Chi tiết bài viết

Quảng Bình kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

18:38, Thứ Sáu, 5-9-2014

Sau khi giành được thắng lợi, chính quyền cách mạng non trẻ phải đương đầu với những khó khăn chồng chất. Hậu quả của nạn đói đầu năm 1945 còn rất nghiêm trọng, tàn dư kinh tế, văn hoá, xã hội của chế độ cũ để lại còn nặng nề. Lực lượng vũ trang còn yếu, thiếu vũ khí, thiếu cán bộ quân sự... Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Quảng Bình phải đối mặt với ba loại giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Hàng vạn người thiếu ăn, hàng trăm người thất nghiệp không có việc làm phải bỏ quê hương đi tha hương cầu thực. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy", Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình quyết tâm xây dựng và bảo vệ chính quyền, giữ vững thành quả cách mạng vừa giành được. Nhân dân trong tỉnh đưa ra nhiều sáng kiến để cứu đói như lập hũ gạo cứu đói, ngày đồng tâm nhịn ăn, thành lập các đoàn cứu đói đi giúp đỡ nhân dân và lực lượng vũ trang...

 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã đứng lên khởi nghĩa thắng lợi giành được chính quyền từ tay phát xít Nhật, thiết lập được nền độc lập tự do sau hơn 80 năm phải sống trong xiềng xích nô lệ của đế quốc. Thế nhưng thực dân Pháp vẫn không từ bỏ dã tâm xâm chiếm trở lại nước ta. Ngày 23-9-1945, núp dưới bóng quân Anh, thực dân Pháp trở lại Sài Gòn, nổ súng tiến công mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.

Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ba tháng sau, ngày 27-3-1947 thực dân Pháp huy động một lực lượng lớn hải, lục, không quân đánh chiếm Quảng Bình. Trong một thời gian ngắn, quân Pháp đã thiết lập một hệ thống đồn bốt dày đặc, tiến hành các vụ tàn sát đẫm máu. Quảng Bình trở thành chiến trường ác liệt, gian khổ và giữ một vị trí quan trọng trên địa bàn Liên khu 4. Là một bộ phận gắn bó máu thịt với cuộc kháng chiến của nhân dân cả nước, nhân dân Quảng Bình đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đoàn kết một lòng đứng dậy kháng chiến. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Liên khu IV, Đảng bộ tỉnh, nhân dân Quảng Bình đã biết vận dụng một cách sáng tạo trước mọi tình huống của chiến tranh, đồng thời tổ chức, động viên toàn dân tham gia kháng chiến, tạo nên sức mạnh to lớn để chiến thắng kẻ thù.

Ngay từ trận đầu, khi quân Pháp mới đổ bộ lên bờ biển Nhật Lệ chúng đã bị các chiến sĩ của đội quân Lê Trực, du kích thị xã Đồng Hới và Bảo Ninh đánh trả quyết liệt. Lực lượng chiến đấu ở các nơi khác cũng đồng loạt nổ súng, hơn 20 ngày chiến đấu liên tục, lực lượng vũ trang và dân quân tự vệ Quảng Bình đã tiêu diệt được 460 tên địch. Địch kiểm soát miền Nam và miền Trung tỉnh Quảng Bình. Huyện Tuyên Hoá và một phần thuộc phía Bắc huyện Quảng Trạch vẫn thuộc quyền làm chủ của ta.

Đầu năm 1948, thực dân Pháp mở rộng vùng chiếm đóng, phá thế liên hoàn của ta. Hầu khắp đồng bằng Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, thị xã Đồng Hới, phần lớn huyện Bố Trạch, một phần ba huyện Quảng Trạch và vùng địa đầu huyện Tuyên Hoá đã bị thực dân Pháp chiếm đóng, kiểm soát. Trước tình hình đó nhân dân trong toàn tỉnh đã đoàn kết lại lần lượt đánh tan các trận càn quét của Pháp ở Cự Nẫm, Cảnh Dương. Trận phục kích tiêu diệt địch của C2/D274 bộ đội địa phương Quảng Bình tại Tiên Lương (Quảng Trạch) ngày 10/8/1948 là trận mở đầu của chiến dịch Thu - Đông năm 1948 ở Quảng Bình. Đây là trận đánh đầu tiên ta tiêu diệt bọn đầu sỏ nguỵ quyền cấp tỉnh, bắt được nhiều tù binh Pháp. Thắng lợi của trận đánh đã gây tâm lý hoang mang đối với hệ thống nguỵ quân, nguỵ quyền các cấp trong tỉnh, góp phần chặn đứng âm mưu của địch muốn chiếm Bắc Quảng Bình làm bàn đạp tiến công Hà Tĩnh và các tỉnh phía Bắc Liên khu IV.

Đầu năm 1949, phong trào chiến tranh du kích phát triển rộng khắp toàn tỉnh, hậu phương kháng chiến ngày càng được củng cố vững mạnh về mọi mặt.

Ngày 24-1-1949, Đại đội 1 (bộ đội địa phương huyện Lệ Thuỷ) tổ chức cải trang tập kích địch ở chợ Chè (thuộc xã Sào Nam - Lệ Thuỷ) nằm sâu trong vùng địch hậu. Sau 15 phút chiến đấu, ta đã hoàn toàn làm chủ chiến trường, bắt sống 5 tên địch, thu vũ khí địch, quân ta rút lui an toàn. Trận chợ Chè diễn ra giữa ban ngày tại vùng địch hậu nên có ý nghĩa to lớn, gây được niềm tin cho nhân dân...

Trước tình hình phát triển mạnh mẽ của phong trào kháng chiến, tháng 6-1949, Tỉnh uỷ mở hội nghị cán bộ toàn tỉnh, hội nghị quyết định lấy ngày 15-7-1949 làm ngày "Quảng Bình quật khởi". Ngày 15-7-1949, quân dân Quảng Bình đã cùng nhau đoàn kết đồng loạt nổi dậy tấn công địch bằng quân sự, chính trị ở nhiều nơi, đẩy chúng vào thế bị động đối phó, quân ta chuyển từ thế yếu thành thế mạnh.

24 giờ ngày 15-7-1949, đại đội 2 (tiểu đoàn 274) cùng du kích xã Gia Ninh tiến công đồn Mỹ Trung mở màn cho đợt tấn công.

Ngày 16-7-1949, nhân dân các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh cùng lực lượng vũ trang đồng loạt nổi dậy tấn công địch. Toàn bộ tháp canh của hương vệ, tổng vệ ở huyện Quảng Ninh bị quân và dân ta thiêu cháy. Đường dây liên lạc ở Lệ Thuỷ và Quảng Ninh đều bị cắt đứt. Quân địch lâm vào thế "tiến thoái lưỡng nan", nằm án binh bất động.

Tại Bố Trạch, ngày 16-7, du kích thôn Quy Đức (Hải Trạch) đánh chìm ghe đi tuần của địch đậu trước cửa đồn Lý Hoà.

Ngày 17-7, bộ đội phục kích chặn đò địch trên sông Kiến Giang tại hai xã Quang Trung - Minh Khai bắt 5 tên địch.

Ngày 18-7, du kích Hoàn Lão giật bom, diệt 11 tên địch, 21 giờ cùng ngày, các vị trí địch ở Bố Trạch đều bị du kích quấy rối.

Ngày 19-7, đại đội 362 phối hợp với đại đội 2 bộ đội chủ lực tỉnh bắn vào đồn Xuân Dục làm cho địch không kịp trở tay...

Ngày 22-7, du kích Cự Nẫm đột nhập vào sào huyệt của địch đốt cháy toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng và lương thực dự trữ của chúng.

Ở Quảng Trạch, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng và sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, quần chúng nổi dậy đấu tranh, phá hoại giao thông nhằm ngăn cản bước tiến của địch, mở nhiều cuộc tập kích vào đồn địch, quấy rối địch ở đồn Minh Lệ.

Song song với những hoạt động quân sự, các hình thức đấu tranh chính trị, địch vận cũng được đẩy mạnh. Từ Sen Hạ đến Văn La, Lương Yến, đồng bào đã đồng loạt nổi dậy diệt ác phá tề. Quảng Ninh đã phá được 33/37 hội tề, bắt hơn 150 tên đưa lên chiến khu giáo dục...

Tính đến cuối tháng 7/1949, lực lượng vũ trang tỉnh đã đánh 120 trận, diệt 40 tên Pháp, bắn bị thương 120 tên bao gồm cả Pháp và nguỵ, phá hỏng 22 xe, 34 cầu cống, giải tán 225 hội tề...

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã xuất hiện nhiều làng chiến đấu tiêu biểu như Cự Nẫm, Cảnh Dương... Các làng chiến đấu đó là những thành công điển hình về động viên và tổ chức được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến.

Bước sang năm 1950, cuộc kháng chiến ở Quảng Bình lại giành được thắng lợi to lớn, đánh dấu bằng những chiến công vang dội của lực lượng vũ trang như chiến thắng La Hà, Phù Trịch tháng 2-1950, chiến thắng Xuân Bồ tháng 5-1950...

Được sự giúp đỡ của bộ đội chủ lực, tháng 2-1952, lực lượng vũ trang Quảng Bình đã chủ động mở nhiều cuộc tiến công vào các vị trí quan trọng của địch trên phòng tuyến phía Bắc giải phóng Sen Bàng, Ba Đồn, Mỹ Hoà, mở rộng vùng tự do.

Bước vào Đông Xuân 1953-1954, lực lượng vũ trang không ngừng lớn mạnh, căn cứ cách mạng được mở rộng ở vùng trung du, đồng bằng, thị xã. Được chiến thắng liên tiếp trên chiến trường chính cổ vũ, quân và dân Quảng Bình liên tục đánh điểm diệt, phá trên 20 vị trí và tháp canh, bao vây các đồn bốt, cắt đứt đường giao thông tiếp tế, đập vỡ một mảng lớn hệ thống phòng ngự của địch, giải phóng hoàn toàn phần đất đai bị địch chiếm đóng ở Tuyên Hoá và một phần của huyện Quảng Trạch, tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân địch, giải phóng quê hương, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Nhìn lại toàn bộ quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân Quảng Bình, chúng ta càng tự hào với những chiến thắng mà nhân dân Quảng Bình đã dành được. Thành quả to lớn ấy trước hết là do đường lối đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi đó đã khẳng định sự ra đời, tính cách mạng và tính khoa học của một phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân, một nền nghệ thuật quân sự của chiến tranh toàn dân và chiến tranh toàn diện ở nước ta, phù hợp với quy luật của chiến tranh cách mạng để tiến hành cuộc kháng chiến, kiến quốc thắng lợi.

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập