Chi tiết bài viết

Huyện Bố Trạch: Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển nông nghiệp

14:58, Thứ Ba, 29-11-2022

(Quang Binh Portal) -  Năm 2022, mặc dù sản xuất nông nghiệp của huyện Bố Trạch phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh gia súc, diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu, nhưng với sự quyết tâm cao, đồng hành vượt khó của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, nông nghiệp huyện đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nhiều chỉ tiêu về nông nghiệp đạt và vượt so với kế hoạch như: Sản lượng lương thực 45,02 nghìn tấn, đạt 100,2% kế hoạch; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 24.291 tấn tăng 6,8% so với cùng kỳ, đạt 110% so với kế hoạch; sản lượng thủy sản 25.340 tấn, đạt 100,2 kế hoạch; độ che phủ rừng đạt 69,8%. 

Để thực hiện có hiệu quả việc phát triển nông nghiệp, ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2021 - 2022, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tích cực với Chi nhánh Thủy nông Bố Trạch, UBND các xã, thị trấn tăng cường biện pháp tưới nước tiết kiệm, hợp lý để tích nước dự trữ cho vụ Hè Thu 2022, đồng thời chú trọng công tác phòng, chống hạn, kiểm tra và xây dựng phương án chống hạn cụ thể cho từng vùng; xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên diện tích sản xuất lúa có khả năng thiếu nước; đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng, phục ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Huyện cũng quan tâm đẩy mạnh công tác chuyển đổi bộ giống lúa theo hướng trung, ngắn ngày; đưa vào sản xuất nhiều bộ giống lúa, ngô mới, chất lượng cao như lúa QS88, VNR20, Bắc Thịnh, Hà Phát 3, LTH31...; ngô CP511, NK4300, NK6410, NK6101, PAC339, NK7328, HN88, Tố nữ... Vì vậy, năng suất lúa và ngô không ngừng được cải thiện. Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả và cây trồng vùng gò đồi sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn cũng tiếp tục được địa phương đẩy mạnh. Toàn huyện đã chuyển đổi được 31,5 ha diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình lúa - cá, dưa hấu, rau đậu các loại, mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân từ 02 - 05 lần so với trồng lúa. Huyện cũng đã chuyển đổi được 25 ha diện tích cây trồng trên đất vùng gò đồi và cao su kém hiệu quả sang trồng các cây ăn quả như như mít, ổi, bưởi, cam, na… Nhờ chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường đã phát huy tiềm năng, giá trị và hiệu quả mang lại cho người dân trong vùng.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện Bố Trạch cũng đang dịch chuyển sang quy mô trang trại nên năng suất, chất lượng tổng đàn vật nuôi được nâng cao. Tổng đàn trâu 6.142 con, đàn bò 29.850 con, tăng 0,9% so với cùng kỳ; đàn lợn 66.357 con, tăng 10%, đạt 117,4% so với kế hoạch; đàn gia cầm 837.740 con. Công tác thú y và vệ sinh môi trường chăn nuôi được quan tâm. Mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm đã có sự phát triển, mang lại hiệu quả cao. 

Đối với lĩnh vực thủy sản, huyện Bố Trạch cũng tích cực đầu tư hạ tầng nuôi trồng và đưa vào sử dụng. Người nuôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như tôm càng xanh, cá chình, cá đối…; đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức bán thâm canh, thâm canh, nuôi sinh học… nên sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng trên một đơn vị diện tích. Sản lượng thu hoạch từ nuôi trồng ước đạt 3.450 tấn, đạt 100,6% so với kế hoạch, tăng 5,74% so cùng kỳ. Trong sản xuất lâm nghiệp, huyện đã chuyển đổi theo hướng giá trị; chú trọng giao khoán, bảo vệ, khoanh nuôi phục hồi, trồng rừng, phòng, chữa cháy rừng; tiếp tục đẩy mạnh trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh và nâng cao chất lượng rừng trồng. Năm 2022, tổng sản lượng gỗ rừng trồng đạt 128.273 m3, tăng 27,2% so với cùng kỳ; năng suất rừng trồng bình quân đạt 80m3/ha. 

Mặt khác, để động viên người dân sản xuất, UBND huyện cũng đã phân bổ, hỗ trợ kinh phí cho các địa phương thực hiện cấp bù thủy lợi phí với tổng kinh phí gần 3,89 tỷ đồng; hỗ trợ sản xuất lúa hơn 3,9 tỷ đồng; hỗ trợ nhiên liệu, máy thông tin liên lạc, bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm thuyền viên 39,455 tỷ đồng; cấp kinh phí quản lý bảo vệ rừng tự nhiên hơn 1,4 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, thủy sản từ nguồn tỉnh 383,2 triệu đồng, nguồn huyện 541,34 triệu đồng; khôi phục sản xuất nông nghiệp 350 kg giống rau các loại. Người dân trên địa bàn huyện cũng ngày càng quan tâm hơn đến triển khai ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật. Hiện nay, toàn huyện đã có 11 cơ sở triển khai ứng dụng công nghệ cao trên lĩnh vực trồng trọt, trong đó có 01 cơ sở nhân giống và trồng nấm; 10 cơ sở ứng dụng công nghệ nhà màng và tưới tiêu nhỏ giọt, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bố Trạch vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị chưa nhiều, chất lượng giá trị các mặt hàng nông sản còn thấp; chăn nuôi nhỏ lẻ và xen kẽ trong khu dân cư chiếm tỷ lệ còn cao; mật độ trồng rừng còn quá dày so với quy trình kỹ thuật; hoạt động khuyến nông mới tập trung vào xây dựng mô hình để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chưa có nhiều mô hình tổng hợp, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, tổ chức quản lý sản xuất, xúc tiến thị trường; chính sách đầu tư cho nông nghiệp còn dàn trải, mức hỗ trợ còn thấp, đặc biệt là chính sách về vay vốn đầu tư chăn nuôi... 

Năm 2023, huyện Bố Trạch tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại trồng trọt theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, thu hút nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Huyện cũng sẽ chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền; điều chỉnh cơ cấu giống cây trồng kết hợp với bố trí thời vụ hợp lý; nâng cao giống chất lượng cao, cơ cấu các giống có năng suất và chất lượng, thời gian sinh trưởng ngắn và trung ngày; đẩy mạnh chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ lên quy mô vừa và quy mô lớn, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; hướng dẫn các cơ sở áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP); thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả đánh bắt của các đội tàu khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo; tập trung chỉ đạo phát triển nuôi trồng thủy sản theo liên kết chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; chú trọng công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; duy trì độ che phủ rừng đạt trên 69%. 

Ngoài ra, huyện cũng tiếp tục xây dựng và củng cố các hợp tác xã nông nghiệp, đồng thời hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại để phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, tăng cường hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến bà con nông dân, nhất là xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả cao, dễ áp dụng để nhân ra diện rộng; đẩy mạnh kết nối, thực hiện ký kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân đảm bảo ổn định, bền vững. 

PV:NQ

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập