Chi tiết bài viết

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn

15:35, Thứ Năm, 1-12-2022

(Quang Binh Portal) - Năm 2022, trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tinh thần nỗ lực rất lớn, quyết tâm cao, đồng hành vượt khó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt được kết quả tương đối ổn định, an ninh lương thực được giữ vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của tỉnh, xây dựng nông thôn mới (NTM) và nâng cao đời sống dân cư nông thôn.

Cụ thể, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (giá so sánh 2010) đạt 9.802 tỷ đồng, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp 6,55% mức tăng trưởng chung; cơ cấu GRDP chiếm 20,13%; sản lượng lương thực 29,7 vạn tấn, đạt 104,2% kế hoạch; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 53% giá trị sản xuất nông nghiệp; tổng sản lượng thủy sản 93.151,8 tấn, tăng 4,59%; độ che phủ rừng 68,5%; dân số nông thôn được cấp nước sạch, hợp vệ sinh 98%. 

Sau khi rà soát theo Bộ Tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến đến cuối năm 2022, bình quân tiêu chí/xã đạt 15,9 tiêu chí, giảm 1,3 tiêu chí/xã so với năm 2021; có thêm 04 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số lên 89 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 69,5% tổng số xã; 02 đơn vị cấp huyện có 100% số xã đạt chuẩn NTM. 

Đến nay, toàn tỉnh có 1.213 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, thủy sản được cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phảm, chiếm 70,8%, vượt mục tiêu kế hoạch năm 2022; có 13 điểm kinh doanh được cấp Giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, 82 cơ sở đã thực hiện tự công bố chất lượng cho 186 sản phẩm nông, thủy sản; 55 cơ sở được chứng nhận VietGAP, HACCP. Chất lượng các chuỗi giá trị thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn ngày được nâng cao, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản sạch theo chuỗi. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đã đầu tư về cơ sở vật chất, áp dụng quy trình, chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như VietGAP, HACCP; một số sản phẩm nông, thủy sản có chất lượng, đảm bảo an toàn của tỉnh được gắn tem truy xuất nguồn gốc bày bán tại siêu thị, cửa hàng nông sản sạch trong cả nước và hướng đến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 290 hợp tác xã (HTX) nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 17 HTX so với năm 2021; có 01 liên hiệp HTX nông nghiệp với 04 thành viên HTX; 33 HTX ứng dụng công nghệ cao, chiếm 11,4% trên tổng số HTX nông nghiệp; 73 HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên, chiếm 25,2% trên tổng số HTX nông nghiệp toàn tỉnh. Doanh thu bình quân 1.250 triệu đồng/HTX, lãi bình quân 126 triệu đồng/HTX; có 53 sản phẩm của 34 HTX nông nghiệp đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh, chiếm 56,4%.

Mặt khác, kinh tế trang trại phát triển đa dạng trên nhiều lĩnh vực nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt liên kết giữa chủ trang trại với doanh nghiệp ngày càng nhiều, nhất là các trang trại chăn nuôi, góp phần vào việc phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Đến nay, toàn tỉnh có 381 trang trại, tăng 58 trang trại so với cuối năm 2021; có 64 trang trại sử dụng công nghệ cao và 23 trang trại tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tăng gấp đôi so với cùng kỳ; giá trị thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân 2.039 triệu đồng/trang trại; có 94 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó 05 sản phẩm 4 sao, 89 sản phẩm 3 sao. 

Tuy nhiên, tăng trưởng toàn ngành không đạt kế hoạch đề ra; cơ cấu lại nông nghiệp chưa mang lại hiệu quả rõ rệt; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều, chưa đa dạng; chưa có các vùng, khu sản xuất tập trung, thiếu những công nghệ tiên tiến; chăn nuôi vẫn nhỏ lẻ, tổng đàn phục hồi nhưng chậm; việc tái đàn lợn chủ yếu diễn ra ở các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, tại khu vực nông hộ còn chậm…

Năm 2023, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấu đấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (giá so sánh 2010) tăng 3,5 - 4% so với năm 2022; cơ cấu nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 19% GRDP toàn tỉnh; ổn định sản lượng lương thực trên 28,5 vạn tấn; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 52 - 53% giá trị sản xuất nông nghiệp; tổng sản lượng thủy sản 95.500 tấn; độ che phủ rừng ổn định trên 68%; tỷ lệ tưới tiêu chủ động 98%; tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước sạch, hợp vệ sinh 98%; phấn đấu 07 xã đạt NTM 06 xã đạt NTM nâng cao, 03 xã đạt NTM kiểu mẫu.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó tập trung phát triển hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn; ưu tiên thực hiện chính sách tích tụ, tập trung đất đai để mở rộng các vùng sản xuất; thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ tiếp cận thông tin khoa học, kỹ thuật, thị trường; hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; phát triển liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, bền vững; tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 59/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Toàn ngành tập trung đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình “chuyển đổi số, kinh tế số” trong lĩnh vực nông nghiệp; phát triển kinh tế hợp tác, trọng tâm là HTX trong nông nghiệp, nông thôn; phát triển các hình thức liên kết; phát triển kinh tế trang trại; hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp nông thôn, nhất là doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, sử dụng nguyên liệu và thu hút nhiều lao động nông nghiệp tại chỗ, doanh nghiệp dịch vụ vật tư, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản cho nông dân. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số; ưu tiên nguồn lực khoa học công nghệ để tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tiếp tục chuyển giao, ứng dụng nhanh thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến cho nông dân, nông thôn, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng các sản phẩm nông sản của tỉnh trên thị trường; tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tạo nguồn nhân lực phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng NTM.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ tiếp tục tăng cường triển khai hoạt động xúc tiến thương mại nông, lâm thủy sản phù hợp tình hình thị trường, duy trì các chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản, từ vùng nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ, đồng thời ứng dụng thương mại điện tử, công nghệ số nhằm nâng cao khả năng kết nối sản xuất và thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất nắm bắt thông tin, dự báo, điều chỉnh phương án sản xuất gắn với thị trường, dịch bệnh; xây dựng và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng mẫu mã hàng hóa, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; triển khai đồng bộ và quyết liệt giải pháp đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; phát triển các vùng trồng trọt và chăn nuôi an toàn sinh học, nhất là ở các vùng sản xuất hàng hóa trọng điểm, vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến; nâng cao hiệu quả hoạt động thanh, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở sản xuất; tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp; xử lý nghiêm vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý sai phạm, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành của ngành, phục vụ tốt sản xuất.

Cùng với đó, toàn ngành cũng đẩy mạnh thực hiện đề án, kế hoạch Chuyển đổi số, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, ưu tiên đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đủ trình độ tiếp cận công nghệ hiện đại để tạo những bước đột phá trong nghiên cứu, chọn, tạo và sản xuất giống, công nghệ di truyền, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để kịp thời giải quyết các vấn đề, thách thức của ngành do biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, dịch bệnh gây ra; đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp, hợp tác xã, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, khơi thông các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…

PV Mai Anh
 

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập