Chi tiết tin
Xây dựng trường chuẩn Quốc gia: Nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục
(Quang Binh Portal) - Trong hành trình phát triển giáo dục bền vững, xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia không chỉ là mục tiêu mà còn là giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng dạy và học. Trường chuẩn Quốc gia là môi trường học tập an toàn, hiện đại, góp phần hình thành nhân cách và phát triển năng lực toàn diện cho học sinh.
Thời gian qua, công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn. Tính đến tháng 3/2025, toàn tỉnh mới có 295/541 trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm 54,5%. Trong đó, mầm non đạt 50%, tiểu học 56,3%, THCS 55,4%, THPT 65,6%. Trong khi đó, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt ra đến năm 2025 là 72,08%.
Một trong những khó khăn lớn là có đến 148 trường đã hết thời hạn công nhận chuẩn nhưng chưa được đầu tư nâng cấp, chiếm 27,3%. Bên cạnh đó, nhiều trường học gặp khó về quỹ đất, quy mô không đủ điều kiện đạt chuẩn, tiến độ thi công các công trình còn chậm. Một số địa phương có số lớp tăng nhanh nhưng chưa đủ giáo viên, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu.
Để hoàn thành chỉ tiêu năm 2025, ngành Giáo dục đặt mục tiêu công nhận mới 106 trường, nâng tổng số trường đạt chuẩn Quốc gia còn thời hạn lên 390 trường, đạt tỷ lệ 72,08%. Trong đó, mầm non đạt 64,8%; tiểu học 77,8%; THCS 72,9%; THPT 78,1%.
Ngành sẽ tiếp tục rà soát, điều động hợp lý đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đảm bảo đủ số lượng, đúng cơ cấu; đẩy mạnh bồi dưỡng, nâng chuẩn theo quy định. Đầu tư cơ sở vật chất theo hướng tập trung, hiệu quả, ưu tiên các trường khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Song song đó, ngành Giáo dục đổi mới phương pháp dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, phát huy năng lực người học, linh hoạt điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với điều kiện từng trường, từng địa phương.
Việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia không thể thành công nếu thiếu sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội. Các địa phương cần dành tối thiểu 20% tổng chi ngân sách huyện để đầu tư cho giáo dục; đồng thời chú trọng xã hội hóa, huy động các nguồn lực hợp pháp đầu tư cơ sở vật chất trường học, nhất là ở những địa bàn đặc biệt khó khăn.
Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của trường chuẩn Quốc gia cũng rất cần thiết. Khi người dân hiểu rõ lợi ích, họ sẽ tích cực ủng hộ và đồng hành với nhà trường.
Xây dựng trường chuẩn Quốc gia không chỉ là một danh hiệu, mà là cam kết về chất lượng giáo dục. Đây là hành trình đòi hỏi sự kiên trì, đồng lòng và quyết tâm cao của toàn xã hội. Khi mỗi ngôi trường được đầu tư đúng mức, học sinh có điều kiện học tập tốt, giáo viên yên tâm cống hiến, thì sự nghiệp Giáo dục sẽ thật sự vững bước, góp phần phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đặng Hà
- “Trái tim cho em” và hành trình tới với trẻ em tỉnh Quảng Bình trong năm 2025 (13/05/2025)
- Quảng Bình đẩy mạnh chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho người có công (12/05/2025)
- Bế mạc Giải Vô địch cầu lông các Câu lạc bộ tỉnh Quảng Bình mở rộng năm 2025 (11/05/2025)
- Quảng Bình: Hơn 2.000 căn nhà tạm được sửa chữa, xây mới (09/05/2025)
- Khai mạc Giải vô địch cầu lông các câu lạc bộ tỉnh Quảng Bình mở rộng năm 2025 (09/05/2025)
- Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID (08/05/2025)
- Phân bổ hơn 277 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi (07/05/2025)
- Triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (07/05/2025)
- Quảng Bình: Gần 430 tấn gạo tiếp sức học sinh vùng khó khăn (05/05/2025)
- Lượng khách du lịch đến Quảng Bình đạt khoảng 369.000 lượt khách trong dịp nghỉ lễ (05/05/2025)