Chi tiết bài viết

Kết luận của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh 

16:50, Thứ Sáu, 29-3-2024

(Quang Binh Portal) - Ngày 20/3/2024, UBND tỉnh tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh do đồng chí Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì. Tham dự có thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh.

Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, triển khai nhiệm vụ thời gian tới; ý kiến thảo luận của các thành viên dự họp đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo kết luận:

1. Trong năm 2023 và 02 tháng đầu năm 2024, tình hình chăn nuôi tiếp tục phải đối mặt với nhiều biến động, giá cả các sản phẩm chăn nuôi đang ở mức thấp, trong khi giá thức ăn công nghiệp còn cao nên người dân chưa mạnh dạn tăng đàn, tái đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, dịch bệnh động vật trong khu vực Bắc Trung Bộ nói chung, Quảng Bình nói riêng vẫn diễn biến phức tạp, như bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi… Đối với bệnh Dại, toàn tỉnh chưa ghi nhận ổ dịch bệnh Dại trên động vật, nhưng năm 2023 có 03 trường hợp, 02 tháng đầu năm 2024 có 01 trường hợp người chết do bệnh Dại.   

Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan và ý thức của người chăn nuôi ngày càng được nâng cao, nhất là các gia trại, trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn nên dịch bệnh trên đàn vật nuôi cơ bản được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi duy trì ổn định.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác phòng chống dịch bệnh vẫn còn tồn tại hạn chế như: Ở một số địa phương, hệ thống thú y cơ sở không có, ảnh hưởng rất lớn đến việc tham mưu, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh; việc tiêm phòng còn dàn trải, không tập trung dứt điểm, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin đàn vật nuôi đạt rất thấp, không đảm bảo miễn dịch, nhất là vắc xin phòng bệnh Dại chó, Viêm da nổi cục, Lở mồm long móng, Cúm gia cầm; công tác quản lý sau khi tiêm phòng còn hạn chế; công tác quản lý hoạt động giết mổ ở nhiều địa phương chưa chặt chẽ, nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa đảm bảo an toàn thực phẩm; việc kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo người chăn nuôi, người dân chấp hành, thực hiện đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi chưa được thường xuyên.

2. Trong điều kiện dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, để chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi đảm bảo hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu:

2.1. Các sở ngành, địa phương liên quan, thành viên Ban Chỉ đạo theo chức năng nhiệm vụ tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, tăng cường kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc, nhất là UBND cấp xã thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về nguy cơ, tác hại và biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên động vật, nhất là bệnh Cúm gia cầm, bệnh Dại chó.

2.2. UBND các huyện, thành phố, thị xã

- Hướng dẫn người dân, chủ chăn nuôi tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi đảm bảo vệ sinh phòng bệnh; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh, thực hiện nghiêm Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; chủ động giám sát đàn vật nuôi, nhất là gia cầm, có biểu hiện mắc bệnh, nghi mắc bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tuyệt đối không dấu dịch, không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác vật nuôi, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.

- Tập trung quyết liệt tiêm phòng vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi đợt 1 năm 2024, nhất là vắc xin phòng bệnh Dại, Cúm gia cầm; yêu cầu hàng tuần báo cáo tiến độ tiêm phòng về Chi cục Chăn nuôi Thú y (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo; rà soát, tiêm phòng bổ sung cho những đàn vật nuôi mới nuôi, chưa được tiêm phòng trong năm.

- Tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện giám sát, xử lý, báo cáo ổ dịch kịp thời, đúng quy định; tăng cường kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Riêng đối với bệnh Dại, yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã bám sát nội dung Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 20/3/2024 của UBND tỉnh, chỉ đạo các phòng ban liên quan, UBND cấp xã khẩn trương tập trung thống kê chặt chẽ đàn chó, mèo; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo và động vật khác có nguy cơ gây bệnh cam kết thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về nuôi nhốt, quản lý, nhất là việc khai báo, tiêm vắc xin và phòng, chống bệnh Dại; quyết liệt triển khai tiêm phòng vắc xin cho đàn chó, mèo (kết thúc tiêm phòng trước ngày 30/4/2024); thành lập các tổ, đội bắt giữ chó, mèo thả rông, chó không đeo rọ mõm, nghi mắc bệnh Dại; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo; chỉ đạo cơ quan y tế địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình bệnh Dại trên người; tuyên truyền, vận động người dân sau khi bị chó mèo cắn thì phải đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng vắc xin Dại; tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác tiêm phòng, phòng chống bệnh Dại. Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân còn chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh Dại.

2.3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y nắm chắc tình hình, phát hiện sớm, kịp thời tham mưu, triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh có hiệu quả.

- Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; hướng dẫn các địa phương tăng cường quản lý hoạt động giết mổ, kiểm soát giết mổ động vật.

- Tổ chức Đoàn công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch động vật, nhất là bệnh Dại, Cúm gia cầm.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân còn chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh Dại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024. 

- Khẩn trương hoàn thành việc thành lập lại Trạm chăn nuôi - thú y cấp huyện. Đồng thời cùng với Sở Nội vụ làm việc cụ thể với UBND các huyện, thành phố, thị xã để xác định các biên chế cụ thể để tham mưu điều động về các trạm chăn nuôi thú y khi được thành lập.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung theo Nghị quyết số 58/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh Quảng Bình.

2.4. Sở Giao thông Vận tải, Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan Quảng Bình, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo các đơn vị, lực lượng liên quan tăng cường công tác giám sát, ngăn ngừa vận chuyển, buôn bán, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập lậu; xử lý nghiêm trường hợp nhập khẩu trái phép, buôn bán động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc trên thị trường; tổ chức tuyên truyền cho người dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc buôn lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới.

2.5. Sở Thông tin và Truyền thông định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn thực hiện tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là các quy định, chế tài xử lý vi phạm hành chính trong tiêm phòng, nuôi nhốt, quản lý chó mèo của hộ gia đình, cá nhân.

2.6. Sở Y tế chỉ đạo hệ thống y tế cơ sở tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện các trường hợp người nghi nhiễm bệnh từ động vật như: Cúm gia cầm, bệnh Dại… để khoanh vùng, xử lý triệt để, không lây lan ra cộng đồng; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh động vật lây sang người, nhất là bệnh Dại, không chữa bệnh Dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận. 

2.7. Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh đảm bảo kinh phí phòng chống dịch bệnh động vật theo quy định, nhất là khi có dịch xảy ra.
Văn phòng UBND tỉnh thông báo để các sở, ngành, địa phương, đơn vị biết, thực hiện.

Nguồn: Thông báo số 1358/TB-VPUBND ngày 29/3/2024

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập