Chi tiết bài viết

Quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo tỉnh giai đoạn từ 2006 đến 2010 và định hướng đến 2015

10:6, Thứ Tư, 11-3-2015

1. Mục tiêu tổng quát

Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội vào phát triển sự nghiệp giáo dục, làm cho mọi người, mọi tổ chức đều được đóng góp để phát triển giáo dục cũng như được hưởng thụ những thành quả của giáo dục ngày càng cao; tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục tỉnh nhà theo hướng tiếp cận trình độ tiên tiến của cả nước, khu vực, phục vụ thiết thực mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương, đảm bảo sự công bằng xã hội trong giáo dục, hướng tới xã hội học tập.

Ưu tiên mở rộng quy mô một cách hợp lý, trên cơ sở nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, đặc biệt chú trọng nhân lực khoa học - công nghệ trình độ cao, cán bộ quản lý kinh doanh giỏi và công nhân kỹ thuật lành nghề trực tiếp góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thực hiện CNH, HĐH và củng cố quốc phòng, an ninh; củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học chống mù chữ, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa phổ cập giáo dục trung học.

Thực hiện đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục các cấp học và trình độ đào tạo, phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu vừa tăng quy mô, vừa nâng cao chất lượng hiệu quả và đổi mới phương pháp dạy học đổi mới quản lý giáo dục, tạo cơ sở pháp lý và phát huy nội lực để phát triển giáo dục.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giáo dục mầm non

Phát triển trường, lớp mầm non công lập ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng giáo, vùng đồng bào dân lộc, biên giới, hải đảo và trường, lớp mầm non dân lập, tư thục ở những vùng kinh tế phát triển. Hầu hết trẻ em đều được chăm sóc giáo dục bằng nhiều hình thức thích hợp, trong đó, tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trước 6 tuổi; tạo cơ sở để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ. Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển giáo dục mầm non đề ra để tạo cơ sở nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trong các giai đoạn tiếp theo, đảm bảo chất lượng đầu vào nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học sau này.

Đến năm 2010, tỷ lệ trẻ em trong các nhà trẻ ngoài công lập chiếm 75- 80% và tỷ lệ học sinh mẫu giáo ngoài công lập chiếm 65-70%; chuyển dần các cơ sở mầm non bán công sang dân lập, tư thục.

Nâng tỷ lệ trẻ 0 - 5 tuổi đến trường bình quân tăng 1-1,5%/năm đối với nhà trẻ và trên 1,5%/năm đối với mẫu giáo.

Đến năm 2010 trẻ 0 -2 tuổi vào nhà trẻ khoảng 20% và năm 2015 khoảng 30%; trẻ 3-5 tuổi đến trường khoảng 70% và năm 2015 khoảng 85%, riêng đối với trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo để chuẩn bị vào lớp 1 đạt tỷ lệ huy động khoảng 97% vào năm 2010 và khoảng 99% vào năm 2015.

Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non dưới 12% vào năm 2010 và 3-5% vào năm 2015.

Phấn đấu đến năm 2010 có18- 20% và năm 2015 có 50% số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

2.2. Giáo dục phổ thông

Tiếp tục thực hiện giáo dục toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, cung cấp học vấn phổ thông đảm bảo các yêu cầu cơ bản, hiện đại gắn với thực tiễn Việt Nam; tiếp cận trình độ phát triển tiên tiến về giáo dục so với các địa phương trong toàn quốc.Giáo dục cho học sinh hình thành và phát triển động cơ, thái độ học tập đúng đắn, phương pháp học tập chủ động tích cực, lòng ham học, ham hiểu biết, năng lực tự học, năng lực vận dụng kiến thức vào cuộc sống.

* Tiểu học:

Phát triển những đặc tính tự nhiên tốt đẹp của trẻ; hình thành ở học sinh lòng ham hiểu biết và những thói quen, kỹ năng cơ bản đầu tiên để tạo hứng thú học tập và học tập tốt.

Khuyến khích phát triển trường tiểu học ngoài công lập ở khu vực thành phố, thị trấn, các vùng kinh tế phát triển. Củng cố và nâng cao thành quả phổ cập giáo dục tiểu học chống mù chữ; đến năm 2010 có 100% xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Huy động hầu hết học sinh trong độ tuổi đến trường vào năm 2010.

Học sinh hoàn thành cấp tiểu học vào lớp 6 đạt trên 99%.

Có ít nhất 70% học sinh học 2 buổi/ngày vào năm 2006 và 100% vào năm 2010. Đến năm 2010 có 70% học sinh học ngoại ngữ và tin học.

Đến năm 2010 có 75 - 80% và năm 2015 có 90% trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó số trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2 đạt 25% vào năm 2010 và 45% vào năm 2015.

* Trung học cơ sở:

Khuyến khích phát triển trường trung học cơ sở ngoài công lập ở khu vực thành phố, thị trấn, các vùng kinh tế phát triển. Thành lập trường PTDT nội trú huyện Quảng Ninh; trường phổ thông bán trú ở vùng cao Dân Hoá, Trọng Hoá huyện Minh Hoá.

Đến năm 2010 có 100% số xã, phường và thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Duy trì, củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Tăng tỷ lệ học sinh trung học sơ sở trong độ tuổi lên 96% vào năm 2010 và 98% vào năm 2015.

Đến năm 2010 có 45 - 50% và năm 2015 có 75% trường đạt chuẩn quốc gia; 80% trường trung học cơ sở được nối mạng intenet,

* Trung học phổ thông:

Chuyển phần lớn các trường bán công trung học phổ thông sang tư thục; thành lập 2- 3 trường THPT tư thục ở các địa bàn Tuyên Hoá, Bố Trạch, Đồng Hới; 2-3 trường Phổ thông C2&3 công lập ở các vùng miền núi đặc biệt khó khăn Lệ Thuỷ Minh Hoá, Bố Trạch; chuyển một số trường ở vùng thành phố, thị trấn, vùng có điều kiện phát triển về kinh tế sang cơ chế tự chủ toàn bộ về tài chính.

Duy trì tỷ lệ học sinh trong độ tuổi vào trung học phổ thông đạt 74% vào năm 2010 và 80% vào năm 2010.

Duy trì tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông và trung học bổ túc đạt 75- 78%; tỷ lệ học sinh THPT ngoài công lập khoảng 37- 40% vào năm 2010.

Đến năm 2010 có 45 - 50% và năm 2015 có 80% trường đạt chuẩn quốc gia.

2.3. Giáo dục nghề nghiệp

Sắp xếp, củng cố lại hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh; chuyển hầu hết các trường trung cấp chuyên nghiệp công lập hiện có sang hoạt động theo cơ chế dịch vụ. Khuyến khích, tạo điều kiện cá nhân, tổ chức thành lập từ 2-3 trường trung cấp chuyên nghiệp tư thục để đào tạo nguồn nhân lực và thực hiện phổ cập giáo dục trung học.

Đảm bảo chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với sử dụng, với việc làm trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đa dạng hoá và mở rộng ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của các khu công nghiệp, các ngành kinh tế mũi nhọn và xuất khẩu lao động, khu vực nông thôn. Mở rộng quy mô đào tạo kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp ở trình độ trung cấp dựa trên nền học vấn trung học cơ sở. Hình thành hệ thống đào tạo kỹ thuật thực hành đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế -xã hội, trong đó chú trọng phát triển đào lạo nghề ngắn hạn và đào tạo công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ có trình độ cao đẳng dựa trên nền học vấn THPT.

Thu hút học sinh trong độ tuổi vào các trường chuyên nghiệp đạt 15% năm 2010 và 20% năm 2015.

Tăng quy mô đào tạo ở các trường chuyên nghiệp bình quân 20%/năm ở các ngành nghề chủ yếu phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội địa phương. 
Thực hiện liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo có chất lượng cao trong và ngoài nước.

Năm 2010, tỷ lệ học sinh trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập đạt từ 28% đến 30%.

2.4. Giáo dục cao đẳng và đại học

Sáp nhập và nâng cấp Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công Nông nghiệp và Trường Trung cấp Kinh tế Quảng Bình thành Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Bình. Thành lập một số trường cao đẳng tư thục ở các trung tâm huyện, thành phố nhằm tăng quy mô đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Thực hiện liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo có chất lượng cao trong và ngoài nước.

Năm 2010, tỷ lệ sinh viên cao đẳng, đại học ngoài công lập đạt từ 38% đến 40%.

Nâng số lượng người đạt trình độ đào tạo cao đẳng trở lên trên 1 vạn dân từ 111 người năm 2004 lên 180 người vào năm 2010 và 300 người vào năm 2015. Tăng quy mô đào tạo thạc sĩ, nghiên cứu sinh trên 400 người vào năm 2010 và trên 700 người vào năm 2015.

Phấn đấu đến năm 2010 có 40% và năm 2015 có 60% lao động trong độ tuổi được đào tạo; lao động qua đào tạo nghề năm 2010 khoảng 21-22% và đến năm 2015 trên 35% với cơ cấu hợp lý.

2.5. Giáo dục thường xuyên

Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án ’’Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010’’. Phát triển giáo dục thường xuyên để thoả mãn nhu cầu học tập đa dạng trong nhân dân, tạo cơ hội cho mọi người ở mọi trình độ, mọi lứa tuổi mọi nơi có thể học tập suốt đời, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mỗi cá nhân, góp phần nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, tiến tới một xã hội học tập.

Củng cố và nâng cao năng lực hoạt dộng của các Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện; đảm bảo 100% Trung tâm học tập cộng đồng cấp xã, phường và thị trấn hoạt động có chất lượng hiệu quả.

Triển khai Kế hoạch hành động Quốc gia giáo dục cho mọi người đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phấn đấu đến năm 2010, 100% những người trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi đạt chuẩn xoá mù chữ; đặc biệt tăng nhanh tỷ lệ xoá mù chữ trong các dân tộc ít người.

Củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học chống mù chữ, phổ cập trung học cơ sở, triển khai thực hiện phổ cập giáo dục trung học. Phấn đấu đến năm 2010 Thành phố Đồng Hới và 50-60% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học.

Tạo cơ hội cho đông đảo người lao động được tiếp tục học tập, được đào tạo lại được bồi dưỡng ngắn hạn, định kỳ và thường xuyên theo các chương trình giáo dục, các chương trình kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập hoặc chuyển đổi nghề nghiệp. Chú trọng phát triển các chương trình chuẩn hoá đội ngũ giáo viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức nhà nước đáp ứng nhiệm vụ mới.

Mở rộng đào tạo từ xa và các phương thức đào tạo giáo dục thường xuyên. Phát triển bền vững các trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn đồng thời củng cố các trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, thành phố; phong trào gia đình hiếu học, dòng họ khuyên học, tổ chức các hoạt động khuyến học trong các cơ quan tập thể, doanh nghiệp, xã, phường, thị trấn tiến tới xây dựng xã hội học tập. Chú trọng các ngành nghề kỹ thuật mũi nhọn của tỉnh, góp phần thực hiện các chỉ tiêu đào tạo nguồn nhân lực theo Nghị quyết số 11-NQ/ TU ngày 10 tháng 8 năm 2004 của Tỉnh uỷ Quảng Bình (khoá XIII) Và Chương trình phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 -theo Quyết định số 12/2005/QĐ-UB, ngày 07/3/2005 của UBND tỉnh.

2.6. Đối với giáo dục trẻ em khuyết tật

Giáo dục trẻ em khuyết tật (trong các loại hình lớp hoà nhập, bán hoà nhập hoặc chuyên biệt) đạt tỷ lệ 60-70% vào năm 2010 và 80-90% năm 2015.

(Theo Quyết định số 50/2006/QĐ-UBND ngày 17/11/2006 của UBND tỉnh) 

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập