi hành;

Biển chỉ dẫn để chỉ dần hướng đi hoặc các điều cần biết;

Biển phụ để thuyết minh bổ sung các loại biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn.

4. Vượt xe phải báo hiệu bằng đèn hoặc còi

Theo Điều 14 Luật giao thông đường bộ 2008, xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.

Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.

Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái; khi xe điện đang chạy giữa đường; khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được thì mới được phép vượt bên phải.

Lưu ý: Các xe không được vượt khi có một trong các trường hợp sau đây:

Không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật giao thông đường bộ 2008;

Trên cầu hẹp có một làn xe;

Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế;

Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;

Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;

Xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.

5. 7 nơi không được lùi xe

Theo quy định tại Điều 16 Luật giao thông đường bộ, các xe không được lùi tại các địa điểm sau:

Ở khu vực cấm dừng;

Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

Nơi đường bộ giao nhau;

Nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;

Nơi tầm nhìn bị che khuất;

Trong hầm đường bộ;

Đường cao tốc;

6. 11 vị trí không được dừng xe, đỗ xe

Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:

Bên trái đường một chiều;

Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;

Trên cầu, gầm cầu vượt;

Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;

Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;

Nơi dừng của xe buýt;

Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;

Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;

Trong phạm vi an toàn của đường sắt;

Che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Đây là nội dung được quy định tại Khoản 4 Điều 19 Luật giao thông đường bộ 2008.

7. Dừng, đỗ xe không cách lề đường phố quá 0,25m

Đây là nội dung được quy định tại Điều 19 Luật giao thông đường bộ 2008. Theo đó, người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố phải tuân theo quy định tại Điều 18 Luật giao thông đường bộ 2008, đồng thời phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách lề đường, hè phố quá 0,25m; trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20m.

Lưu ý: Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước.

8. Xe chữa cháy được đi trước tiên

Theo Điều 22, trong số các xe ưu tiên thì xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ được ưu tiên đi trước các xe khác; sau đó là lần lượt là xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; Xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai; Đoàn xe tang.

Ngoại trừ Đoàn xe tang, những xe còn lại, khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường.

9. Chỉ được “tải 3” trên xe máy trong 3 trường hợp

Theo quy định tại Điều 30 Luật giao thông đường bộ 2008, người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ 03 trường hợp sau thì được chở tối đa hai người:

Chở người bệnh đi cấp cứu;

Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;

Chở trẻ em dưới 14 tuổi.

Người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy khi tham gia giao thông không được thực hiện các hành vi: Mang, vác vật cồng kềnh; Sử dụng ô; Bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác; Đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái;…

10. Từ đủ 16 tuổi mới được đi xe máy

Theo Điều 60 Luật giao thông đường bộ 2008, độ tuổi của người điều khiển xe máy, ô tô được quy định như sau:

Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe máy dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;

Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe máy dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên; xe ô tô tải có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;

Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);

Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);

Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);

Lưu ý: Tuổi tối đa của người lái ô tô trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.

11. Tốc độ cho phép của các loại xe

Theo khoản 1 Điều 12 Luật Giao thông đường bộ, người lái xe phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường. Theo đó, Điều 6, Điều 7, Thông tư 91/2015/TT-BGTVT hướng dẫn cụ thể về quy định này như sau:

- Trong khu vực đông dân cư: Tốc độ tối đa cho phép của các phương tiện (trừ xe máy chuyên dùng, xe gắn máy) là 60km/h nếu là đường đôi, đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên; 50km/h nếu là đường hai chiều không có dải phân cách, đường một chiều có một làn xe cơ giới.

- Ngoài khu vực đông dân cư: Tốc độ tối đa cho phép của các phương tiện là 90km/h nếu là ô tô con, ô tô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt), ô tô tải có trọng tải đến 3,5 tấn; 80km/h nếu là ô tô trên 30 chỗ; 70km/h nếu là xe ô tô buýt; ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc; ô tô chuyên dùng; xe mô tô, 60km/h nếu là ô tô kéo rơ moóc; ô tô kéo xe khác nếu là đường đôi; nếu là đường hai chiều không có dải phân cách giữa, đường một chiều có 1 làn xe cơ giới, tốc độ tương ứng của các loại xe là 80km/h, 70km/h, 60km/h và 50km/h.

12. Khoảng cách an toàn giữa các xe

Bên cạnh đảm bảo tốc độ cho phép, Luật Giao thông yêu cầu người lái xe phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình. Theo nội dung hướng dẫn cụ thể về điều này tại Điều 12 Thông tư 91/2015/TT-BGTVT:

- Khi mặt đường khô ráo, nếu tốc độ chạy xe trên 60km/h thì khoảng cách tối thiểu là 35m; nếu 80km/h thì khoảng cách là 55m, nếu 100km/h thì là 70m, 120km/h là 100m.

- Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường quanh co, đèo dốc…, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hoặc quy định trên.

13. Cấm người đi bộ đi vào đường cao tốc

Đây là nội dung quy định tại Điều 26 Luật giao thông đường bộ 2008, cụ thể, người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Với các phương tiện khác, khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào làn đường của đường cao tốc và khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi rời khỏi đường cao tốc. 

Nguồn: https://thukyluat.vn

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập