Chi tiết bài viết

Quảng Bình có 22 cơ sở đào tạo nghề cho người lao động

10:35, Thứ Ba, 5-3-2019

 (Quang Binh Poral) - Đào tạo nghề là một trong những giải pháp có ý nghĩa quyết định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động, đồng thời giúp người lao động có cơ hội tìm việc làm, phát triển kinh tế, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Bình quân mỗi năm, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh tuyển sinh khoảng 15.200 người. Tuy nhiên, hàng năm nhu cầu đào tạo nghề cho lao động là rất lớn, vì vậy, các cơ sở đào tạo nghề đang tập trung mở rộng quy mô và đa dạng hóa ngành nghề để đáp ứng nhu cầu của người lao động.

Toàn tỉnh hiện có 22 cơ sở đào tạo nghề, trong đó 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (02 trường cao đẳng, 05 trường trung cấp, 09 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp), 02 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp và 04 đơn vị có tham gia đào tạo nghề dưới 03 tháng. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện đang đào tạo ở 03 hệ là cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Nhìn chung, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu của người lao động. Chỉ tính riêng trong 03 năm, từ năm 2016 - 2018, tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho gần 35.000 lao động; tỷ lệ lao động sau đào tạo ở trình độ trung cấp và cao đẳng có việc làm đạt lệ 80%; hệ sơ cấp đạt 76% và các nghề phi nông nghiệp đạt trên 80%. Một số ngành nghề như may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng, quản trị khách sạn, công nghệ ô tô, vận hành máy thi công thường được các doanh nghiệp đặt hàng đào tạo và tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp.

Hiện nay, mạng lưới các cơ sở dạy nghề trên địa bàn đã được phê duyệt phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chương trình đào tạo được sửa đổi, bổ sung theo nhu cầu thực tế sử dụng lao động của các doanh nghiệp, phù hợp với sự phát triển các ngành nghề trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và nguồn đầu tư đều được nâng lên đáng kể; chất lượng đào tạo nghề qua các năm đã dần được nâng cao; sau học nghề học sinh, sinh viên, người lao động đã có kỹ năng nghề để tham gia lao động tại các doanh nghiệp, tự tạo việc làm hoặc thành lập tổ hợp tác, doanh nghiệp.

Cùng với đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề ra nhiều giải pháp đào tạo nghề hiệu quả, trong đó đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề; mở rộng, đầu tư phát triển cơ sở dạy nghề với mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở dạy nghề; gắn đào tạo nghề với sử dụng lao động theo yêu cầu thực tiễn sản xuất - kinh doanh theo địa chỉ, đơn đặt hàng; tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị dạy nghề cho trường dạy nghề công lập theo hướng hiện đại, đảm bảo năng lực cạnh tranh với các trường trong khu vực về cả quy mô đào tạo, ngành nghề đào tạo; đặc biệt, chú trọng tới nghề trọng điểm, nghề mũi nhọn gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để nguồn nhân lực được đào tạo vừa đáp ứng được số lượng và chất lượng cao của địa phương vừa có thể cạnh tranh trong thị trường lao động hội nhập…

Tuy nhiên, việc đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như: Mạng lưới cơ sở dạy nghề mới chỉ đáp ứng được về số lượng nhưng năng lực thực hiện nhiệm vụ đào tạo của các cơ sở dạy nghề không đồng đều; đào tạo theo trình độ, nghề đào tạo chưa đáp ứng được cơ cấu sử dụng lao động của các ngành kinh tế, thị trường lao động; trang bị thiết bị dạy nghề của một số cơ sở dạy nghề chưa phù hợp, đồng bộ, lạc hậu, ít sử dụng nên lãng phí; ý thức của người lao động trong việc xác định nghề để học chưa cao; chính sách mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho học viện còn thấp hoặc không có, tiền đi lại trong quá trình học nghề cho lao động nông thôn thuộc diện hộ cận nghèo.

Để công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt hiệu quả cần tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng và chính quyền, trong đó chính quyền cấp xã, phường đối với công tác dạy nghề; đẩy mạnh tuyên truyền về đào tạo nghề, đặc biệt hướng đến đối tượng lao động nông thôn nhằm nâng cao nhận thức về học nghề, lựa chọn nghề phù hợp để có cơ hội tìm việc làm; tập trung xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở dạy nghề, đầu tư một phần dành cho mua sắm nâng cấp trang thiết bị dạy nghề; tăng cường kiểm tra cơ sở, trung tâm về công tác đào tạo nghề; rà soát, đánh giá năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh.

Đặng Hà

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập