Chi tiết bài viết

Quảng Trạch chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2023

14:30, Thứ Tư, 4-1-2023

(Quang Binh Portal) - Năm 2022, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, đơn vị, sự hỗ trợ của Trung ương, UBND tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh (PCDB) động vật, sản xuất chăn nuôi của huyện Quảng Trạch dần phục hồi, số lượng vật nuôi tăng ổn định.(Quang Binh Portal) - Năm 2022, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, đơn vị, sự hỗ trợ của Trung ương, UBND tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh (PCDB) động vật, sản xuất chăn nuôi của huyện Quảng Trạch dần phục hồi, số lượng vật nuôi tăng ổn định.

Cụ thể, tổng đàn gia súc, gia cầm của toàn huyện ước tính trong năm 2022 là 3.505 con trâu, đạt 87,63% kế hoạch, tăng 2,82% so với cùng kỳ; 15.487 con bò, đạt 120,05% kế hoạch, tăng 6,08% so với cùng kỳ; 41.600 con lợn đạt 101,22% kế hoạch, tăng 1,92% so với cùng kỳ; 668.400 con gia cầm, đạt 109,57% kế hoạch, tăng 0,13% so với cùng kỳ. Diện tích nuôi thủy sản 261 ha, đạt 96,43% kế hoạch, bằng diện tích so với cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng 830 tấn, đạt 98,46% kế hoạch, giảm 1,54% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo của UBND huyện, năm 2022, các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm tiếp tục xảy ra, so với cùng kỳ năm 2021 giảm nhiều về số ổ dịch và số lượng gia súc, gia cầm mắc bệnh buộc tiêu hủy. Trong năm, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra ở 04 xã (Cảnh Hóa, Quảng Tùng, Quảng Phương, Phù Hóa) làm 138 con lợn mắc bệnh, buộc tiêu hủy với trọng lượng 6.028 kg và hiện cơ bản các ổ dịch đã được bao vây, khống chế kịp thời, không phát sinh thêm. Bên cạnh đó, dịch bệnh trên tôm xảy ra cục bộ tại một số diện tích nuôi trên địa bàn đã được cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương, hướng dẫn hộ nuôi tôm xử lý, do vậy, dịch bệnh không lây lan diện rộng. 

Tuy nhiên, tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục tái phát tại các địa phương do mầm bệnh còn tồn tại trong môi trường, bệnh đã có vắc xin nhưng đang giai đoạn thử nghiệm, chưa được thương mại hóa. Tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học. Việc tăng đàn, tái đàn lợn nhưng chưa đảm bảo điều kiện, đặc biệt là tại địa phương đã xảy ra dịch bệnh. Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm đợt 1/2022 và đợt 2/2022 đạt tỷ lệ thấp, chưa đạt kế hoạch. Phần lớn các địa phương không có cán bộ thú y, thiếu nhân lực trong quá trình triển khai thực hiện. Công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các ổ dịch bệnh động vật tại địa phương còn chậm, chưa quyết liệt, nhất là việc kiểm soát giết mổ, mua bán vận chuyển động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch, từ địa bàn này qua địa bàn khác làm lây lan dịch bệnh...

Năm 2023, dịch bệnh động vật có nguy cơ xâm nhiễm, phát sinh và lây lan trên địa bàn huyện rất lớn, nguyên nhân là do chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn; tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin thấp, chưa tạo được miễn dịch cho vật nuôi; nhu cầu vận chuyển, mua bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật tăng cao, đặc biệt là trước, trong và sau tết Nguyên đán năm 2023. Do đó, UBND huyện yêu cầu tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở trên tinh thần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản đến tận cơ sở, đặc biệt là những nơi có ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao; chủ động phương án, nguồn nhân lực, vật tư để kịp thời xử lý khi dịch bệnh phát sinh trên địa bàn, ưu tiên sử dụng nguồn lực sẵn có của địa phương, đơn vị; huy động sự tham gia của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, đảm bảo an toàn cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác PCDB; đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong lĩnh vực PCDB động vật, nhất là việc buôn lậu, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép, không rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn từ vùng dịch đến địa phương khác.

Để triển khai thực hiện tốt các yêu cầu đề ra, UBND huyện cũng đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đó là: Khi chưa có dịch xảy ra, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh động vật; đẩy mạnh tuyên truyền về tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, khung lịch thời vụ thả giống thủy sản; khuyến khích, nhân rộng mô hình chăn nuôi công nghệ cao, theo hướng hữu cơ, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để người dân dễ dàng trong tiếp cận thông tin, kỹ thuật.

Cùng với đó, huyện tiếp tục nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thú y cơ sở trong giám sát dịch bệnh, kỹ thuật lấy mẫu phát hiện bệnh, kỹ thuật tiêm phòng, tiêu độc khử trùng và báo cáo dịch bệnh theo quy định; xây dựng, triển khai tiêm phòng bằng vắc xin đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải áp dụng biện pháp phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định; tổ chức 02 đợt tiêm phòng đại trà cho gia súc, gia cầm toàn huyện và bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng, nuôi mới hoặc đã hết thời gian miễn dịch; đồng thời khuyến khích người chăn nuôi chủ động phòng các bệnh khác bằng vắc xin với kinh phí tự chủ của cá nhân, tổ chức.

Đối với công tác giám sát dịch bệnh, UBND huyện  cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện lấy mẫu giám sát chủ động định kỳ tại những vùng nguy cơ cao, ổ dịch cũ nhằm xác định sự lưu hành, biến chủng của các loại mầm bệnh như Dịch tả lợn Châu Phi, Viêm da nổi cục trâu bò, Cúm gia cầm… làm cơ sở xây dựng phương án PCDB phù hợp, có hiệu quả; lấy mẫu định kỳ, ngẫu nhiên giám sát chủ động dịch bệnh trên tôm, cá nuôi định kỳ, ngẫu nhiên; căn cứ kết quả xét nghiệm, phân tích, đánh giá vùng nuôi có nguy cơ bùng phát dịch bệnh, kịp thời đưa ra cảnh báo, hướng dẫn biện pháp xử lý; tổ chức lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng vắc xin nhằm đánh giá tỷ lệ bảo hộ miễn dịch trên đàn gia súc, gia cầm.

Song song với việc tổ chức các đợt phát động “Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi”, toàn huyện thực hiện theo quy trình, quy định kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh và thực phẩm; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm kiểm dịch động vật; thành lập các Chốt kiểm dịch bệnh động vật tạm thời tại trục đường giao thông của huyện khi cần thiết; hướng dẫn thực hiện kiểm soát giết mổ động vật đúng quy định, đảm bảo sản phẩm động vật trước khi đưa ra thị trường đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm; tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản; kiểm tra, giám sát chất lượng và an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi thành phẩm; kiểm tra, giám sát việc duy trì điều kiện an toàn dịch bệnh đối với cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận...

Khi dịch bệnh xảy ra, UBND huyện lưu ý thực hiện đồng bộ các biện pháp PCDB theo quy định, cụ thể là lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm xác minh tác nhân gây bệnh; tổ chức phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y; lập các Chốt kiểm dịch động vật tạm thời nhằm kiểm soát việc lưu thông vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào ổ dịch nhằm ngăn chặn dịch lây lan; quản lý chặt chẽ đàn vật nuôi trong vùng dịch; nghiêm cấm việc bán chạy, giết mổ hoặc vứt xác gia súc, gia cầm, thủy sản mắc bệnh ra ngoài môi trường; tiêm phòng bao vây cho đàn gia súc, gia cầm ở vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm theo hướng dẫn của cơ quan thú y; công bố dịch và hết dịch theo quy định của Luật Thú y.

Với sự triển khai đồng bộ các biện pháp PCDB gia súc, gia cầm và thủy sản theo phương châm phòng bệnh là chính, phát hiện sớm, bao vây, khống chế, dập tắt dịch bệnh kịp thời và hiệu quả ngay từ khi dịch bệnh mới phát sinh, tin rằng, năm 2023, huyện Quảng Trạch sẽ giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, góp phần phát triển ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

PV Minh Huyền

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập