Chi tiết bài viết

Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Tin có hình

17:5, Thứ Hai, 8-4-2019

(Quang Binh Portal) - Theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 545 trang trại đạt tiêu chí theo quy định tại Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó có 299 trang trại tổng hợp, 165 trang trại chăn nuôi, 41 trang trại trồng trọt, 22 trang trại nuôi trồng thủy sản, 18 trang trại lâm nghiệp. Các trang trại đã khai thác, sử dụng 3.269,3 ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp và mặt nước nuôi trồng thủy sản, bình quân 6,0 ha/trang trại; thuê 3.404 lao động với thu nhập bình quân 04 - 05 triệu đồng đối với lao động thường xuyên...

Phần lớn, các trang trại đã khai thác có hiệu quả đất nông, lâm nghiệp và thủy sản, tạo ra nhiều giá trị sản phẩm hàng hóa, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, nhất là lao động thời vụ. Tổng giá trị thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh nông, lâm nghiệp và thủy sản của trang trại năm 2018 đạt trên 720,1 tỷ đồng, bình quân 1.321,3 triệu đồng/trang trại.

Đặc biệt, một số trang trại làm ăn có hiệu quả, điển hình như trang trại của ông Đinh Đăng Tuấn ở xã Hưng Thủy (huyện Lệ Thủy) với quy mô 05 ha được được đầu tư để phát triển ươm nuôi cá giống và lợn siêu nạc, hiện trang trại có 15 ao nuôi với diện tích 04 ha và 200 con lợn thịt, 40 con lợn nái, doanh thu trên 03 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 05 lao động. Bên cạnh đó, trang trại của ông Nguyễn Văn Vũ ở xã Mai Thủy và trang trại của ông Lê Xuân Ngọc ở Tân Thủy cũng đã đầu tư 06 ha nuôi ếch, cá giống và ếch thịt, cung cấp ra thị trường trên 65 nghìn con ếch giống, 90 tấn ếch thịt, 15 tấn cá giống cho thị trường; nuôi thêm 200 con lợn thịt và 25 con lợn nái; doanh thu hàng năm trên 04 tỷ đồng, tạo việc làm cho 06 lao động. Ngoài ra, trang trại bà Đặng Thị Ánh và Hoàng Thị Hòa ở xã Thuận Đức (thành phố Đồng Hới) có tổng thu trên 05 tỷ đồng; Trịnh Thị Vinh tại xã Nam Trạch (huyện Bố Trạch) doanh thu 24 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 06 lao động…

Mặt khác, các trang trại tiếp tục phát triển có hiệu quả hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất, góp phần hỗ trợ trang trại tìm kiếm đầu vào và thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Tuy nhiên, nhìn chung các trang trại còn thiếu kết nối với thị trường, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn ít, chưa có mô hình trang trại đạt hiệu quả cao để nhân rộng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp. Sản xuất của các trang trại chưa thật sự bền vững, phần lớn chất lượng sản phẩm chưa được quản lý chặt chẽ, ô nhiễm môi trường do nước thải, chất thải không được xử lý vẫn còn xảy ra. Cùng với đó, liên kết sản xuất, kinh doanh giữa trang trại và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn ở mức thấp. Trình độ quản lý, sản xuất kinh doanh của trang trại còn hạn chế; lưc lượng lao động trong trang trại chưa được đào tạo nghề cơ bản...

Để tiếp tục phát triển kinh tế trang trại, thời gian tới, toàn tỉnh tập trung thực hiện tốt Đề án "Phát triển kinh tế trang trại tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2017 - 2020"; đẩy mạnh triển khai các chính sách đối với trang trại như vay vốn tín chấp bằng Giấy chứng nhận kinh tế trang trại, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, công nghiệp chế biến tại vùng trang trại tập trung trong quy hoạch nhằm đáp ứng tốt yêu cầu phát triển sản xuất của trang trại, chính sách khuyến khích chủ trang trại lớn, doanh nghiệp phát triển công nghiệp chế biến nông sản; tạo điều kiện, cơ chế chính sách để giải quyết đầu ra cho sản phẩm của trang trại, nhất là liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là trung tâm trong liên kết "bốn nhà" của chuỗi giá trị sản phẩm; hỗ trợ thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; giới thiệu doanh nghiệp thu mua nông sản, giúp trang trại phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương tập trung khuyến khích, đẩy mạnh phát triển trang trại ứng dụng công nghệ cao, trang trại theo hướng thực phẩm sạch, quản lý chất lượng nông sản trong sản xuất kinh doanh theo hướng VietGap; cung cấp sản phẩm ra thị trường đảm bảo chất lượng; công tác sản xuất, chăn nuôi đảm bảo môi trường sinh thái trong lành; tiếp tục tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để tạo nguồn lao động cho các trang trại; chú trọng bồi dưỡng, tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh và khoa học kỹ thuật cho chủ trang trại.

Mặt khác, các ngành, địa phương chú trọng tuyên truyền, vận động hướng dẫn phát triển hình thức tổ chức sản xuất để giúp các hộ nông dân, chủ trang trại chia sẻ kinh nghiệm, liên doanh, liên kết trong sản xuất, đăng ký nhãn hiệu, tiêu thụ sản phẩm; chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh...; đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra về vật tư nông nghiệp và quản lý nông, lâm, thủy sản, tạo điều kiện đầu ra cho sản phẩm của hộ nông dân, trang trại đến với người tiêu dùng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh việc giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ trang trại, hộ gia đình theo quy hoạch nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các chủ trang trại yên tâm đầu tư phát triển sản xuất...

Mai Anh

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập