Chi tiết bài viết

Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022

15:34, Thứ Năm, 14-7-2022

(Quang Binh Portal) - Sáng ngày 13/7/2022, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số (BCĐ CĐS) tỉnh đã tổ chức phiên họp thường kỳ quý II/2022 nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022. Đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh và đồng chí Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh đồng chủ trì phiên họp.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2022, công tác chuyển đổi số của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan báo chí, truyền thông đã tích cực phối hợp tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận trong xã hội và toàn hệ thống chính trị về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về chuyển đổi số. Các sở, ban, ngành địa phương đã chủ động bám sát các chủ trương, định hướng của tỉnh để triển khai thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Đến nay đã có 18/21 sở, ban, ngành kiện toàn tổ chỉ đạo CĐS do đồng chí giám đốc, thủ trưởng cơ quan làm tổ trưởng. 08/08 huyện, thị xã, thành phố kiện toàn BCĐ CĐS do đồng chí Chủ tịch UBND cấp huyện làm trưởng ban, đồng thời đang chỉ đạo UBND cấp xã triển khai thành lập, kiện toàn các BCĐ/tổ triển khai CĐS cấp xã. Hạ tầng viễn thông, trạm thu phát sóng thông tin di động, cáp quang internet băng rộng tiếp tục phát triển và hướng mạnh về bảo đảm phủ sóng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. 100% trung tâm xã, phường, thị trấn có kết nối cáp quang internet băng thông rộng. Mạng 3G, 4G phủ sóng trên 80% khu vực dân cư. Tỷ lệ điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối internet băng rộng cố định là 62,2%. Tỷ lệ hộ gia đình có người có điện thoại thông minh 79,07%; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cáp quang 59,21%. Hạ tầng ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Theo Chương trình công tác của BCĐ CĐS tỉnh, trong quý I và quý II/2022, có 11 hoạt động, trong đó có 07 hoạt động đã hoàn thành, 04 hoạt động đang trong quá trình thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 7/2022... Hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước đã sẵn sàng kết nối đến 151/151 xã, phường, thị trấn; mô hình Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh, huyện tiếp tục được nghiên cứu, triển khai thử nghiệm và xây dựng…

Tại phiên họp, các sở, ngành thảo luận và đề xuất Sở Thông tin Truyền thông cần định hướng thêm trong quá trình xây dựng và thực hiện các hoạt động CĐS; tỉnh cần ban hành cơ chế thuê dịch vụ và phân cấp vốn để các ngành chủ động triển khai thực hiện CĐS…

Về đô thị thông minh của tỉnh (IOC) hiện tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, quản lý vận hành, tiến tới đánh giá để tham mưu UBND tỉnh triển khai thí điểm một số dịch vụ… Bên cạnh đó, một số địa phương như thành phố Đồng Hới đã xây dựng và đưa vào hệ thống đô thị thông minh thành phố để xử lý và tiếp tục hoàn thiện, kết nối với tỉnh

Phát biểu tại phiên họp, Trưởng BCĐ CĐS tỉnh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện CĐS đối với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời khẳng định, việc CĐS trên địa bàn tỉnh bước đầu đã làm chuyển biến nhận thức của các tổ chức, doanh nghiệp rõ hơn trong việc sử dụng công nghệ số và dữ liệu số để đổi mới mô hình kinh doanh, tăng năng suất lao động. Người dân đã tăng cường tiếp cận, rèn luyện kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó, hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, thói quen số và văn hóa số… Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế, như: Một số sở, ban, ngành, địa phương có xây dựng kế hoạch thực hiện CĐS nhưng nội dung còn chung chung, chưa cụ thể, nhất đối với các nội dung thúc đẩy phát triển kinh tế số chuyên ngành và xã hội số; hạ tầng thiết bị máy tính, kết nối mạng tại nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn thiếu; hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ trực tuyến chưa cao…

Thời gian tới, để thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác CĐS, Trưởng BCĐ CĐS tỉnh yêu cầu các cấp ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục tổ chức rà soát, triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao về thực hiện CĐS năm 2022; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp, người dân về sự cần thiết của CĐS, trong đó đặc biệt chú trọng CĐS trong cung cấp dịch vụ công/TTHC, tăng cường, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm đến cuối năm 2022, hoàn thành các chỉ tiêu: Tỷ lệ TTHC đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến của từng TTHC đạt tối thiểu trên 20%; chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong từng ngành, lĩnh vực và trên địa bàn quản lý; phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ứng dụng các nền tảng quản trị, kinh doanh và đào tạo kỹ năng số cho lực lượng lao động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp về CĐS để tạo sự lan tỏa, hưởng ứng trong toàn xã hội…

Trưởng BCĐ CĐS tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Thông tin Truyền thông trong tham mưu xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án CĐS, chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2025; hoàn thành thử nghiệm giải pháp kỹ thuật, công nghệ Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh để báo cáo UBND tỉnh phương án đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động chính thức trong quý III/2022…

PV Hồng Lựu

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập