Chi tiết bài viết

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật

16:54, Thứ Năm, 10-8-2023

Mạng lưới đường bộ: Vận tải đường bộ là hình thức vận tải chiếm ưu thế, chiếm 93,5% số lượt hành khách và 98,1% khối lượng hàng hóa vận chuyển. Đây cũng là hình thức vận tải có tốc độ tăng trưởng nhanh, ổn định trong giai đoạn 2010 - 2020. Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện có khoảng 12.214 km đường bộ. Hệ thống Quốc lộ có 09 tuyến với tổng chiều dài 933,6 km, hệ thống đường tỉnh gồm 21 tuyến với chiều dài 370 km, số lượng còn lại là đường đô thị (542 km), đường huyện (767 km), đường giao thông nông thôn (khoảng 9.546 km), đường chuyên dùng (54,2 km). Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện có 08 bến xe, trong đó có 06 bến xe loại IV và 02 bến xe loại VI với công suất khai thác từ 108 chuyến/ngày (bến xe Tiến Hóa, Lệ Thủy) đến 396 chuyến/ngày (bến xe Ba Đồn). 

Mạng lưới đường sắt: Mạng lưới đường sắt chủ yếu được sử dụng cho vận tải hành khách, có xu hướng giảm xuống giai đoạn vừa qua. Tuyến đường sắt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình có chiều dài 174,5 km với 19 ga được khôi phục và nối liền thông xe, khổ đường 1.000 mm. Đây là tuyến đường sắt có bình diện phức tạp nhiều đường cong bán kính nhỏ trái chiều, gần 2/3 tuyến đường đi qua các vùng rừng núi đèo dốc nguy hiểm.

Cảng Hòn La

Hệ thống cảng biển: Hệ thống cảng biển gồm có 02 khu bến Hòn La, Sông Gianh với các tuyến vận tải biển quốc tế và nội địa: (i) Khu bến Hòn La bao gồm Bến cảng Hòn La, khu chuyển tải Hòn La, Bến Nhà máy Nhiệt điện than Quảng Trạch, Bến cảng Xăng dầu DKC Hòn La; (ii) Khu bến Sông Gianh gồm các khu Bến Cảng Gianh, Bến cảng Thắng Lợi, Khu chuyển tải Cửa Gianh, Bến cảng Xăng dầu Sông Gianh. 

Kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa: Hiện nay, tỉnh đang quản lý khai thác giao thông vận tải 230 km. Trong đó, có 03 tuyến đường thủy nội địa quốc gia với tổng 23 chiều dài 123,5 km; 09 tuyến đường thủy nội địa địa phương với tổng chiều dài 109 km. Tỉnh hiện có 05 cảng nội địa. 

Cảng Hàng không Đồng Hới

Cảng Hàng không Đồng Hới là cảng hàng không dân dụng kết hợp với hoạt động bay quân sự được đưa vào khai thác năm 2008; quy mô: Sân bay cấp 4C, cho loại máy bay A320/A321 cất hạ cánh. Cảng Hàng không Đồng Hới là một lợi thế quan trọng, kết nối tỉnh Quảng Bình với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Khối lượng hành khách tăng 20 - 25%/năm từ năm 2010 đến 2018. Cảng Hàng không Đồng Hới hiện tại có kết nối với Quốc lộ 1A thông qua tuyến đường tiếp cận là Đường 16-6 với quy mô 04 làn xe, cấp đường đô thị chiều dài 650m, cơ bản đáp ứng yêu cầu kết nối giao thông. 

Hiện trạng các công trình thủy lợi: Quảng Bình có 823 công trình thủy lợi (153 hồ chứa các loại, 193 đập dâng, 298 trạm bơm, 179 cống tưới tiêu các loại); 2.162km kênh mương; 118 công trình nước sạch nông thôn tập trung. Về hệ thống đê điều và phòng chống thiên tai: Quảng Bình có 280,2 km đê, công trình trên đê, gồm 120 cống và 10 tràn. Các tuyến đê chủ yếu từ cửa sông chạy dọc theo hai bờ các sông chính. Chủ yếu là đê cấp IV, V và đê bao nội đồng, bảo vệ gần 39 nghìn ha đất dân cư, canh tác, nuôi trồng thủy sản và hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

Cấp nước đô thị: Toàn tỉnh Quảng Bình có 10/10 đô thị có nhà máy nước sạch với tổng công suất 61.930 m3 /ngày đêm. Chất lượng nước đạt yêu cầu cho sinh hoạt. Trong đó 10/12 nhà máy nước dùng nguồn nước mặt, còn lại 02 nhà máy dùng nguồn nước ngầm. Tỷ lệ thất thoát của các nhà máy nước chiếm khoảng 20%. 

Cấp nước nông thôn: Toàn tỉnh có 118 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, với tổng công suất khai thác khoảng 42.743 m3/ngày đêm, đảm nhận nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt cho 195.083 hộ dân nông thôn. Ngoài ra có khoảng 112.360 công trình cấp nước nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình (giếng khoan, giếng đào...). 

Hiện trạng cấp điện: Hệ thống nguồn điện đã và đang vận hành của tỉnh Quảng Bình bao gồm: Nhà máy Thủy điện Hố Hô có công suất 14MW, Nhà máy Điện mặt trời Dohwa - Lệ Thủy có công suất 49,5MWp và 473 hệ thống đặt điện mặt trời trên mái nhà với công suất lắp đặt là 46,234 MWp, điện thu hồi nhiệt thải phát điện của Nhà máy Xi măng Sông Gianh có công suất 7,5MW và Nhà máy Xi măng Văn Hóa có công suất 9,5MW. 

Hệ thống lưới điện 220kV tỉnh Quảng Bình được cấp từ 02 TBA: Đồng Hới và Ba Đồn với tổng dung lượng 375MVA và tổng chiều dài đường dây có 246,26 km. 

Trên địa bàn tỉnh có 10 trạm biến áp 110kV đang vận hành với tổng dung lượng 435MVA và tổng chiều dài đường dây là 326,9 km. Hiện tại đang triển khai xây dựng dự án TBA 110kV Cam Liên, trạm biến áp Bảo Ninh và Tây Bắc Quán Hàu. 

Tỉnh Quảng Bình chưa có TBA 500kV, tỉnh có 249,9 km đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2 đi qua. Hiện tại đang triển khai xây dựng Dự án Đường dây 500kV Nhiệt điện Quảng Trạch - Vũng Áng và Sân phân phối 500kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch. Có 2.623 trạm biến áp 35(22)/0,4kV với tổng dung lượng 647MVA; 136,8 km đường dây 35kV; 2.133 km đường dây 22kV; 3.617 km đường dây 0,4kV. 

Bưu chính: Hạ tầng bưu chính không ngừng được đầu tư nâng cấp, hiện có 124/151 xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ. 

Viễn thông: Hạ tầng, dịch vụ viễn thông phát triển nhanh, vùng phủ lớn. Tỷ lệ thuê bao điện thoại tăng từ 73,3 thuê bao/100 dân năm 2011 lên 91,6 thuê bao/100 dân năm 2020. Dịch vụ internet băng rộng có tốc độ tăng trưởng nhanh ở mức 19%/năm, từ 25.002 thuê bao năm 2011 lên 113.997 thuê bao năm 2020. Dịch vụ viễn thông, internet cáp quang phủ sóng 100% địa bàn trung tâm các xã, phường, thị trấn; mạng di động 3G, 4G phủ sóng trên 85% khu vực dân cư. 

Công nghệ thông tin: Hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước tiếp tục được đầu tư nâng cấp. 100% cơ quan hành chính 3 cấp đã thiết lập mạng LAN và kết nối Internet cho máy tính. Mạng diện rộng (WAN) của tỉnh được triển khai trên nền tảng Mạng truyền số liệu chuyên dùng kết nối đến 100% sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và 80% UBND cấp xã. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được kết nối từ Trung ương đến tỉnh và huyện.

Hiện trạng thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang: Hầu hết các đô thị trong tỉnh đã có hệ thống thoát nước chung cho cả nước mưa và nước thải sinh hoạt. Hệ thống nước thải khu công nghiệp chưa được xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch, các nhà máy trong các khu công nghiệp bố trí hệ thống xử lý nước thải cục bộ cho từng nhà máy sau đó xả ra khu xử lý tập trung. 

Các trung tâm y tế, bệnh viện trên địa bàn tỉnh hầu hết đã có hệ thống xử lý nước thải. Các bệnh viện mới xây dựng có hệ thống xử lý chất thải đồng bộ.

Hầu hết các cơ sở chế biến thủy sản đều chưa có hệ thống xử lý nước thải, các hộ đều xả chất thải trực tiếp ra cống rãnh xung quanh chảy trực tiếp ra hệ thống mương thủy lợi chung và thoát ra sông. 

Các đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chủ yếu sử dụng công nghệ chôn lấp để xử lý CTR. Hiện nay ở thành phố Đồng Hới đã có khu xử lý rác thải công nghệ tiên tiến, tuy nhiên bên cạnh đó vần còn bãi chôn lấp rác thải hiện hữu tại xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, quy mô chiếm đất khoảng 20,4ha. 

Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp

Thực trạng hạ tầng xã hội và hạ tầng khác: Hầu như tất cả các xã đều có trường tiểu học hoặc trường liên cấp có cấp tiểu học; 150/151 xã, phường có trường mầm non (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch chưa có trường mầm non); 149/151 xã, phường, thị trấn có trường trung học cơ sở hoặc trường liên cấp có cấp học trung học cơ sở, chủ yếu là trường công lập. 100% các địa phương đều có trung tâm giáo dục - dạy nghề để thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên. 

Toàn tỉnh hiện có 177 cơ sở y tế công lập (01 bệnh viện tuyến Trung ương, 04 đơn vị trung tâm tuyến tỉnh, 01 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, 01 bệnh viện đa khoa khu vực, 06 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 04 phòng khám đa khoa khu vực, 08 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố, 01 trường Cao đẳng y tế và 151 trạm y tế xã). 

Quảng Bình có 01 Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh và 08 Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện; có 01 Thư viện tỉnh, 08 thư viện cấp huyện, 135 tủ sách pháp luật đặt tại UBND xã, phường, thị trấn; 77 phòng đọc cơ sở đặt tại 25 Nhà văn hóa các thôn, bản, tổ dân phố; Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình đã được xếp hạng Bảo tàng hạng III; có 01 rạp chiếu phim (Rạp 15/7) do Nhà nước đầu tư, 01 rạp chiếu phim do doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Hệ thống cơ sở vật chất cho tập luyện và thi đấu Thể dục - Thể thao tuy còn thiếu nhưng đang được đầu tư theo hướng hiện đại hóa và hội nhập. 

Hoạt động báo chí có bước phát triển mạnh mẽ. Tỉnh đã triển khai thực hiện tốt Quy hoạch báo chí của Chính phủ, hiện nay, số lượng cơ quan báo chí địa phương của tỉnh giảm từ 07 cơ quan xuống còn 04 cơ quan, gồm Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình, Tạp chí Nhật Lệ, Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Đại học Quảng Bình. Trên địa bàn tỉnh hiện có 05 văn phòng đại diện báo Trung ương; 14 phóng viên thường trú; 42 phóng viên, nhà báo, 07 cộng tác viên đăng ký hoạt động; 21 bản tin, 41 Trang Thông tin điện tử tổng hợp của các sở, ban, ngành và địa phương. 

Tỉnh có 01 Đài Phát thanh và Truyền hình, tự chủ một phần kinh phí hoạt động. Trung bình sản xuất chương trình phát thanh 4h/ngày, chương trình truyền hình 6h/ngày; phát sóng phát thanh 19h/ngày, phát sóng truyền hình 17h/ngày. Kênh truyền hình Quảng Bình (QBTV) được phát hầu hết trên các hệ thống dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam và được truyền dẫn phát sóng qua vệ tinh Vinasat 1. Tỷ lệ phủ sóng truyền hình đạt 100% khu dân cư; tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt 100% khu dân cư. 

Về hạ tầng phòng cháy, chữa cháy, hiện có Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Bình, Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Tuyên Minh (đang được sử dụng chung với trụ sở của Công an thị trấn Quy Đạt). Hệ thống cung cấp nước, giao thông, thông tin liên lạc phục vụ phòng cháy, chữa cháy mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ.

Nguồn: Báo cáo tóm tắt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập