Chi tiết bài viết

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho người lao động

16:29, Thứ Tư, 14-9-2022

(Quang Binh Portal) - Trong chiến lược phát triển, tỉnh xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển công nghiệp là ngành kinh tế trọng điểm; nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và đặc biệt, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được coi là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho người lao động. 

Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo giúp lao động nông thôn có cơ hội học nghề, nâng cao trình độ, kỹ năng lao động. Nhận thức của lao động nông thôn về học nghề, cách thức tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp được nâng cao. Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Đến nay, tỉnh có 01 trường đại học, 04 trường cao đẳng, 03 trường trung cấp, 01 doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp và 05 cơ sở có hoạt động đào tạo nghề dưới 03 tháng. Toàn tỉnh có khoảng 510.000 lao động đang làm việc trong các thành phần kinh tế, chiếm khoảng 60,7% dân số. Lực lượng lao động ở khu vực thành thị chiếm 20,1%, khu vực nông thôn 79,9%. Cơ cấu lao động đang làm việc trong các thành phần kinh tế có sự chuyển dịch mạnh từ khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản sang khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp giảm dần từ 65,72% năm 2011 xuống còn 21,41% năm 2021. Trình độ, kỹ năng của người lao động có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,4%...

Hàng năm, tại các xã, phường, thị trấn thường xuyên tổ chức rà soát, thống kê các đối tượng có nhu cầu học nghề; phối hợp, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo thực hiện công tác tuyển sinh, tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đào tạo nghề; tham gia quản lý các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn tổ chức tại địa phương.

Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm, chú trọng. Trong 10 năm qua, Ban Chỉ đạo tỉnh thành lập 07 đoàn kiểm tra, giám sát công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các địa phương. Các sở, ngành, địa phương ban hành kế hoạch và tổ chức kiểm tra công tác triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Phòng Lao động - Thương binh và xã hội, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện (Phòng Kinh tế thị xã, thành phố) và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn; kiểm tra, giám sát trực tiếp tại lớp học; phối hợp với chính quyền xã, thôn, đoàn thể liên quan để nắm tình hình, hướng dẫn việc triển khai thực hiện.

Công tác tuyên truyền, vận động về dạy nghề cho lao động nông thôn được triển khai tích cực đến tận cơ sở. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, bản tin, trang thông tin điện tử, Phòng Văn hóa và Thông tin, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện triển khai công tác thông tin tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình triển khai thực hiện các Chuyên mục: “Công thương Quảng Bình”, “Nông dân, nông thôn Quảng Bình”, “Khuyến nông Quảng Bình”, “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Lao động - việc làm” đã chuyển tải hàng trăm tin, bài, phóng sự về bảo tồn, duy trì, đào tạo, phát triển các ngành nghề cho lao động nông thôn, trong đó tập trung phản ánh hoạt động tổ chức các lớp đào tạo; tuyên truyền, giới thiệu các ngành nghề đào tạo phù hợp, các gương điển hình học nghề, giải quyết việc làm... Báo Quảng Bình hàng tháng có 03 - 08 tin, bài, ảnh với chủ đề “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Bình” trên chuyên trang Lao động - Xã hội, các bài viết về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn; in và cấp phát 550 cuốn sổ tay học nghề và việc làm, 800 cuốn sách về các chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng, trên 5.000 tờ rơi để tuyên truyền cho lao động nông thôn... Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với các đoàn thể đã phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tuyên truyền, tư vấn về chính sách học nghề và việc làm cho các đoàn viên, hội viên. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, 98% lao động nông thôn nắm được chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg và tích cực đăng ký tham gia học nghề. Sau khi học nghề, nhiều hộ gia đình biết áp dụng kiến thức, mạnh dạn đầu tư mở rộng trang trại, mở xưởng sản xuất...

Từ năm 2012 - 2014, trên cơ sở danh mục 55 chương trình dạy nghề phi nông nghiệp do Tổng cục Dạy nghề ban hành và 71 chương trình dạy nghề nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các cơ sở dạy nghề áp dụng hoặc biên soạn, điều chỉnh thời gian đào tạo của chương trình phù hợp với thực tế. Từ năm 2015, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội biên soạn, chỉnh sửa và ban hành 30 chương trình đào tạo nghề phi nông nghiệp; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biên soạn, chỉnh sửa, ban hành 28 chương trình đào tạo nghề nông nghiệp. Các chương trình được áp dụng chung để đào tạo nghề lao động nông thôn. Trên cơ sở các ngành nghề được đề xuất đào tạo, chi phí thực tế và định mức hỗ trợ, UBND tỉnh phê duyệt các Quyết định quy định về danh mục nghề, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí các nghề đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng phù hợp, tạo cơ chế thuận lợi để các cơ sở đào tạo tổ chức các lớp học. Hàng năm, các cơ sở đào tạo chỉnh sửa, bổ sung thêm kiến thức mới hoặc điều chỉnh một số nội dung phù hợp với điều kiện thực tế. Chương trình đào tạo chú trọng phần thực hành, thực tập, phương thức tổ chức đào tạo đa dạng, phong phú, cơ bản phù hợp với các đối tượng tham gia học nghề.

Để làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh luôn đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề công lập. Tổng kinh phí đầu tư cho các cơ sở dạy nghề công lập từ 2010 - 2020 là 67.520 triệu đồng. Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư cho 02 trường cao đẳng 37.000 triệu đồng để mua sắm thiết bị đào tạo, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ các nghề trọng điểm; Dự án “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư cho các trung tâm Giáo dục - dạy nghề cấp huyện 5.047,75 triệu đồng. Sở Lao động - Thương binh và xã hội phối hợp với các sở, ngành có liên quan rà soát và đề xuất UBND tỉnh xem xét, điều chuyển trang thiết bị giữa các đơn vị đào tạo đảm bảo phát huy hiệu quả thiết bị dạy nghề.

Căn cứ thực tiễn phát triển kinh tế trên địa bàn, Ban Chỉ đạo các cấp đã định hướng, ban hành kế hoạch lựa chọn các nghề bảo đảm việc làm cho lao động nông thôn sau học nghề. Việc thực hiện hình thức đặt hàng đào tạo, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, ưu tiên ký hợp đồng đào tạo với cơ sở có liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm, bao tiêu sản phẩm... đã xuất hiện nhiều mô hình đào tạo nghề có hiệu quả như: Mô hình liên kết đào tạo nghề may công nghiệp giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, mô hình đào tạo nghề do doanh nghiệp trực tiếp đào tạo; mô hình thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã làm nghề đan lát thủ công, làm nón lá, làm chổi, chế biến nước mắm.. Các mô hình đào tạo trên tiếp nhận đến 90% học viên sau khi đào tạo vào làm việc với thu nhập bình quân 03 - 05 triệu đồng/người/tháng…

Tin rằng, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng được quan tâm và đầu tư đúng hướng sẽ giúp người lao động ở khu vực nông thôn tạo việc làm bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống; đồng thời góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch một bộ phận lao động từ nông thôn sang khu vực công nghiệp, dịch vụ và phục vụ tốt hơn quá trình xây dựng nông thôn mới.

PV Hồng Lựu
 

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập