Chi tiết bài viết

Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai các giải pháp chuẩn bị cho năm học mới 2023 - 2024

6:33, Chủ Nhật, 20-8-2023

(Quang Binh Portal) - Chiều ngày 18/8/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương trong cả nước nhằm tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai các giải pháp chuẩn bị cho năm học mới 2023 - 2024. 

Cùng tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có  đồng chí Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

Năm học 2022 - 2023 là năm học có nhiều khó khăn và thách thức đối với ngành Giáo dục và đào tạo khi vừa cùng cả nước tiếp tục khắc phục, nỗ lực vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch COVID-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo. Đây cũng là năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai tổ chức dạy học môn tiếng Anh, tin học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với lớp 3 và triển khai chương trình giáo dục phổ thông đối với cấp trung học phổ thông; tròn 10 năm đánh dấu toàn ngành triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đồng thời, cũng là thời điểm thực hiện đánh giá về triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 phục vụ công tác giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của toàn ngành Giáo dục và đào tạo, tổng kết năm học, 2022 - 2023, toàn ngành giáo dục đã hoàn thành kế hoạch với nhiều kết quả tích cực. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện về thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được củng cố, duy trì với các chỉ tiêu thành phần được nâng cao. Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Thí sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế đạt thành tích cao. Đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng; tình trạng thừa, thiếu giáo viên đã có thêm nhiều giải pháp để khắc phục. Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào chiều sâu, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định. Hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh. Toàn ngành đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 đảm bảo nghiêm túc, an toàn, khách quan…

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2022-2023 vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như tình trạng thiếu giáo viên, trường lớp, quá tải tại các trường học ở thành phố lớn, các khu vực đông dân cư. Công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh vẫn còn chưa thực sự hiệu quả. Tình trạng bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn còn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ chúc mừng những thành tựu quan trọng đạt được của ngành Giáo dục và Đào tạo trong năm học 2022 - 2023; đồng thời ghi nhận, biểu dương những tâm huyết, trách nhiệm, quyết tâm, nỗ lực của các cấp quản lý, giáo viên và học sinh đối với hoạt động dạy và học trong năm học qua. Bên cạnh đó, đồng chí cũng chỉ ra những hạn chế cần tiếp tục khắc phục trong thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; tình trạng thừa, thiếu giáo viên; chính sách, chế độ đãi ngộ cho giáo viên… 

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển Giáo dục - Đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học kỹ thuật; phù hợp quy luật khách quan; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, sáng tạo của Nhân dân và toàn xã hội. Các cơ chế, chính sách về giáo dục đào tạo phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; là vấn đề đặc biệt quan trọng, có phạm vi tác động lớn nên cần đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện.

Từ đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo, trong quá trình đổi mới cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc. Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học; các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp. Công tác xây dựng và triển khai kế hoạch đổi mới giáo dục đào tạo phải được thực hiện khoa học, bài bản, kĩ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, sát thực tiễn; lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực; vận hành hiệu quả mối quan hệ “Nhà trường, Học sinh, và Giáo viên”; đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh.

Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024 Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện đổi mới Giáo dục và Đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục, trong đó ưu tiên xây dựng Luật Nhà giáo; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và sớm công bố Phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên.

Bên cạnh đó Thủ tướng giao các Bộ ngành, địa phương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng đặc biệt về đường truyền internet tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo để bảo đảm triển khai nhiệm vụ; kiểm tra, rà soát tình hình tuyển dụng biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022 - 2026…

PV Hồng Lựu

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập