Chi tiết bài viết

"Từ Vũng Chùa... hướng Điện Biên"-Theo dấu chân vị tướng huyền thoại: Bài 3: Quyết định khó khăn nhất

16:47, Thứ Sáu, 10-5-2024

Ngày 26/11/1953, Sở Chỉ huy tiền phương do Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu phó phụ trách hành quân lên Điện Biên Phủ. Ngày 6/12, đoàn đến hang Thẩm Púa, nơi đặt chỉ huy sở. Ngày 12/1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh hội quân cùng tướng Hoàng Văn Thái. Sau khi nghe Tổng Tham mưu phó Hoàng Văn Thái báo cáo tình hình địch và phương án tác chiến, Đại tướng Tổng Tư lệnh băn khoăn trước phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” do cố vấn quân sự Trung Quốc Mai Gia Sinh đề xuất.

Đến ngày 9/12/1953, trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình địch ở Điện Biên Phủ, cơ quan tham mưu nhận định địch đang trong trạng thái lâm thời phòng ngự, chưa kịp xây dựng công sự vững chắc nên cần “đánh nhanh, thắng nhanh”. Tranh thủ đánh sớm, đánh nhanh bằng sức mạnh hiệp đồng của bộ binh và pháo binh. Đó là cách đánh “chiến thuật moi tim” mà cố vấn Mai Gia Sinh đề xuất: Dùng mũi thọc sâu “như một thanh gươm đâm thẳng vào tim, tạo nên sự rối loạn ở trung tâm phòng ngự địch ngay từ đầu, rồi từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào, tiêu diệt địch trong thời gian tương đối ngắn”.
 
Bằng tất cả tài năng, kinh nghiệm và sự nhạy bén của vị tướng Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thấy phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” là quá mạo hiểm.
 
Nhớ lại ở ATK Định Hóa, trước lúc lên đường ra trận, Bác Hồ trao cho Đại tướng nhiệm vụ hết sức nặng nề: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”. Lời Bác căn dặn luôn canh cánh bên lòng: “Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”.

Trên đỉnh đồi A1.

“Tôi vẫn cho rằng đánh nhanh không thể giành thắng lợi nhưng chưa đủ cơ sở thực tế để bác bỏ phương án các đồng chí đi trước đã lựa chọn. Cũng không còn thời gian báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị. Tôi đồng ý triệu tập hội nghị triển khai kế hoạch chiến đấu”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết những dòng trăn trở trong hồi ký “Điện Biên Phủ-Điểm hẹn lịch sử”.
 
Cùng với nhịp độ khẩn trương của công tác chuẩn bị mọi mặt cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Sở Chỉ huy chuyển từ hang Thẩm Púa, Km15 vào bản Nà Tấu dưới một khu rừng gần Km62. Phương án đánh nhanh vẫn là chủ trương thống nhất của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch và các cố vấn Trung Quốc. Dự kiến trận đánh diễn ra trong thời gian 3 ngày, 2 đêm. Thời điểm nổ súng là 17 giờ ngày 20/1/1954.
 
Khi đi kiểm tra công tác kéo pháo vào trận địa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thấy rằng con đường kéo pháo khá dài, nằm trên địa hình phức tạp, nhiều dốc cao, vực sâu, khó đưa pháo vào trận địa đúng thời gian dự kiến. Việc tiếp đạn khi chiến đấu sẽ rất khó khăn. Đúng như suy nghĩ của Đại tướng, sau 7 đêm, pháo vẫn chưa tới vị trí quy định khiến thời gian nổ súng phải lùi lại 5 ngày.
 
“Đêm 25/1/1954, tôi không sao chợp mắt được. Đầu đau nhức, đồng chí Thùy y sĩ buộc lên trán tôi một nắm ngải cứu”- Đại tướng viết trong hồi ký-“Tôi đã hiểu vì sao mọi người đều lựa chọn phương án đánh nhanh? Vấn đề khó khăn chỉ là một lý do. Chúng ta không phải hoàn toàn không có cách khắc phục khó khăn này... Nhiều người cho rằng sự xuất hiện lần đầu của lựu pháo và cao xạ sẽ làm quân địch choáng váng. Nhưng chúng ta chỉ có vài ngàn viên đạn. Đặc biệt, mọi người đều tin vào khí thế bộ đội khi xuất quân, tin vào sức mạnh tinh thần. Nhưng sức mạnh tinh thần cũng có những giới hạn. Không phải chỉ với sức mạnh tinh thần cao mà lúc nào cũng chiến thắng quân địch! Chúng ta cũng không thể giành chiến thắng với bất kể giá nào, vì phải giữ gìn vốn liếng cho cuộc chiến đấu lâu dài... Phải chuyển từ phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Phải họp ngay Đảng ủy Mặt trận. Suốt đêm, tôi chỉ mong trời chóng sáng”.
 
Kết luận tại hội nghị Đảng ủy Mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

“Trong ngày hôm đó, tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hồi tưởng.
 
Giáo sư sử học Phan Huy Lê, nguyên Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam từng nhận xét: Nhờ quyết định kịp thời, táo bạo của Tổng Tư lệnh chiến dịch, trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ được chuẩn bị lại theo phương châm mới và đi đến thắng lợi sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”.
 
Kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, gặp lại vị tướng Tổng Tư lệnh của mình, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn xúc động: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ.”
 
Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 Vương Thừa Vũ nói: “Ở Thẩm Púa, khi nghe phổ biến pháo binh của ta sẽ bắn 2.000 viên pháo 105, ai cũng trầm trồ, cho rằng quân địch sẽ tan nát. Nhưng tôi hoàn toàn không tin như vậy... 2.000 quả pháo với một tập đoàn cứ điểm rộng nhiều cây số vuông như Điện Biên Phủ có là bao. Tôi nghĩ nếu lần đó cứ “đánh nhanh, thắng nhanh” thì cuộc kháng chiến có thể lui lại 10 năm.”
 
Về quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong những ngày lưu lại TP. Điện Biên Phủ, đoàn hành trình “Từ Vũng Chùa... hướng Điện Biên” gặp gỡ rất nhiều nhân chứng là những người lính từng tham gia chiến dịch. Các cựu chiến binh Điện Biên Phủ hiện tại sinh sống ở huyện Điện Biên, như: Nguyễn Văn Kỷ (SN 1932), Lại Văn Năm (SN 1932), Nguyễn Văn Khả (SN 1930) thuộc Sư đoàn 316 khi nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều rưng rưng nước mắt xúc động: “Nếu không có những quyết sách đúng, hợp lý của Tổng Tư lệnh thì chúng tôi làm sao vinh dự chứng kiến được ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ của 70 năm sau.”
 
Tại Sở Chỉ huy Nà Tấu, chúng tôi cũng kịp ghi lại bài thơ “Trắng một đêm Nà Tấu” của nhà thơ Vương Trọng do một cựu chiến binh Điện Biên Phủ đọc khi thăm chiến trường xưa. Một đêm trắng dài, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi phương châm đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ: “Nắm ngải cứu Nà Tấu/Dịu bớt cơn nhức đầu/Trắng đêm, vị Tư lệnh/Thức với ngọn đèn dầu/Quá trăm lần tự vấn/”Có chắc thắng hay không?”/Bốn vách phòng yên lặng/Âm âm tiếng côn trùng/Đành rằng pháo lên đạn/Đành rằng quân sĩ hăng/Tinh thần là sức mạnh/Nhưng có mực, có chừng/Chuyện đánh ngày, đánh lớn/Hiệp đồng, ta chưa quen/Gì bảo đảm chiến thắng/Trong hai ngày, ba đêm?/Dốc toàn lực, ồ ạt/Không thắng được, là thua/Là trắng tay, sạch vốn/Tội này ai gánh cho?/Hiểu câu “tướng tại ngoại”/Toàn quyền hoạch trận đồ/”Không chắc thắng, không đánh”/Khi đi, Bác dặn dò/Phải chuyển sang kế hoạch/Đánh chắc thắng, lâu dài!/Vị Tư lệnh mở cửa/Gặp một rừng ban mai.
 
Đầu tháng 2/1954, phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” được quán triệt đến từng cán bộ, chiến sĩ. Từ hậu phương vào đến lòng chảo Điện Biên Phủ, công tác chuẩn bị cho “giờ G” tiến hành khẩn trương. Những trận đánh ở đồng bằng và bên nước bạn Lào góp phần làm cho địch phân tâm. Ngày 11/3/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ: “Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang. Chúc các chú thắng to!”. Hai ngày sau, 13/3, Chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức mở màn (trích hồi ký “Điện Biên Phủ-Điểm hẹn lịch sử”).

Theo Báo Quảng Bình

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập