Chi tiết bài viết

Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số Quốc gia

9:56, Thứ Hai, 26-12-2022

(Quang Binh Portal) - Sáng 25/12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì hội nghị sơ kết 01 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 và trong thời gian tới của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ và trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự hội nghị có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cùng đại diện các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương. 

Điểm cầu tỉnh Quảng Bình

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới đầu cầu các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ khẳng định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là yêu cầu bắt buộc, đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng, giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành. Đảng, Nhà nước rất coi trọng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Vì vậy, đồng chí yêu cầu các đại biểu tham dự hội nghị thẳng thắn đánh giá rõ ràng, khách quan, minh chứng bằng số liệu cụ thể về việc thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2022 của Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia và Đề án 06; đánh giá ý nghĩa, hiệu quả chuyển đổi số của Bộ, ngành, địa phương; nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn làm cản trở đến công cuộc chuyển đổi số Quốc gia và triển khai Đề án 06; đồng thời tìm đúng nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm để có giải pháp hữu hiệu. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các ngành, địa phương chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, những giải pháp cụ thể trong triển khai chuyển đổi số Quốc gia, Đề án 06; xác định rõ quan điểm, định hướng và nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thời gian tới, cũng như trong dài hạn.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình

Theo báo cáo trình bày tại hội nghị, hiện nay, nhận thức và hành động về chuyển đổi số Quốc gia đã có sự chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa ở các cấp, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu. Hoạt động quản lý Nhà nước từ phương thức truyền thống sang môi trường số được đẩy mạnh và đạt một số kết quả bước đầu.

Nhiều sản phẩm, dịch vụ số phục vụ người dân, doanh nghiệp kịp thời, hiệu quả như đăng ký dự thi, xét tuyển đại học, cao đẳng; cấp hộ chiếu trực tuyến; thí điểm thành công 2 dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp Thẻ Bảo hiểm Y tế cho trẻ dưới 06 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí.

Hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển ở Trung ương và địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chuyển đổi số. Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định và di động đều tăng so với cùng kỳ, xếp lần lượt thứ 45 và 52, cao hơn mức trung bình của thế giới. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối đến tận các phường, xã, thị trấn.

Đến nay, Bộ Công an đã kết nối, liên thông với 47 Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước; cấp trên 76 triệu Thẻ Căn cước gắn chíp điện tử; đồng bộ hơn 234 triệu thông tin tiêm chủng; kích hoạt gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử; xác định thông tin chính xác của gần 50 triệu thuê bao di động... Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã cung cấp gần 4.400 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (gấp 3 lần năm 2021); hơn 154 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (gấp 1,7 lần so với năm 2021); hơn 3,9 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến (gấp hơn 5,7 lần năm 2021)…

An toàn, an ninh thông tin tiếp tục được quan tâm, trong năm, đã ghi nhận và có biện pháp xử lý hơn 12.000 cuộc tấn công mạng tại Việt Nam, tăng 25,3% so với năm 2021; có 56% cơ quan Đảng, Nhà nước áp dụng chuẩn về cấp độ bảo đảm an toàn thông tin. Mô hình Tổ Công nghệ số cộng đồng bước đầu phát huy hiệu quả với 69.000 tổ và hơn 320.000 thành viên…

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình

Tại hội nghị, các báo cáo, tham luận đã nêu rõ những kết quả cụ thể, đáng ghi nhận trong chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 năm 2022, đồng thời nhận diện khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân để đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số Quốc gia, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và công dân số thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các Bộ, ngành, địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số với vai trò nòng cốt của lực lượng Công an Nhân dân, sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như nhiều lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm, coi chuyển đổi số nhiệm vụ trọng tâm, chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số; thể chế, cơ chế, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số còn chưa đầy đủ; hạ tầng số, các nền tảng số Quốc gia chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra…

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số Quốc gia trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030; tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số Quốc gia, lưu ý vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; khẩn trương hoàn thiện và quyết liệt triển khai Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ năm 2023; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc phát sinh để xử lý, không chậm trễ.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số phải thực chất, tránh hình thức, phù hợp với điều kiện của mình gắn với bố trí nguồn lực phù hợp; các nhiệm vụ phải cụ thể, rõ ràng để dễ nhớ, dễ hiểu, dễ triển khai, dễ đánh giá, dễ kiểm tra, giám sát; chủ động hướng dẫn, tổ chức triển khai số hóa, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện thông qua mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp…

PV Mai Anh
 

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập