Chi tiết bài viết

Quảng Bình: Tạo đà tăng tốc

16:44, Thứ Hai, 29-9-2014

Quảng Bình được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng về điều kiện tự nhiên, tài nguyên khoáng sản, vị trí địa lý…Những chuyển biến gần đây, nhất là trong năm 2007, cho thấy tình hình đang thay đổi khi mà một loạt các nhân tố mới đang sớm hình thành tạo nên động lực thực sự để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Dấu ấn 2007

Năm 2007 thực sự là một năm đầy thử thách, khó khăn, giá vật tư hàng hóa tiếp tục tăng cao, ảnh hưởng của dịch bệnh ở gia súc, gia cầm cho nền kinh tế nói chung. Đặc biệt Quảng Bình còn bị ảnh hưởng nặng nề của hai cơn bão liên tiếp số 2 và số 5 đã gây thiệt hại nặng nề người và tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhưng, nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, các địa phương tỉnh bạn, các tổ chức trong và ngoài nước, sự lãnh đạo tập trung, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực, cố gắng cao của các ban ngành và nhân dân trong tỉnh, nên đã sớm khắc phục được tình hình. Bên cạnh đó năm 2007 cũng là năm tỉnh thực hiện cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh với nhiều giải pháp tích cực để đổi mới hình thức, phương thức mời gọi đầu tư, ban hành nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển cơ sở hạ tầng hoàn thành các công trình trọng điểm có tính đột phá như: cảng biển Hòn La, sân bay Đồng Hới… Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực và các loại hình dịch vụ…

Chính vì vậy, kinh tế - xã hội của Quảng Bình đã tiếp tục phát triển ổn định; kinh tế vẫn giữ mức tăng trưởng cao nhất trong các năm qua với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 11,63%, cao nhất từ trước đến nay; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 23,1%; giá trị các ngành dịch vụ tăng 12,7%; xuất khẩu đạt 53,6 triệu USD; giảm tỷ lệ hộ đói nghèo 4,5%; và giải quyết việc làm cho 2,75 vạn lao động.

Sự chuyển biến tích cực đó trong bối cảnh Việt Nam chính thức là thành viên WTO đã thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư vào địa bàn tỉnh tăng lên. Số lượng nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, khảo sát và đăng ký dự án trên địa bàn tỉnh tăng nhiều so với các năm trước, trong đó có một số nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn như: Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng, Công ty Chí Thành, Công ty Đông Dương, Công ty Linh Thành, Công ty cổ phần điện Đông Dương ...

Đến nay, toàn tỉnh đã có 56 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 7.163 tỉ đồng, trong đó một số dự án quy mô lớn, có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như các dự án: Sản xuất Clinke, xi măng, xây dựng cảng Hòn La giai đoạn II, đóng tàu, xây dựng các nhà máy thủy điện, phong điện, khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái Suối Bang, sân golf, bệnh viện, ký túc xá, trường học...Tổng cộng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 22 dự án, với số vốn đăng ký là 1.600 tỉ đồng. Cuối năm 2007 và những tháng gần đây, hàng loạt tập đoàn, tổng công ty lớn của quốc gia, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đến nghiên cứu tìm hiểu xúc tiến đầu tư .... báo hiệu xu hướng đầu tư vào địa bàn tỉnh trong năm 2008 vẫn tăng cao.

6 nhóm giải pháp quan trọng để bứt phá

Tuy nhiên nhìn thẳng vào thực tế, Chính quyền tỉnh Quảng Bình nhận thấy còn nhiều vấn đề cần giải quyết để kinh tế phát triển vững chắc hơn; trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến mục tiêu tiếp tục cải cách hành chính và tạo thêm cơ chế chính sách thông thoáng để tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn trong thời gian tới, chuẩn bị để đón đầu các cơ hội mới đang mở ra với Quảng Bình. Chính vì vậy, chính quyền tỉnh đã xác định 6 nhóm giải pháp quan trọng được thực thi trong công các chỉ đạo điều hành hiện nay và trong thời gian tới.

Thứ nhất là, tiếp tục thực hiện chương trình cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bằng các cơ chế chính sách hấp dẫn. Quảng Bình xác định phải đổi mới công tác cán bộ, coi đây là khâu đột phá, đi đôi với nâng cao chế độ trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương và công chức, viên chức trong thi hành công vụ, trong việc thực hiện các thủ tục cho nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp; Tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm phục vụ thu hút đầu tư.

Một vấn đề quan trọng và rất nóng hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư sẽ được tỉnh đặc biệt quan tâm giải quyết trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân bị thu hồi đất đang gặp khó khăn về sản xuất và đời sống, giảm dần các khiếu nại trong công tác này; nhất là công khai đầy đủ thông tin dự án sẽ đầu tư xây dựng cho nhân dân địa phương vùng đặt cơ sở sản xuất kinh doanh. Quảng Bình xác định công tác này sẽ là tiêu chuẩn để đánh giá năng lực lãnh đạo của các cấp và tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Thứ hai là, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, bảo đảm cho quy hoạch đáp ứng được định hướng mục tiêu của sự phát triển bền vững. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng phải đi trước một bước và phải được quản lý chặt chẽ.

Thứ ba là, tập trung đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực bằng các cơ chế chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực trong xã hội cùng tham gia.

Thứ tư là, tiếp tục tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các chương trình kinh tế- xã hội trọng điểm như. Chương trình phát triển chăn nuôi, chương trình phát triển thủy sản, chương trình phát triển nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, chương trình phát triển du lịch gắn với tổ chức kỷ niệm sự kiện 5 năm đón nhận bằng Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng...

Thứ năm là, đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới và nâng cao trách nhiệm điều hành của chính quyền các cấp, tập trung trước hết vào những nơi, những việc đang được đánh giá và thường xuyên gây vướng mắc, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư như: Trong đền bù giải phóng mặt bằng, giới thiệu địa điểm, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép đầu tư xây dựng, đăng ký kinh doanh, thanh tra giải quyết đơn thư khiếu tố của nhân dân...

Và thứ sáu là, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí bằng những kế hoạch và biện pháp, việc làm cụ thể ngay từ mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan, đơn vị và trong nhân dân. Đề cao trách nhiệm của cấp ủy đảng và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác này.

Theo: Tạp chí Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài- Số 22 tháng 4/2008

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập